Dấu hiệu trẻ trầm cảm
Theo bác sĩ Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi, Bệnh viện TƯQĐ 108, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 trên toàn thế giới.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố, cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
BS Long cho biết trầm buồn là một phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trong cuộc sống. Trạng thái cảm xúc này trở thành bệnh lý gọi là rối loạn trầm cảm, khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động hàng ngày.
Rối loạn trầm cảm là một rối loạn phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ thường gặp từ 3- 8%. Rối loạn này gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai với tỷ lệ 3:1, đặc biệt nguy cơ cao gặp ở trẻ nữ dậy thì sớm.
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên đó là trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ. Trẻ mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây, suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng, hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn, giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội, mất ngủ, ăn uống bất thường. Đặc biệt, trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, bác sĩ Long cũng lưu ý đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người.
Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin.
Cha mẹ cần làm gì?
Thứ nhất, đừng lơ là các dấu hiệu của con, nên bày tỏ yêu thường, không dò xét, nói chuyện với trẻ, chia sẻ với trẻ nhiều hơn.
Thứ hai, động viên kết nối với xã hội.
Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Cha mẹ hãy khéo léo giúp bé tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…
Thứ ba, ưu tiên hàng đầu là củng cố sức khỏe thể chất trẻ vị thành niên thường có những thói quen không lành mạnh như: dậy trễ, ăn các món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại và máy tính.
Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.
Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.
Các bậc cha mẹ cần chú ý không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.
Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.
K.Chi
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC