Chen chúc trong nội đô Hà Nội khi giá nhà cao vô lý

'Hà Nội thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới, vậy sao phải cố lao vào trung tâm thành phố rồi đuối sức?'.

1 Chen Chuc Trong Noi Do Ha Noi Khi Gia Nha Cao Vo Ly

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương tại thủ đô tính đến quý I là 9,7 triệu đồng mỗi tháng.

Trong khi đó, giá bán thứ cấp trung bình bất động sản nhà ở gắn liền với đất đến quý II là 154 triệu đồng mỗi m2, còn chung cư là 33 triệu đồng mỗi m2. Tức là, nếu chỉ dựa vào thu nhập để mua nhà, một người lao động tại Hà Nội sẽ phải dành gần 15 năm thu nhập bình quân để có thể mua một căn hộ diện tích 50 m2, và gần 100 năm thu nhập bình quân để mua một căn nhà liền thổ 75 m2.

Trăn trở về cơ hội mua nhà Hà Nội ngày càng thu hẹp, độc giả Tht Thành Kai chia sẻ:

"Nhiều người tới Hà Nội học tập, làm ăn, dẫn tới việc thị trường nhà ở cung không đủ cầu, dẫn tới giá cả tăng cao. Việc bất động sản không thỏa mãn túi tiền và ngược lại, thu nhập nhiều năm cũng không đủ sức sở hữu một ngôi nhà cũng nói nên việc giá bất động sản đang cao bất hợp lý. Hiện nay, giá một căn nhà tại trung tâm Hà Nội đã tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động, mức cao trên thế giới, còn thu nhập thì sao?

Đồng cảm với nỗi bức xúc khi lương không theo kịp giá nhà, bạn đọc Phan Phoi Phu Hai nhận định:

"Một căn nhà dự án F0 có giá 1,5 tỷ đồng, nhưng qua F1 đã lên đến 2 tỷ đồng. Đó mới là sự chênh lệch lợi nhuận của các tay đầu cơ lớn, chứ chưa nói đến những người đầu cơ nhỏ lẻ lướt cọc. Như vậy, thử hỏi lương nào chạy theo kịp tốc độ tăng giá của bất động sản? Đó là lý do tại sao nhà nhà người người chạy theo bất động sản, bỏ bê mọi thứ khác. Chỉ trong một năm mà họ có thể thu về cả tỷ đồng thậm chí nhiều hơn, nên chẳng trách xã hội mờ mắt vì buôn đất.

Tôi biết một anh bạn trước làm lơ xe, nhưng giờ cũng bỏ nghề để đi buôn đất. Rất nhanh chóng, giờ anh đã trở thành một tay buôn bán bất động sản có tiếng, sở hữu cả chục tỷ đồng trong tay. Một người bạn khác của tôi là dân cơ khí dân dụng, cũng bỏ nghề để làm giàu từ đất rồi sắm được cả nhà lầu, xe hơi. Ngay cả, tôi một tay đầu bếp với bao nhiêu năm chăm chỉ làm thuê, tích lũy, thấy bạn bè đổi đời nhờ đất cũng còn muốn bỏ nghề để tham gia vào cuộc chơi".

'Nhịn ăn 10 năm mua nhà trong ngách Hà Nội'

Độc giả Nguyen Thang cho rằng, giải pháp căn cơ để hạ nhiệt giá nhà nội đô là giãn dân ra khỏi lõi đô thị:

"Giá nhà tăng cao chủ yếu do dân bị nén trong nội đô, nơi mà bất cứ thành phố lớn nào cũng đắt đỏ.

Giải pháp duy nhất là giãn dân, sao cho dân có thể sống tốt khi cách trung tâm ở bán kính 20-30 km, vẫn có thể đi làm trong thành phố trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi đó, giá nhà đất mới rẻ được.

Muốn vậy, chúng ta phải phát triển các trục giao thông lớn ra ngoại thành, kết hợp giảm thuế, phí với ôtô, phát triển tàu hỏa liên vùng và Metro, xe buýt trong nội thành. Như ở Paris, nhờ có hệ thống tàu hỏa liên vùng (RER) mà người đi dân sống xa trung tâm 50 km vẫn có thể đi làm ở nội thành trong vòng 45 phút".

Đồng quan điểm, bạn đọc Luong Btc ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ giãn dân khỏi trung tâm thành phố:

"Tôi ở Paris, thấy rằng ít người thích sống trong nội đô, mà toàn ra ngoại thành ở. Lý do là vì giá nhà ở ngoại ô rẻ hơn hẳn, trong khi mọi cơ sở hạ tầng đều đầy đủ: từ siêu thị, nhà hàng, khí hậu, quang cảnh, không gian, đường xá gọn gàng, thuận tiện... Trong khi ở trong nội đô chỉ toàn chung cư, về nhà là bốn bức tường kín mít, đường xá đông đúc xe cộ... nên chẳng ai thích ở".

Ủng hộ việc thay đổi quan điểm về việc sống xa trung tâm thay vì chen chúc trong nội độ, độc giả Hienposco kết lại:

"Bất động sản là một loại tài sản có giá trị lớn, thậm chí rất lớn. Nó đương nhiên không phù hợp với phần đa người được phân cấp theo từng vị trí địa lý. Ví dụ nhà phố ở trung tâm thành phố lớn đương nhiên không phù hợp cho những người thu nhập khá, chỉ người thu nhập cao và giới chủ mới đủ khả năng mua được. Hay chung cư cao cấp cũng vậy.

Còn dân văn phòng có thu nhập khá sẽ phải nhắm đến nhà phố vùng ven, xa trung tâm, nhà hẻm nhỏ và chung cư thương mại chất lượng trung bình thấp. Trong khi lực lượng công nhân với thu nhập thấp hơn chỉ có thể lựa chọn nhà hẻm vùng ven xa trung tâm hoặc nhà ở xã hội diện tích nhỏ. Đó là sự phân cấp dễ thấy trong mọi xã hội hiện đại.

Một người có thu nhập thấp thì không thể mơ mọng, đòi hỏi mua được nhà phố, nhà hẻm trung tâm. Đối tượng này chỉ nên mua nhà đất ở tỉnh.

Nói vậy để thấy, tùy thuộc vào hoàn cảnh và thu nhập của bản thân mà mỗi người nên lựa chọn mua nhà kiểu nào, ở đâu cho phù hợp. Kinh tế thị trường là vậy, không thể thỏa mãn mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Thay vì cố lao vào trung tâm thành phố rồi đuối sức trong cuộc đua mua nhà, hãy tìm đến những lựa chọn phù hợp hơn với khả năng của mình".

Phạm Lê  tổng hợp


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày