Vào giữa năm Đạo Quang, trong một bức thư viết cho các em trai của mình Tăng Quốc Phiên đã nói rằng:
“Ta chỉ có hai chuyện có thể trông chờ là tiến đức và tu nghiệp”.
Nhìn xa trông rộng một chút thì đường đời của mỗi người đều được gây dựng dựa vào nhân phẩm của con người. Chúng ta thường nói “Bất vong sơ tâm” (không quên cái tâm ban đầu). Cái tâm ban đầu chính là nhân phẩm. Muốn giành được thắng lợi trong kiếp nhân sinh thì phải dựa vào chính mình. Muốn có một cuộc sống hạnh phúc, mỹ mãn thì phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân.
Nhân phẩm là học vấn cao nhất
1. Muốn làm việc trước tiên hãy làm người
Trong văn hóa truyền thống Á Đông có rất nhiều danh ngôn và những lời cảnh báo nhấn mạnh về nhân cách, đạo đức của một người. Ví như “Bạn muốn hành sự, trước tiên hãy làm thánh nhân, Tài đức song toàn, lấy đức làm đầu” (Tử dục vi sự, tiên vi nhân thánh, đức tài khiêm bị, dĩ đức vi thủ). Cổ nhân nhấn mạnh chữ “Đức” trước chữ “Tài”, từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của nhân phẩm. Cha mẹ cũng thường dặn dò chúng ta, làm việc gì trước tiên cũng phải học từ người khác.
Năng lực đương nhiên rất quan trọng, nhưng nhân phẩm còn quan trọng hơn. Trong hai chữ “nhân tài” thì chữ “Nhân” đứng trước, chữ “Tài” theo sau. Nếu coi nhẹ sự tu dưỡng cá nhân trong nhân phẩm thì e rằng tài cao ngất trời cũng tuyệt đối không thể trở thành bậc anh tài kiệt xuất.
Nhân phẩm là học vấn chân chính cao nhất, là nền tảng để triển khai năng lực của con người. Một người có nhân phẩm tốt lại giỏi giang thì nhất định sẽ thành công. Nếu một người có năng lực, nhưng nhân phẩm không tốt, thì năng lực của họ rất có thể sẽ trở thành thanh gươm sắc bén hủy đi kiếp nhân sinh của chính mình. Trong xã hội ngày nay không thiếu những kẻ tội phạm thông minh gây họa hại cho xã hội như vậy.
Trên con đường đời chỉ có nhân phẩm mới là điều đáng tin cậy nhất. “Kẻ đức là vua của người tài, người tài là kẻ nô lệ của đức” (Đức giả tài chi vương, tài giả đức chi nô). Có đức mà không có tài chỉ là một kẻ phàm phu, có tài mà không có đức sẽ trở thành một kẻ độc ác. Tài ba, thông minh mà mất đi sự dẫn lái của nhân phẩm, đạo đức thì người này ắt sẽ trở thành một con mãnh thú.
Trong bức thư viết cho em trai mình, nhiều lần Tăng Quốc Phiên đều cập tới tầm quan trọng của “đức”, tức nhân phẩm của con người. Ông nói: “Ngày nay tích một phần đức, cũng coi như tích một đấu ngũ cốc”(Kim nhật tiến nhất phân đức, canh toán tích liễu nhất thăng cốc). Về phương diện dùng người, Tăng Quốc Phiên cũng đặc biệt chú ý tới nhân phẩm của các quan viên.
Chân dung Tăng Quốc Phiên. Ông viết thư cho em trai nhiều lần nhắc nhở làm người phải coi trọng nhân phẩm. Ảnh dẫn theo culture.dwnews.com
2. Nhân phẩm tốt thì vận mệnh hanh thông
Cuộc sống không thể dựa vào vận may, dẫu có vận may thì cũng không phải lúc nào cũng có. Nhưng một người có nhân phẩm tốt thì vận mệnh của anh ấy sẽ không kém cỏi chút nào.
Giữa con người với con người, giữa con người với xã hội vốn nên truyền thừa những điều tươi đẹp. Một người có phẩm hạnh sẽ trao đi và nhân rộng sự lương thiện của mình. Đồng thời họ cũng sẽ thu được những điều tốt đẹp và thiện ý từ những người khác và từ xã hội.
Giang Trung Nguyên là người coi trọng tín nghĩa. Trong thời gian ứng thí ông đã từng hai lần đưa tiễn linh cữu bạn mình về nơi quê cha đất tổ. Dẫu nghìn dặm xa xôi, trắc trở ông vẫn trước sau như một giữ tấm lòng thiện lương thơm thảo, sắt son. Sau khi Thành Phong Đế đăng cơ, đã lệnh cho các quan cửu khanh bộ viện tiến cử hiền tài. Lúc đó Tăng Quốc Phiên đảm nhiệm chức Tả Thị Lang bộ Lễ. Ông đã tiến cử Giang Trung Nguyên.
Kim An Thanh tài cao, năng lực quản lý tài vụ rất tốt, nhưng “tâm không chính”. Ông muốn làm tham mưu của Tăng Quốc Phiên, hòng mượn sức mạnh của Tăng để đạt được mục đích thăng quan phát tài cho bản thân mình. Nghe đồn Kim An Thanh 7 lần cầu kiến Tăng Quốc Phiên, nhưng Tăng Quốc Phiên 7 lần từ chối không gặp.
Một nhân cách đẹp chính là vòng nguyệt quế và sự vinh diệu trong kiếp người. Nó còn có uy lực và bền lâu hơn cả tiền tài, quyền thế. Phú quý, uy quyền có thể mất đi trong chớp mắt, nhưng một nhân cách đẹp lại khiến con người giàu sang suốt cả một đời.
Nhân phẩm là nền tảng, là hòn đá tảng của một người. Mọi vinh hoa, phú quý đều có được từ nền tảng nhân cách con người. Nếu nhân cách không đạt thì nền tảng không thể gây dựng được tốt, dẫu có thành tựu bao nhiêu thì cũng đổ vỡ trong một ngày không xa.
Nhân phẩm tốt có thể bù đắp lại sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng tài vận vĩnh viễn không thể bù đắp được thiếu sót trong nhân cách. Làm người phải có một nhân phẩm tốt, khi đối đãi với người khác thì lấy đức làm đầu, khi hành sự lại lấy sự chân thành làm đầu.
Nhân phẩm là nền tảng, là hòn đá tảng của một người. Mọi vinh hoa, phú quý đều có được từ nền tảng nhân cách con người. Ảnh dẫn theo youtube.com
Nỗ lực chính là thái độ sống
1. Vạn sự đều cần tới sự nỗ lực
Tăng Quốc Phiên nói: “Những người bình thường trong thiên hạ xưa nay đều bại bởi một chữ “Lười”” (Thiên hạ cổ kim chi dung nhân, giai dĩ nhất “Nọa” tự chí bại). Chỉ cần bạn nỗ lực thì trong thiên hạ không có việc gì khó. Chữ “Cần” là một trong những thứ quan trọng nhất trong kiếp người.
Tăng Quốc Phiên luôn cho rằng, dù ở nhà, làm quan, hay hành quân đánh trận cũng đều phải lấy chữ “Cần” làm gốc. “Cần” chính là cần lao, chính là nỗ lực.
Nỗ lực là một thái độ sống, nó không hề liên quan tới tuổi tác. Sẽ luôn có một vài người cho rằng tuổi của mình đã lớn thì không cần nỗ lực gì nữa, có thể an tâm mà an hưởng tuổi già. Kỳ thực đây chính là một cách hiểu sai về sự nỗ lực.
Nỗ lực không phải là bức bách bạn tiến về phía trước bằng áp lực. Nỗ lực là từ trong sâu thẳm nội tâm bạn dâng lên khát vọng muốn tiến thêm một bước về phía trước, là một thái độ sống tích cực và cầu tiến.
Con người khi sống cần phải nỗ lực không ngừng. Trên con đường nhân sinh không nỗ lực thì không thể đạt được bất kể thứ gì. Nỗ lực không hẳn là cứ phải làm nên thành tựu to tát nào đó, mà là làm hết khả năng của mình khiến bản thân cảm thấy hài lòng nhất.
Điều đáng sợ nhất trong kiếp người không phải là không làm nên công trạng gì, mà là bạn không nỗ lực nhưng lại an ủi bản thân rằng người bình thường mới là đáng quý.
Trong cuộc sống hiện thực thường có người không chịu nỗ lực tiến về phía trước. Có người lại còn lấy “số mệnh” làm cái cớ, hòng an ủi, vỗ về, ru ngủ bản thân. “Mệnh” là một cái cớ của kẻ thất bại, “Vận” mới là từ khiêm nhường của người thành công.
Nỗ lực là từ trong sâu thẳm nội tâm bạn dâng lên khát vọng muốn tiến thêm một bước về phía trước, là một thái độ sống tích cực và cầu tiến. Ảnh dẫn theo baomoi.com
2. Nỗ lực là phương thức vận hành của cuộc sống
Cuộc sống sẽ không phụ sự nỗ lực của mỗi người. Dẫu cuối cùng thất bại thì chúng ta cũng có thể đối mặt với điều đó một cách thản nhiên, không hề tiếc nuối.
Nỗ lực là có trách nhiệm với bản thân mình. Chúng ta nỗ lực hết sức mình không phải để cho người khác nhìn vào, mà là để sinh mệnh của chúng ta càng thêm ý nghĩa.
Con đường đời không thể luôn xuôi chèo mát mái, không một ai sinh ra đã có thể có tất cả. Nhưng nỗ lực không ngừng nghỉ chính là không ngừng “thay đổi”, không ngừng có “hy vọng” mới.
Khi nỗ lực trở thành một trạng thái thường hằng trong kiếp nhân sinh, thì cuộc sống của bạn sẽ luôn tràn trề hy vọng.
Tăng Quốc Phiên nói: “Trăm thứ bệnh tật đều sinh ra từ tính lười”(Bách chủng tệ bệnh, giai tòng lãn sinh). Một “kẻ ngốc nghếch” như ông có thể làm nên sự nghiệp, trở thành một nhân vật vĩ đại, đều là nhờ vào sự nỗ lực ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Khi còn trẻ ông nỗ lực học hành vì thi cử, làm quan. Sau khi làm quan ông lại nỗ lực tu thân. Dẫu trải qua trăm nghìn gian nan, trắc trở ông cũng không chịu cúi đầu khuất nhục.
Từ khi thành lập đội Tương Quân tới khi thương thảo với nước ngoài, Tăng Quốc Phiên đều không ngừng nỗ lực, không ngừng làm phong phú bản thân. Con trai ông, Tăng Kỷ Hồng thích toán học và vật lý học. Mặc dù Tăng Quốc Phiên không hiểu, nhưng ông cũng cố hết sức mình tìm tòi và nỗ lực học hỏi về chúng.
Nỗ lực vừa chỉ sự phấn đấu không ngừng vì mục tiêu của bản thân, cũng chỉ việc không ngừng làm phong phú bản thân, khiến bản thân mình ngày mai sẽ ưu tú hơn bản thân mình ngày hôm nay.
Trên con đường nhân sinh sẽ có mưa gió, bão bùng, tiền tài, quyền thế đều có thể biến mất như mây tạnh mưa tan, chỉ có nhân phẩm và sự nỗ lực của con người mới là điều đáng trông cậy nhất. “Đức và nghiệp cùng tiến thì tư gia mới ngày càng hưng” (Đức nghiệp tịnh tiến, tắc gia tư nhật khởi). Đạo đức và nỗ lực hai thứ đều có thì lo gì không có được kiếp nhân sinh tươi đẹp đây?
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC