Cô giáo tuyên bố "Không học thì các con phải ra khỏi lớp"
Anh Nguyễn Văn Thành sống tại Thủ Đức, TPHCM có con đang học lớp 1. Sau khi đọc bài viết "Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học ra hành lang đứng", anh Thành đã cung cấp thêm thông tin cho phóng viên Dân trí về chương trình học liên kết tại trường con anh.
Theo thời khóa biểu anh Thành chụp từ bản chép tay của cô giáo, lớp của con anh học 6 tiết liên kết gồm 3 tiết tiếng Anh trong đó có 1 tiết với giáo viên nước ngoài, 1 tiết STEM, 1 tiết tin học và 1 tiết kỹ năng sống. Học phí chưa được nhà trường công bố.
Tham khảo từ các lớp trên, anh Thành được biết mỗi học sinh sẽ đóng thêm khoảng 500 ngàn đồng/tháng.
Thời khóa biểu phụ huynh cung cấp (Ảnh: NVCC).
Điều khiến anh Thành bức xúc là 6 tiết học ngoại khóa trên được xếp vào lịch học chính khóa, thậm chí xếp ngay các tiết đầu 1, 2, 3, khiến phụ huynh không có lựa chọn.
Trong buổi họp phụ huynh diễn ra cuối tuần qua, giáo viên chủ nhiệm phát phiếu đăng ký môn liên kết cho phụ huynh. Một số phụ huynh không đăng ký đã được cô nhắc nhở. Đồng thời cô cũng tuyên bố trên nhóm lớp: "Không học thì các con phải ra khỏi lớp".
"Các cháu vừa vào lớp 1 mà phải học thêm tới 6 tiết "tự nguyện". Trong khi trường đang quá tải, mỗi lớp 47-50 học sinh, không đủ phòng cho các cháu học bán trú. Lớp con tôi chỉ được 2 ngày học bán trú, 4 ngày học 1 buổi. Cô chủ nhiệm kêu không có đủ thời gian để kèm các cháu.
Vậy đưa thêm môn "tự nguyện" vào để làm gì? Ai là người kiểm tra chất lượng, hiệu quả các môn học này? Tại sao nhà trường không cố gắng làm tốt chương trình của mình đã?", phụ huynh Thành bức xúc.
Chị Phạm Thị Nhung sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng có chung câu hỏi. Con chị học lớp 1, tham gia 4 tiết học liên kết/tuần. Không có tiết liên kết nào vào cuối buổi. Hằng ngày con học từ 7h45 đến 17h. Cuối tuần, con chị Nhung học thêm lớp bổ trợ từ 8h đến 11h tại nhà cô chủ nhiệm.
Chị Nhung không muốn tham gia tất cả các lớp này nhưng được các phụ huynh khác "rỉ tai" rằng nên tham gia. Khi đăng ký cho con, chị Nhung mới biết có đến 40/44 học sinh học thêm nhà cô và 100% học sinh đăng ký môn liên kết.
"Nhìn vào thời khóa biểu của con, tôi thấy xót xa khi các con mới 6 tuổi mà học đến 9 tiếng một ngày. Cuối tuần, con lại đi học thêm 3 tiếng. Tôi cũng như đa số phụ huynh khác, đăng ký học cho con vì tâm lý sợ con khác biệt, sợ bị cô cho ra rìa. Không phải tự nhiên chúng tôi lại mang nỗi sợ đó", chị Nhung giãi bày.
Hàng tỷ tiền học phí liên kết vào tay ai?
Anh Nguyễn Văn Thành tính toán số tiền học phí các môn liên kết mà trường con anh thu về mỗi tháng.
Cụ thể, mỗi khối có 17 lớp, mỗi lớp tối thiểu 45 học sinh, cả trường có 5 khối lớp tương đương với 3.825 học sinh. Nếu 100% học sinh đăng ký tham gia đầy đủ 6 tiết liên kết với mức học phí 500.000 đồng/tháng, số tiền nhà trường thu về là hơn 1,9 tỷ đồng/tháng.
Học sinh ở Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Duy). Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông báo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập để rà soát lại.
Anh Hoàng Văn Nam sống tại quận 3 TPHCM, phụ huynh của hai con lớp 1 và 6, chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục tại trường THCS của con lớn cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ tại trường tiểu học của con nhỏ. Như vậy, mỗi công ty như thế này cùng lúc có tối thiểu gần 10.000 khách hàng mỗi tháng".
"Số tiền nhà trường thu hộ cho đơn vị liên kết được chia như thế nào? Nhà trường được hưởng bao nhiêu phần trăm từ tiền cơ sở vật chất? Có lợi ích nào khác khiến nhà trường xếp các tiết ngoại khóa vào lịch học chính khóa để phụ huynh không thể không đăng ký cho con học hay không?
Nếu phần lớn số tiền thu được thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, tôi nghĩ rằng không thể có loại hình kinh doanh nào thuận lợi hơn thế trong bối cảnh hiện nay. Không có rủi ro, không có nợ đọng, khách hàng ổn định với "nghìn đơn" mỗi tháng.
Đó có phải là lý do trường nào cũng tổ chức học môn liên kết hay không?", anh Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Ở góc nhìn khác, phụ huynh Thành ở Thủ Đức, TPHCM so sánh doanh thu 1,9 tỷ đồng/tháng với mức thu nhập của các phụ huynh là công nhân, người lao động ở khu vực nơi anh sinh sống.
"Nơi tôi ở là vùng ven của thành phố, đa phần các gia đình là công nhân. Từ sau đại dịch Covid-19, công việc không có, người có việc thì lương giảm hơn nửa, rất tội. Con cái học hành tốn kém. Giờ thêm các môn liên kết càng tốn kém hơn. Nhà hai đứa con mất thêm 1 triệu đồng/tháng.
Lẽ ra phải giảm gánh nặng cho họ thì nhà trường lại tăng gánh nặng cho họ bằng hình thức học tự chọn một cách ép buộc như hiện nay", anh Thành chia sẻ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC