1. Đức mỏng mà địa vị tôn quý
Thừa tướng thời nhà Tống Tư Mã Quang tổng kết: “Đức không xứng vị, tất có tai ương”. Nếu một người mà phẩm đức thấp kém nhưng thân lại ở địa vị cao quý thì nhất định sẽ có tai ương giáng xuống.
Trong “Tư trì thông giám” có ghi chép một điển cố như sau: Quốc vương của nước Tấn muốn chọn lựa trong số các con trai của ông một người để làm người kế vị mình. Người con Trí Dao của quốc vương có thân hình cao lớn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, quả cảm cương nghị, giỏi hùng biện. Quốc vương rất yêu thích Trí Dao và muốn Trí Dao là người kế thừa ngôi vị của mình. Nhưng Trí Dao lại là người không đủ nhân hậu.
Các đại thần biết được ý của quốc vương đều can ngăn, nói rằng: “Nếu người thừa kế là Trí Dao thì chúng ta nhất định gặp đại họa.” Quốc vương Tấn quốc không nghe lời can ngăn ấy, đem ngôi vị truyền lại cho Trí Dao.
Sau khi quốc vương qua đời, Trí Dao lên nắm quyền, không chỉ vô nhân đức với dân chúng mà còn thi hành những chính sách rất hà khắc với các sĩ phu, chọc tức quốc quân các nước khác. Cuối cùng Trí Dao bị nước Hàn, Triệu, Ngụy đánh bại, không chỉ bản thân Trí Dao bị giết mà còn khiến cả gia tộc đều bị diệt.
Trong “Dịch Kinh” còn giảng: “Hậu đức tái vật“, tức là đức dày có thể nâng đỡ được vạn vật. Phẩm đức của người quân tử xưa dày rộng như đại địa nên mới có thể chịu tải được vạn vật. Bởi vậy có thể thấy, vị trí càng cao càng là khảo nghiệm phẩm đức của một người.
2. Trí tuệ thấp mà mưu lớn
Một người muốn đạt được một thứ nào đó thì nhất định cần có trí tuệ tương xứng. Trong “Thủy Hử truyện”, Ngô Dụng dùng trí mà đoạt được Sinh Thần Cương (các kiện vật phẩm quý hiếm được dùng trong lễ chúc thọ), có thể nói với trí tuệ của Ngô Dụng thì đó là điều đương nhiên, dễ như trở bàn tay.
Dương Chí nhận lệnh của Lương Trung Đường áp tải Sinh Thần Cương. Ngô Dụng bàn mưu giả làm thương nhân bán táo phục kích đồi Tùng Lâm. Trong lúc Dương Chí cùng đám thuộc hạ đang nghỉ ngơi thì có người bán rượu đi ngang qua. Ngô Dụng dùng mưu mua một thùng uống trước để Dương Chí giảm bớt đề phòng, sau đó lén bỏ thuốc mê vào trong. Sau khi đám người Dương Chí mắc mưu trúng phải rượu thuốc, đánh mất Sinh Thần Cương. Về sau, Ngô Dụng làm quân sư hạng nhất của Lương Sơn. Với Ngô Dụng, việc ứng đối với quan binh cũng hoàn toàn không phải là vấn đề lớn.
Nhưng sau này tiếp nhận chiêu hàng, muốn vợ con được hưởng đặc quyền, chinh phục Phương Lạp là mưu đồ vượt quá phạm vi tài năng của Ngô Dụng. Lương Sơn hảo hán dần dần bị tàn lụi, cuối cùng bị tiêu diệt.
Bởi vậy có thể thấy, một người phải có trí tuệ tương xứng với tham vọng thì cuộc đời mới có thể đi được lâu dài và vững vàng.
3. Sức lực yếu mà mang trọng trách
Trang Tử từng kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Tề Trang Công trong một lần ra ngoài đi săn thú, dọc đường đi, xe ông gặp một con bọ ngựa ở trước xe cứ giơ chân lên như thể đang chuẩn bị đọ sức với xe của ông.
Người đánh xe thấy vậy, nói: “Giống bọ này thật kỳ lạ, chẳng biết sức mình khỏe hay yếu, cứ thấy đối thủ là liều thân xông lên không hề chịu.” Từ đó mới có câu thành ngữ “châu chấu đá xe”, để hình dung ra người không biết lượng sức mình.
Trong cuộc sống, có người rõ ràng biết rằng thực lực của mình không cho phép, nhưng lại cố tình gắng gượng kháng cự, cuối cùng chỉ có thể gặp phải tai ương.
Cổ nhân có cách nói: “Hữu đa đại đích thủ, đoan đa đại đích oản” (tạm dịch: Tay mạnh bao nhiêu thì bưng bát cơm lớn bấy nhiêu). Một bàn tay nhỏ bé, yếu ớt mà bưng bát cơm lớn thì không chỉ hao tổn sức lực mà còn dễ dàng làm bát cơm bị rơi vỡ. Phàm là việc gì cũng vậy, cần phải lượng sức, năng lực kỹ năng của bản thân có bao nhiêu thì nên đảm nhận trách nhiệm lớn bấy nhiêu.
Khi chúng ta phát hiện ra khả năng của bản thân chưa đủ, cần lặng lẽ bồi dưỡng thêm, bởi vì tùy tiện làm việc không chỉ khiến bản thân bị suy sụp vì áp lực mà còn rất dễ dàng xảy ra tai họa không đáng có.
Một người tìm được đúng vị trí của mình, tìm được đúng công việc phù hợp năng lực của mình thì cũng là tìm được hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời và cuộc sống mới có thể thong dong tự tại, không lo lắng muộn phiền.
An Hòa
© 2024 | Thời báo ĐỨC