Cả bảng màu sắc phong phú, tại sao xanh – đỏ – vàng lại được chọn làm đèn tín hiệu giao thông?

Cứ ra đường là nhìn thấy đèn giao thông nhưng không mấy ai biết rằng tại sao người ta lại dùng 3 màu xanh đỏ vàng mà không phải màu khác.

 Mặc dù một số chi tiết có thể đã bị “lãng quên” trong lịch sử, tuy nhiên cơ bản các thông tin về nguồn gốc và quá trình thay đổi vẫn khá rõ ràng. Thì ra những cột đèn giao thông chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày lại có hẳn cả một lịch sử ra đời đầy thú vị như vậy.

Nguồn gốc đèn giao thông đường bộ là từ tín hiệu đường sắt

Theo nguồn tài liệu lưu trữ, hệ thống bảng màu đèn tín hiệu giao thông hiện tại xuất phát từ một hệ thống đèn báo hiệu được sử dụng trong ngành công nghiệp đường sắt từ những năm 1830.

Quay trở lại quá khứ, với mục đích để đội lái tàu biết khi nào phải dừng lại, khi nào thì đi tiếp, các công ty đường sắt đã thiết kế một hệ thống chiếu sáng với nhiều màu khác nhau, mỗi màu sắc mô tả một điều lệnh khác nhau.

Sau đó, hệ thống đèn tín hiệu này được đưa vào sử dụng trong ngành giao thông đường bộ bắt đầu vào năm 1865, ở London (Anh) khi các vụ tai nạn do xe ngựa chạy nhanh trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các ngã tư.

Ý tưởng được bắt đầu từ anh John Peaker Knight, một kỹ sư đồng thời cũng là một quản lý đường sắt, chuyên về nghiên cứu và thiết kế những hệ thống báo hiệu dùng cho đường sắt. Anh này đã đề xuất với Sở cảnh sát thành phố một giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông bằng cách sử dụng ý tưởng đèn báo của ngành đường sắt cho hệ thống đường bộ của London.

Cả bảng màu sắc phong phú, tại sao xanh – đỏ – vàng lại được chọn làm đèn tín hiệu giao thông? - 0

Theo đó, vào ban ngày, các cảnh sát sẽ tham gia điều tiết giao thông bằng hiệu lệnh cánh tay nâng lên, hạ xuống, sang trái, sang phải để thông báo cho các xe khi nào phải dừng lại, khi nào được đi tiếp hay rẽ trái, rẽ phải. Vào ban đêm, do trời tối nên cảnh sát phải sử dụng hai ánh sáng đèn là xanh và đỏ để báo hiệu cho các phương tiện là được đi hay không được đi.

Đề xuất này đã được thông qua sau đó và được thí điểm tại nút giao Great George và Bridge Street. Hệ thống này đã hoạt động khá tốt và hiệu quả trong một thời gian. Tuy nhiên, tai nạn nổ đèn do rò rỉ dầu, nguồn nhiên liệu giúp phát sáng, gây ra thương vong đã khiến việc sử dụng các hệ thống đèn bị thu hẹp tại Anh.

Tại sao lại có 3 màu đỏ, xanh và vàng?

Ban đầu, khi chọn tín hiệu trên đường sắt, người ta đã chọn màu đỏ để là màu sắc thể hiện cho mệnh lệnh dừng lại bởi màu đỏ, trong hàng trăm năm, luôn được sử dụng nhằm báo hiệu cho sự nguy hiểm. Hai màu còn lại là màu trắng với mệnh lệnh được đi tiếp và màu xanh với mệnh lệnh cần cẩn trọng, nghĩa là đi chậm.

Tuy nhiên, việc lựa chọn màu trắng để diễn tả mệnh lệnh được đi đã thể hiện nhiều bất cập. Vào năm 1914, phần nắp với tác dụng tạo ánh sáng đỏ bị rơi xuống, vì vậy tín hiệu đèn đỏ đã chuyển thành tín hiệu đèn trắng. Hậu quả là một chiếc tàu vì nhầm lẫn đã đâm vào một chiếc tàu khác khiến nhiều người thương vong. Sau tai nạn lần đó, ngành đường sắt đã phải thay đổi hệ thống màu, lúc này, họ chuyển màu xanh thành tín hiệu được đi, màu vàng thay thế thể hiện tín hiệu cần thận trọng, còn màu đỏ vẫn được giữ nguyên.

Người ta cho rằng giữa màu sắc và tâm lý con người luôn tồn tại một sự liên kết chặt chẽ, mỗi màu sắc sẽ gợi nên cảm xúc khác nhau. Các nhà phát minh đã áp dụng điều đó để chọn màu sắc cho các tín hiệu đèn giao thông.

Màu đỏ (tượng trưng cho màu máu) gợi ấn tượng về những tình huống nguy hiểm chính vì vậy mà không chỉ riêng đèn tín hiệu giao thông sử dụng màu đỏ cho lệnh dừng mà còn rất nhiều biển báo cấm khác nữa cũng sử dụng màu đỏ như lời cảnh báo.

Còn màu xanh gợi sự thư thái, dễ chịu của thiên nhiên, đem lại cảm giác thoải mái và không gây ấn tượng mạnh như màu đỏ. Bên cạnh đó, nó còn dễ nhận biết khi trời tối để tránh cho lái xe bị nhầm lẫn.

Màu vàng được dùng để báo hiệu sắp chuyển sang đèn xanh, cũng tương tự như màu xanh, màu vàng là màu của ánh sáng mặt trời, đem lại hiệu ứng thư thái và quan trọng là nó cũng rất dễ nhận biết trong đêm tối.

Đèn giao thông có 3 màu phổ biến ở khắp nơi trên thế giới

Ý tưởng về sử dụng đèn báo để điều khiển giao thông cũng được “du nhập” vào Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng này lúc bấy giờ cũng chưa được cải tiến là mấy. Người ta vẫn cần đến cảnh sát giao thông để điều khiển tín hiệu đèn vì cho rằng người dân sẽ không tuân theo các quy tắc này nếu không có cảnh sát.

Chỉ đến năm 1920, cột đèn giao thông hoàn chỉnh mới được ra đời. Khi đó, ở Detroit Michigan (Mỹ), một viên cảnh sát tên William L. Potts đã phát minh ra cột đèn báo hiệu 4 chiều, được sử dụng ở các ngã tư đường nhằm điều tiết giao thông. 3 màu cơ bản là vàng, xanh lục và đỏ vẫn được giữ nguyên trong phát minh của William L. Potts.

Sau phát minh của William, có rất nhiều ý tưởng cải tiến được đưa ra. Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng này vẫn chưa được tự động hóa và phải nhờ đến sự điều khiển của con người. Điều này khiến việc bỏ ra các chi phí khá tốn kém.

Do đó, đến cuối năm 1920, người ta đã phát minh ra hệ thống đèn báo giao thông tự động, không cần đến sự can thiệp của con người, thay vào đó sẽ sử dụng đồng hồ đếm thời gian để chuyển đổi tín hiệu đèn. Đây là cơ chế hoạt động cơ bản và nền tảng cho toàn bộ hệ thống đèn báo giao thông sau này mặc dù có trải qua một số thay đổi vì phát sinh nhiều bất cập.

Theo  Báo điện tử Tri Thức Trẻ


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày