Cúng rằm tháng Giêng có nhất thiết phải đúng ngày?

Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng, vậy lễ cúng có nhất thiết phải tiến hành đúng ngày rằm hay không?

Tết Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm âm lịch. Trong tiếng Hán, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, bên cạnh Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười).

Tết Nguyên tiêu năm 2022 là ngày nào?

Năm nay, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán trùng với ngày 1 tháng 2 dương lịch, vì vậy Tết Nguyên tiêu năm Nhâm Dần (ngày 15 tháng Giêng) rơi vào thứ Ba ngày 15/2 dương lịch.

Tại Việt Nam, vào ngày Tết Nguyên tiêu, người dân thường lên chùa cầu an, cúng sao giải hạn, ước nguyện điều tốt lành cho năm mới.

Người xưa quan niệm, "cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", điều này cho thấy tầm quan trọng của ngày này. Đây cũng là ngày lễ quan trọng cuối cùng trong chuỗi sự kiện liên quan đến Tết Nguyên đán. Nhiều người cho rằng, phải qua rằm tháng Giêng với thực sự hết Tết. Ngoài việc lên chùa cầu an hay cúng sao giải hạn, các gia đình thường làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ thành tâm.

1 Cung Ram Thang Gieng Co Nhat Thiet Phai Dung Ngay

Cúng rằm tháng giêng có nhất thiết phải đúng ngày?

Cúng rằm tháng Giêng có cần đúng rằm?

Theo phong tục, lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm (15/1 âm lịch). Hiện nay phần lớn các gia đình vẫn cúng vào ngày này, giờ giấc linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế. Các gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13, 14, thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11 - 12.

Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Nguyên tiêu

Tương truyền vào đời Hán ở Trung Quốc, một cung nữ có ý định về thăm cha mẹ vào ngày rằm tháng Giêng nhưng bị bề trên ngăn cấm nên có ý định lao xuống giếng tự tử vì quá buồn nhớ song thân. Cảm động trước sự hiếu thảo của cô gái, một vị quan nghĩ kế giúp cô. Ông tâu vua rằng, ngày 16/1, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15/1.

Theo lệnh vua, ngày rằm tháng Giêng mọi nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc ai nấy đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết. 

Cũng có truyền thuyết khác kể rằng, con thiên nga mà Ngọc Hoàng rất yêu quý bay xuống hạ giới chơi và bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho nó, Ngọc Hoàng sai thiên binh đúng ngày 15/1 (âm lịch) xuống phóng hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật ở hạ giới. Rất may cho loài người là một số vị thần không đồng tình với quyết định khắc nghiệt này nên liều mình xuống trần để hiến kế cho chúng sinh.

Theo mách nước của chư thần, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc Hoàng nhìn xuống tưởng rằng nhà cửa, làng mạc ở dưới đang bốc cháy. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong. Kể từ đó đến nay, ngày 15 tháng 1 hàng năm, người Trung Quốc thường treo đèn lồng và nấu cỗ, bày tiệc, sum họp bên gia đình, mừng một năm mới bắt đầu bình an, may mắn.

 Tại Việt Nam, rằm tháng Giêng mang ý nghĩa cầu mong một năm tốt lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đây là một trong 2 ngày rằm được coi trọng nhất (bên cạnh rằm tháng Bảy, với Phật tử thì có thêm ngày rằm quan trọng nhất là rằm tháng Tư - lễ Phật đản). Dân gian có câu "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng" là vậy. 

Vào ngày này, phật tử sẽ bái Phật, các gia đình khác cúng thần linh, Thổ công, Thổ địa và nhất là ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn bề trên phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm.

MINH ANH (Tổng hợp)

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày