Có nên ép con mình phải học thành tài?

Câu hỏi tưởng quá thừa này lại trở thành nỗi ám ảnh không phải cho một vài gia đình mà nó đang trở thành gánh nặng cho rất nhiều con em của chúng ta đang cắp sách tới trường.

Hiện tượng trẻ tự kỷ có xu thế ngày càng tăng và đâu đó đã xuất hiện những trường hợp bi đát đau lòng xảy ra.

132 1 Co Nen Ep Con Minh Phai Hoc Thanh Tai

Với tâm lý hy sinh tất cả cho con cái, miễn chúng học tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm ổn định, có vị trí trong xã hội nên nhiều bậc phụ huynh đã ra sức dồn ép việc học.

Từ đứa trẻ thơ ngây hồn nhiên, chúng không còn việc gì khác ngoài áp lực phải học thật giỏi cho bằng con bác A cô B ở cùng khu vực.

Sự so sánh không giống ai này vô tình đẩy đứa trẻ vào ngõ cụt, sinh ra căm ghét những đứa được mang ra làm gương vì chúng biết rõ rằng con nhà bác A cô B kia học còn chưa bằng mình. Sở dĩ chúng nổi tiếng vì các bác và các cô thích đánh bóng hình ảnh con mà không biết rằng học lực chúng cũng bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Vẫn biết trong thời đại này việc học thật cần thiết, nó không chỉ trang bị cho mỗi người tri thức, học vấn để bắt kịp dòng chảy sự tiến bộ của nhân loại mà còn dạy cho mỗi người sống nhân văn với nhau hơn. Nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ rằng cứ học hành giỏi giang sau này sẽ giàu có và thay đổi số phận, bởi vậy ngay từ nhỏ bố mẹ đã định hình từng bước đi của con mình.

Từ bậc tiểu học đến trung học rồi đại học. Sau khi học xong, tốt nghiệp tìm việc làm tốt, thu nhập cao rồi lấy vợ, lấy chồng sinh con có cơ hội thăng tiến. Qui luật khó cưỡng ấy như bếp lò hừng hực cháy phía sau để con chỉ biết chạy không được nghỉ và bố mẹ nhiều khi cũng mệt hết năng lượng đốt lò.

Trong thực tế, nhiều gia đình cố gắng cho con mình vào học các trường có uy tín.

Cũng đáng hoan nghênh bởi ngoài việc có khả năng về kinh tế họ còn muốn con mình được đào tạo trong môi trường học tập có chất lượng. Với mục tiêu của mình những ngôi trường này họ luôn mong muốn học sinh phải thật sự học tốt hơn những trường khác và vì thế, sự cạnh tranh, sức ép giữa trò với trò, giữa trò với thày càng trở nên nặng nề.

Nhiều học sinh không theo kịp tiến độ sinh ra tự ti, trầm cảm và trốn giờ mình không yêu thích. Từ một bộ môn rồi cứ thế trượt dài để cuối cùng thay vì phải đến lớp lại đi tụ tập với nhóm bạn cũng chán học như mình lang thang, hết ngày học lại về trình diện như không có chuyện gì xảy ra. Khi đã quá đà bị vỡ lở đến tai phụ huynh lúc đó xuất hiện những tình huống tiêu cực từ hai phía, bắt đầu cho chuỗi ngày không thể sáng sủa hơn.

Tâm lý của phụ huynh luôn muốn thế hệ con phải tốt hơn mình. Trong ý nghĩ ấy bao hàm chất lượng sống, chất lượng học. Để đảm bảo được điều đó họ thường hy sinh tất cả với mong muốn miễn con không phải khổ như thời thơ ấu của mình.

Có một câu chuyện về nhà tỷ phú mang tiền của mình đến thuê phòng khách sạn, ông chọn căn phòng rẻ nhất. Người quản lý khách sạn nhận ra ông và nói:

"Thưa ông, con trai ông lần trước cũng đến chỗ chúng tôi, nhưng lại chọn căn phòng sang trọng nhất. Ông có muốn đổi phòng không?".

Người tỷ phú nói: "Con trai tôi có một người bố giàu có, nên mới sống trong một căn phòng sang trọng, nhưng tôi chỉ có một người bố rất nghèo".

Câu nói của ông rất thú vị. Nhiều người nghĩ rằng câu chuyện này châm biếm sự thất bại của ông bố. Thực tế nó không chỉ phản ánh hai quan điểm khác nhau về tiền bạc mà còn nêu lên thực trạng của một lớp người quen được hưởng thụ sinh ra ích kỷ, tự mãn, tự cho mình quyền được hơn người mà không biết chia sẻ cùng bố mẹ.

Nếu ai đã đi họp phụ huynh cho con mình khi tiếp xúc với các phụ huynh người Séc mới thấy họ không quá coi trọng việc con mình phải học giỏi bằng con ai. Họ luôn ý thức rằng việc học là của con, nó phải tự khẳng định và nếu không học được lên đại học thì thiếu gì công việc để làm, để kiếm ra tiền. Họ không ép con phải học phụ đạo thêm toán lý, nếu có chỉ là khuyến khích con tham gia vào lớp học vẽ, học khiêu vũ và cuối tuần cả nhà cùng đi đâu đó để xả hơi, thư giãn.

Thói quen soi nhau của các phụ huynh người Việt tạo cho con mình áp lực rất nặng nề. Đi học là việc bình thường giữa các học sinh.

Ngồi trong lớp học kém hơn các bạn tâm lý đã không thoải mái rồi, về đến nhà bố mẹ lại lấy gương nhà người khác ra so sánh, hỏi không buồn sao được. Sự cạnh tranh của các bậc phụ huynh thầm lặng nhưng đủ sức công phá hết tuổi thơ đầy trong sáng của các em.

Một chiếc giấy khen của con treo trên tường cũng đủ để bố mẹ hỷ hả khoe khi khách đến thăm nhà. Rõ khổ!

Rất nhiều Hội Đoàn được tạo ra theo cách gọi của mọi người là sân chơi. Trong sân chơi nở như hoa mùa xuân ấy thử hỏi có sân chơi nào cho con em của mình? 

Hội Đoàn nào có chương trình cụ thể dành cho các cháu, và có buổi tọa đàm nào về chuyên đề nên dạy con và hướng nghiệp cho thế hệ trẻ đang sống ở nước ngoài hôm nay cho các phụ huynh? Các cháu đang bị lãng quên và chúng chỉ được nhắc tới khi có tật hoặc kiếm ra nhiều tiền. Chúng ta đang nghĩ cho mình quá nhiều và tự cho mình quyền áp đặt rằng, mọi thứ bố mẹ lo hết chỉ mỗi việc học mà không được thì học để làm gì?

Vâng học để làm gì?

Câu trả lời chừng như đơn giản nhưng chưa bao giờ dễ ấy đã làm khó cho biết bao người. Trên nẻo đường lập nghiệp có biết bao lối đi làm đổi thay số phận nhiều người tưởng an bài trong nghiệp học.

Thiều Quang


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày