Tại Thái Lan, chi tiêu cho thực phẩm của khách du lịch quốc tế là khoảng 8,8 tỷ USD trong tổng doanh thu du lịch trung bình hơn 71 tỷ USD trước dịch. Du khách đến Thái Lan vì ẩm thực rồi mới đến mua sắm. Chính lòng hiếu khách và ẩm thực đường phố mang lại một khoản tiền lớn cho người dân cũng như nền kinh tế nước này. Từ những khu chợ đêm nhộn nhịp ở Bangkok cho đến những ngôi làng nhỏ ở vùng nông thôn, ngay cả các quầy hàng rong cũng giúp nhiều người dân Thái Lan kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình, thậm chí là dư giả.
Trong khi đó, câu chuyện về du lịch ẩm thực đường phố ở Việt Nam lại là một bức tranh hết sức ảm đạm. Để nói về ẩm thực đường phố, tôi tin không nhiều nước đa dạng được như Việt Nam. Nhưng toàn bộ tinh hoa ẩm thực đúng chất là nằm ở đường phố chứ không phải các nhà hàng sang trọng.
Ẩm thực nước ta vị ngon, dễ ăn, đa dạng, hài hòa, tương đối rẻ... đã được truyền thông quốc tế công nhận từ lâu, nhưng đáng tiếc thứ chúng ta chiêu đãi du khách tại những nơi họ thường lui tới nhất như khách sạn, chợ đêm, phố ẩm thực, sân bay lại là pizza, mỳ Ý, sushi, bánh gạo cay, khoai tây chiên... được biến tấu theo cách nấu của người Việt.
Vậy nên mới chỉ có phở, bánh mì hay nem rán được du khách quốc tế chú ý đến, chứ ẩm thực của ta chưa thể vươn tầm quốc tế như pizza, sushi, tokboki, ramen, tomyum được. Đi du lịch Việt Nam đúng kiểu du khách phải tự tìm hiểu thật kỹ, tự mò mẫm thật sâu thì mới hiểu được đẹp ở đâu và ngon thế nào, chứ đi kiểu vãn cảnh thì chắc cũng chẳng biết ở Việt Nam có món gì ngon?
Chúng ta chưa bao giờ đưa được những món ăn ngon nhất, chuẩn vị nhất, chất lượng ổn nhất vào những nơi tập trung dễ tiếp cận tới du khách quốc tế như phố ẩm thực, chợ đêm, foodcourt... Thật tiếc những nơi ấy lại chỉ toàn là cá viên, xúc xích, cơm cuộn rong biển, bánh gạo cay, pizza, pasta, cơm rang... với chất lượng chưa chắc đã ngon, nhưng giá chắc chắn không rẻ.
Toàn bộ món ăn thuần Việt hiện vẫn chỉ nằm ở các quán ăn ngon rải rác khắp thành phố, phục vụ người dân địa phương là chính vì thường nằm sâu trong ngõ ngách, không được quảng bá rộng rãi nên rất khó tìm. Ngay cả các festival du lịch ở Việt Nam cũng được tổ chức rất cồng kềnh. Tới nơi, du khách chỉ toàn thấy gian hàng của các hãng du lịch và ngân hàng tới phát tờ rơi. Còn khu ẩm thực lại nằm ở tận cùng một góc.
Ẩm thực Việt cần có nơi bán tập trung, chất lượng và giá thành đảm bảo, chứ không phải cứ quảng bá món này ngon lắm, món kia bổ lắm, rồi để khách tự tìm quán ngon ngoài phố. Mở phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực ra mà toàn cho bán đồ ăn Tây thì đồ Việt tiếp cận thế nào được du khách?
Thực tế chứng minh vỉa hè không thể chỉ dành cho riêng người đi bộ, ngay kể cả tại những siêu đô thị phát triển bậc nhất như New York, Paris, Seoul hay Tokyo. Ai không tin cứ tìm clip người ta quay bên đó mà xem, xe tải bán đồ ăn, xe kéo bán đồ ăn, bàn ghế cà phê vẫn kê ra vỉa hè và lòng đường như thường. Quan trọng là họ quy hoạch thế nào, và vi phạm sẽ phạt ra sao, chứ cứ đuổi thì chạy, không đuổi lại bày ra bán như ở ta thì chỉ càng thêm nhốn nháo mà thôi.
Tóm lại, muốn phát triển du lịch, chúng ta phải có phố đêm, trung tâm thương mại, phải có chợ ẩm thực... chứ không thể cứ mãi trông chờ vào vài quán bia bọt, bar sàn.
Tất nhiên, không phải những thứ kia Việt Nam không có, nhưng thực tế chợ đêm toàn bán đồ lưu niệm, quần áo kém chất lượng; phố ẩm thực lại toàn đồ ăn ngoại du nhập, chèo kéo khách một cách đáng sợ.
Giờ nếu Hà Nội quy hoạch được hai bên sông Hồng thành phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực, ngồi thuyền bán đồ ăn trên sông... bài bản như Thái Lan thì tôi tin du lịch Việt dư sức cạnh tranh được.
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC