Chuyện ông lão thao túng lũ trẻ
Một ông già bán hàng tạp hóa ven đường. Ông cảm thấy rất phiền lòng vì một đám trẻ con trong khu phố thường chơi đùa trước cửa hàng của ông vào mỗi buổi chiều khiến nơi đây trở nên ầm ĩ.
Mặc dù ông đã thử nhiều phương án nhưng không có cách nào đuổi được lũ trẻ đi.
Cho đến một ngày ông nghĩ ra “tuyệt chiêu mới”. Ông gọi lũ trẻ lại, cho mỗi đứa 10 đồng rồi nói: “Cám ơn các cháu, các cháu chơi ở đây làm ta rất vui. Ngày mai lại đến đây chơi nữa nhé”. Bọn trẻ rất vui sướng khi nhận được tiền, và dĩ nhiên ngày hôm sau chúng lại quay trở lại.
Nhưng lần này ông già chỉ cho chúng 5 đồng với lý do như hôm trước. Hôm sau nữa thì chỉ cho mỗi đứa 2 đồng, hôm sau nữa thì 1 đồng. Và đến ngày cuối cùng, ông đã không cho tiền bọn trẻ nữa. Điều này làm bọn trẻ cảm thấy rất khó chịu, “chúng ta chạy nhảy đứt cả hơi mà số tiền càng ngày càng ít, vậy lần sau đừng tới đây chơi nữa.
(Ảnh: pinterest.fr)
Chơi nữa chẳng hóa ra ta reo hò miễn phí cho ông lão vui à?” Kể từ đó, ông lão không còn bị làm phiền bởi tiếng nô đùa của lũ trẻ nữa.
Người xưa có câu: “muốn nắm chặt thì phải thả lỏng”. Ông lão sau nhiều lần thất bại với những lời dọa dẫm và xua đuổi, đã hiểu rằng để lũ trẻ từ bỏ khu vui chơi ưa thích của mình thì chỉ có cách duy nhất là điều khiển một cách tinh tế tâm lý chúng.
Bí mật của ông lão
(Ảnh: life1025.com)
Ông lão đã thay đổi mục đích vui chơi ban đầu của lũ trẻ. Chúng đến với khoảng sân trước cửa hàng ông lão để vui chơi chủ yếu vì nơi này khá thoáng mát, rộng rãi và có nhiều cây xanh hay nói cách khác, chúng chơi ở đây là vì bản thân chúng thích thế. Nhưng ông lão lại thay đổi điều đó, ông khiến tụi nhỏ tin rằng chúng vui chơi là vì ông, vì ông sẽ trả tiền để bọn chúng chạy nhảy và hò hét.
Niềm tin này dần dần biến thành động cơ thực sự để chơi đùa của lũ trẻ. Chúng quên mất rằng, chúng chơi chỉ vì chúng thích thế. Thay vì tận hưởng từng giây phút được thoải mái cười đùa và leo lên những ngọn cây để hóng mát, chúng lại dành tâm trí để chờ đợi giây phút nhận được những đồng tiền thưởng của ông lão. Và ngay khi ông lão không còn cho chúng tiền thì chúng bỏ luôn hành vi chơi đùa của mình.
Câu chuyện trên là một câu chuyện giả tưởng, nhưng nó lại nói lên một thực tại đang diễn ra rất thật trong xã hội chúng ta. Có bao giờ bạn quyết định bỏ cuộc và quên mất mục đích ban đầu của mình hay không?
Thảm họa của United Airlines và trí nhớ “cá vàng” của đám đông
Khách hàng ủng hộ nạn nhân David Dao (Ảnh: Vneconomy)
Cộng đồng mạng từng náo động vì video nhân viên hãng hàng không United Airline hành hung một hành khách tên là David Dao. Người ta hò nhau tẩy chay và ra sức lan truyền thông tin tiêu cực về hãng này. Một tuần sau khi xảy ra scandal nói trên, theo khảo sát, có đến 47% người Mỹ không có thiện cảm với United Airlines. Thậm chí, một tháng sau đó, khi được hỏi lại, phần lớn người Mỹ vẫn xem thương hiệu này mang đầy dấu hiệu tiêu cực
Chúng ta có lẽ đã nghĩ, hãng này thế là xong rồi, khách hàng quay lưng, nạn nhân đâm đơn kiện, giá trị thương hiệu bị ảnh hưởng mạnh. Thế rồi, bẵng đi một thời gian, khi quay lại xem xét các con số vào cuối năm, các nhà phân tích đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Bằng cách nào đó doanh thu của United Airlines trong quý 2 và quý 3 vẫn đạt con số gần 10 tỷ đô la, đạt mức tăng trưởng so với cùng kì.
Biểu đồ kinh doanh của United Airline sau scandal (Ảnh: Ecoblader)
Với giá vé ngang bằng với trước khi xảy ra scandal, 48% khách hàng sẵn sàng lựa chọn dịch vụ của gã xấu xa ngày nào. Và khi Hãng Hàng không đối thủ tăng giá vé, 86% khách hàng quay sang ủng hộ United Airline.
Có thể thấy rằng, mục tiêu ban đầu của khách hàng bị thay đổi trong khoảng thời gian diễn ra khủng hoảng. Họ lên án và muốn đòi lại công bằng cho nạn nhân. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, họ đã quay về với mục tiêu cốt lõi của mình, giá cả và chất lượng dịch vụ. Những người trước đây hùa theo truyền thông tẩy chay United Airline thì giờ đây quay ngoắt 180 độ sẵn sàng bỏ tiền cho gã xấu xa ngày nào.
Tới lúc này United Airline có thể thở phào nhẹ nhõm và tập trung khôi phục hình ảnh thương hiệu đã bị báo chí vùi dập trong thời gian trước đó.
Chúng ta cần cảnh giác với sự sao nhãng mục tiêu
(Ảnh: ccsur.com)
Hiểu rõ vai trò của mục tiêu có thể giúp ông già bán hàng tạp hóa xua đuổi lũ trẻ, cứu nguy cho một Hãng Hàng không tai tiếng và hơn hết thảy nó có thể hủy hoại hoặc nhào nặn một đời người.
Xã hội hiện nay quả thật là dễ khiến người ta quên mất mục tiêu ban đầu của mình. Rất nhiều thú vui tiêu tốn thời gian, rất nhiều ngã rẽ để lựa chọn, và cũng rất nhiều thông tin nhằm khiến người ta không có quyết định sáng suốt.
Khi công việc quá căng thẳng, người ta thường rủ nhau đến những quán bar với tiếng nhạc ầm ĩ và các chất kích thích để lẩn trốn áp lực. Khi nhìn sang người bạn nối khố có được công việc ổn định và mức lương hậu hĩnh, người ta bắt đầu nghi ngờ về con đường đam mê mình đã chọn. Khi những thất bại đầu đời đánh lừa một chàng trai trẻ về năng lực bản thân, anh ta có thể dễ dàng quên đi chính mình với một liều thuốc ngủ hoặc sợi dây móc trên trần nhà.
Nếu gặp khó khăn hãy nhớ tới lý do bạn bắt đầu
(Ảnh: nhadautu.vn)
Ở một hướng ngược lại, nếu chúng ta có thể sáng suốt nhận biết đâu là mục tiêu cuối cùng của mình, tránh sao nhãng bởi những thú vui không cần thiết, thì việc đưa ra quyết định lại quá là dễ dàng.
Một đứa trẻ nếu có thể vô tư chơi đùa mà không quan tâm đến những đồng tiền của ông lão, kế hoạch của ông ta sẽ thất bại. Nếu một cá nhân hiểu rõ mục tiêu của mình là tìm kiếm hạnh phúc chứ không phải cố gắng có được mức lương giống bạn bè, anh ta sẽ vượt qua được khó khăn trong thực tại. Nếu một tập thể luôn để cao giá trị của mục tiêu chung, những mâu thuẫn nhỏ nhặt sẽ sớm được giải quyết.
Giữ cho mọi thứ thật đơn giản luôn là rất khó khăn bởi những cám dỗ và trở ngại luôn là kẻ phỉnh lừa ranh mãnh, chúng sẽ bủa vây và trực chờ khiến bạn lạc lối. Vậy nên mỗi lần muốn bỏ cuộc hãy nhớ tới lý do mà mình đã bắt đầu.
Trọng Đạt
© 2024 | Thời báo ĐỨC