Câu chuyện thứ nhất: Tổng thống Mỹ và tuổi thơ "vay tiền" của bố
Một cậu bé 11 tuổi trong lúc chơi đá bóng đã không cẩn thận làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm. Người hàng xóm này bắt cậu phải bồi thường 12,5 USD.
Câu chuyện này xảy ra vào năm 1920. Lúc bấy giờ, 12,5 USD có giá trị không hề nhỏ, thậm chí có thể đủ để mua 125 con gà mái đẻ trứng.
Cậu bé gây "đại họa" này về nhà nhận lỗi với cha của mình. Sau cùng, cha cậu muốn cậu phải tự chịu trách nhiệm về lỗi lầm ấy. Cậu bé rất băn khoăn: "Nhưng con làm gì có nhiều tiền như vậy?"
Người cha nói: "Cha có thể cho con mượn tiền, nhưng 1 năm sau con phải trả lại cho cha".
Kể từ đó, cậu bé bắt đầu cuộc sống làm công đầy gian khổ, vất vả. Trải qua hơn nửa năm nỗ lực, cuối cùng, cậu đã kiếm đủ 12,5 đô và đem gửi lại cho cha của mình.
Cậu bé trong câu chuyện năm ấy sau này đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan. Mỗi khi nhớ lại chuyện ấy, ông thường chia sẻ rằng, chính bài học của cha khi đó đã giúp ông hiểu được thế nào là trách nhiệm.
Dạy cho con cái cách chịu trách nhiệm từ nhỏ sẽ giúp con của bạn hành sự không cẩu thả, lỗ mãng. (Ảnh minh họa).
Bài học rút ra
Có lẽ, rất nhiều bậc cha mẹ vẫn thường đặt ra lý do rằng con cái vẫn còn nhỏ, từ đó đem toàn bộ sai lầm của cách con trở thành trách nhiệm cho bản thân mình tự gánh.
Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến con cái của chúng ta ngay từ nhỏ đã cảm thấy không nhất thiết phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình, từ đó hình thành thói quen đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
Kỳ thực, bờ vai của các con dù non nớt tới đâu nhưng ít nhiều vẫn có thể tự gánh vác cuộc đời mình. Bởi vậy, đào tạo con cái phải có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ để các em biết rằng làm sai sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể sửa lại.
Câu chuyện thứ hai: "Một người cha bằng cả trăm vị hiệu trưởng"
Trong một buổi tối đốt lửa trại, thầy giáo đề xuất một ý tưởng, yêu cầu các em học sinh đứng dậy phát biểu với chủ đề "Người cha của tôi". Nghe thấy lời đề nghị của thầy giáo, đám trẻ xôn xao hẳn lên, vui vẻ thi nhau kể về người cha của mình.
Có bạn khoe rằng mình có một người cha chức cao vọng trọng, bạn khác lại lấy việc cha giúp mẹ làm việc nhà để ví dụ, còn có bạn thì tự hào nói lớn: "Cha tớ mỗi tối trước khi đi ngủ đều sẽ kể chuyện cho tới nghe".
Người phát biểu cuối cùng chính là Mike. Tới lượt mình, cậu bé đứng dậy, nói lớn mà chẳng hề biến sắc:
"Cha của tớ có thể leo được ngọn núi cao nhất thế giới, có thể bơi qua đại dương rộng lớn nhất thế giới, có thể đánh bại dã thú mạnh nhất thế giới, còn có thể chế tạo ra chú chó đồ chơi dễ thương nhất trên đời này".
Đám trẻ nghe xong đều không khỏi cảm thấy kính nể người bố tuyệt vời của bạn mình. Không ai để ý rằng, khi nói xong hết thảy những câu ấy, vẻ mặt của Mike thoáng trở nên ảm đạm.
Cậu bé thì thầm với chính mình rằng: "Thế nhưng, bình thường cha tớ chỉ ngồi ở nhà xem ti vi mà thôi…"
Trong mắt của con cái, nếu mẹ là người dịu dàng nhất thì bố chính là những người vĩ đại nhất. (Ảnh minh họa).
Bài học rút ra
Có người từng nói rằng "một người cha có thể thắng cả trăm vị hiệu trưởng". Trong trái tim của con trẻ, cha mãi mãi là một người vĩ đại nhất.
Vậy nhưng, ngày nay có nhiều bậc làm cha lại dành quá nhiều thời gian để đòi hỏi những điều mà họ cần ở các con, còn bản thân lại ít cho các bé những điều con cần.
Tuổi thơ của các em vốn chỉ có một lần, các bậc cha mẹ nên quý trọng điều đó chứ không phải tốn thời gian cho công việc bận rộn hay những cuộc xã giao vô vị.
Kỳ thực, để có thể trở thành một người cha, người mẹ vĩ đại trong mắt con trẻ, các đấng sinh thành vốn không cần phải "leo lên ngọn núi cao nhất", "bơi qua đại dương rộng lớn nhất" hay "đánh bại dã thú mạnh nhất", mà chỉ cần dành thời gian rảnh rỗi tâm sự cùng con, lắng nghe mong muốn của con là đủ rồi.
Câu chuyện thứ ba: Lần giáo dục thành công nhất của một người cha
Một buổi sáng năm 17 tuổi, người con được cha nhờ lái xe đưa ông tới một nơi cách nhà 20 dặm. Lúc ấy, cậu con trai mới học lái ô tô nên vô cùng vui vẻ mà nhận lời.
Cậu đưa cha đến địa điểm ấy rồi hẹn 3h chiều sẽ quay lại đón cha. Sau đó, cậu đi xem phim mà không để ý tới thời gian, kết quả khi phim hết đã là 5 giờ chiều.
Biết đã trễ hẹn với cha hơn 2 tiếng đồng hồ, cậu con trai vội lái xe đi đón cha mình. Khi tới nơi, cậu thấy ông đang kiên nhẫn ngồi một góc chờ đợi.
Trong lòng người con thầm nghĩ, nếu cha biết mình đi xem chiếu bóng nên đến trễ, nhất định sẽ vô cùng tức giận. Vì vậy, cậu trước tiên nói lời xin lỗi rồi nói dối rằng chiếc xe xảy ra vấn đề nên phải đi sửa.
Người cha nghe xong, lẳng lặng nhìn con một cái. Đó là ánh mắt mà cả đời cậu con trai không thể quên. Ông nói: "Con trai, con cho rằng con cần phải nói dối cha hay sao? Cha thực sự rất thất vọng!"
"Cha nói gì vậy ạ? Những lời con nói đều là thật mà!", cậu con trai cố gắng chống đỡ.
Người cha lại nhìn cậu một lần rồi nói tiếp: "Khi con đến trễ, cha đã gọi điện đến trạm sửa chữa và hỏi họ có phải xe nhà mình xảy ra vấn đề không. Họ khẳng định là không hề có chuyện đó. Cho nên, cha biết rõ không phải chiếc xe xảy ra vấn đề".
Nghe thấy những lời ấy, một cảm giác xấu hổ trào dâng trong lòng rồi lan ra khắp cơ thể người con trai. Anh không thể nói dối thêm câu nào nữa mà đành thừa nhận mình đi xem chiếu bóng.
Người cha chuyên tâm lắng nghe, nét bi thương hiện lên gương mặt.
"Cha rất tức giận, không phải vì giận con mà là tự giận bản thân mình. Cha cảm thấy cha là một người cha thất bại, bởi vì con phải nói dối cha. Cha đã nuôi dạy nên một đứa con thậm chí không thể nói thật với chính bố ruột của mình.
Hiện tại, cha muốn đi bộ về nhà để tự kiểm điểm lại những việc mình đã làm trong mấy năm qua".
Người con trai hoảng hốt nói lời xin lỗi, nhưng tất cả đều phí công vô ích. Cha anh đã bắt đầu bước đi trên con đường đất dài tới 20 dặm để về nhà, còn anh thì một mực lái xe đi theo sau với hy vọng ông có thể hồi tâm chuyển ý.
Những bước chân vất vả trên con đường dài 20 dặm của người cha năm ấy cũng là lần giáo dục thành công nhất của ông đối với con trai mình. (Ảnh minh họa).
Suốt cả quãng đường, trong lòng cậu con trai đều tràn ngập sự sám hối và không ngừng nói lời xin lỗi với cha. Vậy nhưng cha anh không hề để ý tới. Trọn cả con đường dài 20 dặm ấy, hai cha con một người, một xe đều chỉ đi với vận tốc 4km/h.
Con đường dài 20 dặm năm 17 tuổi ấy, người con trai phải nhìn cha mình bị giày vò trước cả nỗi đau thể xác và tinh thần. Đó cũng là bài học làm người đau đớn nhất trong cuộc đời mà anh phải trải qua.
Thế nhưng, đó đồng thời cũng là lần giáo dục thành công nhất. Kể từ ngày ấy về sau, người con trai không bao giờ nói dối cha mình thêm một lần nào nữa.
Bài học rút ra
Cổ nhân có câu "không dạy con là lỗi của cha mẹ". Có nhiều đấng sinh thành đều đã nghe qua câu này, nhưng cũng có không ít người chẳng hề để ý tới điều đó.
Khi con cái phạm lỗi, việc đầu tiên cha mẹ nên làm là hãy tự kiểm điểm chính mình. Bởi việc dạy con cũng giống như lái xe tới ngã ba đường, phải thường xuyên quay đầu lại nhìn đường mới có thể tránh lầm đường lạc lối quá xa.
Câu chuyện thứ tư: Đừng vì xót của mà làm tổn thương con cái!
Gia đình David có hai người con trai, một đứa 5 tuổi, một đứa 7 tuổi. Vào một ngày kia, anh quyết định dạy đứa con trai lớn của mình cách dùng máy cắt cỏ.
Đúng lúc đang dạy con quay đầu máy cắt, vợ gọi David vào nhà nghe điện thoại. Không ngờ khi anh vừa xoay người, cậu con trai lớn vì không điều khiển được máy cắt nên đã để nó chèn vào khu vườn trồng hoa kế bên sân cỏ.
Kết quả là vườn hoa ấy có tới 2 mét đã bị máy cắt "san thành bình địa", còn David thì chứng kiến toàn bộ sự việc đau lòng ấy. Thấy vườn hoa luôn được hàng xóm ngưỡng mộ của nhà mình nay đã tan tác, anh vô cùng tức giận mà lớn tiếng quát con trai.
Đúng lúc ấy, vợ anh rất nhanh đã chạy ra vườn, nhẹ nhàng đặt tay lên vai chồng và nói:
"Anh yêu à, xin hãy nhớ rằng, nhà mình đang nuôi con chứ không phải đang trồng hoa".
Thay vì la mắng con cái vì xót của, hãy nhẹ nhàng bảo ban để các con có thể rút ra bài học sau mỗi lần vô ý làm hỏng việc. (Ảnh minh họa).
Bài học rút ra
Các bậc bố mẹ nên khắc ghi trong tâm khảm rằng, lòng tự trọng của con cái quý giá hơn nhiều so với tâm lý xót của.
Dù con đá bóng làm vỡ kính, lỡ tay rơi vỡ địa hay chẳng may làm hỏng vườn hoa… thì đó đều là những đổ vỡ về mặt vật chất có thể khắc phục.
Thế nhưng, nếu chúng ta vì xót của mà làm tổn thương tâm hồn con trẻ, khiến một trái tim đầy sức sống trở nên trầm lặng, thì loại tổn thương không thể vãn hồi ấy mới thực sự là điều đáng tiếc.
Nguồn: Tri thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC