“Bần dưỡng” ở đây không phải là cố tình khiến cho “nhọc cái gân cốt, thân thể đói khổ”, mà là có hạn chế đối với con trẻ về mặt vật chất, để chúng biết trân quý và cố gắng. Cần phải bồi dưỡng năng lực tự lập và chịu khổ của con trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ, để cho con trẻ biết được rằng, bất cứ vật gì đều phải phó xuất lao động mới có được.
Bồi dưỡng cho trẻ tâm thái đúng đắn khi tiếp nhận những điều hiện thực trong xã hội. Để trẻ biết rằng, những vật chất của cải mà người khác có được, bản thân đừng nên mù quáng tranh đua, cần phải dùng hiểu biết và năng lực của bản thân để sáng tạo những tài phú này.
“Bần dưỡng” trước tiên cần phải dạy cho con trẻ làm tốt hai việc: Con trai bồi dưỡng chí khí, con gái bồi dưỡng khí chất
Con trai nhấn mạnh bồi dưỡng “chí khí”, bồi dưỡng phẩm chất khắc phục khó khăn, chịu cực chịu khổ, làm việc chuyên cần, cố gắng thiết thực, có tính bền bỉ, có sức chịu đựng. Ví như dẫn chúng tham gia các hoạt động leo núi, đá banh, bơi lội… để rèn luyện ý chí kiên cường.
Con trai nhấn mạnh bồi dưỡng “chí khí”, bồi dưỡng phẩm chất khắc phục khó khăn, chịu cực chịu khổ, làm việc chuyên cần. (Ảnh: lilyapp.me)
Con gái thì xem trọng bồi dưỡng “khí chất”, điều nhấn mạnh là tu dưỡng văn hóa, bồi dưỡng tính tình, nếu có điều kiện có thể cho trẻ học thêm cầm kỳ thi họa. Ở trong nhà, cho trẻ thêm một chút sự quan tâm, để trẻ cảm thấy phong phú về mặt tinh thần, có cảm giác an toàn và tự hào. Nhờ đó, trẻ cũng sẽ học được cách quan tâm giúp đỡ người khác, thể hiện sự nhu mì nết na của nữ giới.
Vậy các bậc cha mẹ Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng về giáo dục trẻ tự lập sớm, hay những doanh nhân thành đạt…, họ có cách dạy con như thế nào?
Nhật Bản giáo dục con trẻ chịu khổ từ nhỏ
Trong việc giáo dục con trẻ thì Nhật Bản có câu nói nổi tiếng: “Ngoài ánh mặt trời và không khí là thiên nhiên ban tặng ra, hết thảy những thứ khác đều phải thông qua lao động mới có được”.
Rất nhiều sinh viên Nhật Bản ngoài thời gian học tập, đều phải ra bên ngoài tham gia lao động để kiếm tiền. Hiện tượng các sinh viên vừa học vừa làm vô cùng phổ biến, đến ngay cả con em trong những gia đình giàu có cũng đều không ngoại lệ. Họ tham gia các công việc bưng bê, rửa chén bát trong các quán ăn, nhà hàng; làm nhân viên tạp vụ trong các cửa hàng; chăm sóc người già trong viện dưỡng lão; làm gia sư dạy kèm, v.v… để tự trang trải các khoản học phí cho mình.
Khi con trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ đã truyền dạy cho chúng một lối nghĩ: “Không nên thêm phiền phức cho người khác”. Ví dụ như khi cả nhà du lịch bên ngoài, bản thân trẻ nhỏ phải tự đeo ba lô của mình. Người khác hỏi tại sao, cha mẹ chúng nói: “Đồ đạc của chúng, nên phải để chúng tự mình đeo”.
Người Nhật dạy con cách tự lập không gây phiền phức cho người khác. (Ảnh: daycon.com.vn)
Tỷ phú Đài Loan dạy con gái tiết kiệm và tự biết giải quyết vấn đề
Tỷ phú Đài Loan, ông Vương Vĩnh Khánh đã dạy con gái bắt đầu từ việc tiết kiệm. Đối với tiền học, tiền sinh hoạt cho con, ông đều tính toán rất chuẩn xác, giống như quản lý xí nghiệp dưới tay mình vậy. Ông luôn cho “vừa đúng mức”, không để chúng có chút cơ hội hưởng thụ xa xỉ nào. Ngoài ra, ông thường chỉ viết thư để liên lạc với con gái, rất hiếm khi gọi điện thoại, bởi ông cho rằng gọi điện thoại đường dài quá là tốn kém.
Vương Tuyết Hồng – con gái của ông nói: “Bố tôi đặc biệt nhấn mạnh, phàm là việc gì đều phải “truy tìm căn nguyên”.
Cô cũng chia sẻ rằng, bố cô viết thư phần nhiều là viết về những tâm đắc trong công việc của mình, nói cho cô biết trong công ty đã xảy ra chuyện gì, truy tìm căn nguyên như thế nào, xử lý vấn đề ra sao, khiến cô học được không ít cách thức xử lý vấn đề từ trong đó.
Hiện giờ, rất nhiều gia đình đều là có con một, cộng thêm nữ giới ngày càng tham gia vào trong các hoạt động xã hội, cần phải gánh vác nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội giống như nam giới. Vậy nên, đối với việc “bần dưỡng” – Con trai bồi dưỡng chí khí, con gái bồi dưỡng khí chất, càng cần phải chú trọng.
Cha mẹ cần “làm biếng” đúng lúc, khen ngợi chừng mực
Thông thường đối với trẻ nhỏ thì hầu hết cha mẹ thường thương yêu quá mức, dẫn đến vô tình khiến chúng hình thành tính phụ thuộc từ sớm. Rồi không ít phụ huynh luôn oán trách sao con trẻ lớn lên năng lực tự gánh vác kém, nhưng họ không biết rằng do bản thân họ đã “chuyên cần” quá mức mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Ví dụ như con trẻ đã đến tuổi tự mình ăn cơm, nhưng cha mẹ không quen với đống hỗn độn bày trên bàn ăn, sau cùng không nhịn được phải tự mình ra tay bón cơm cho con; con cái chơi đồ chơi cả nửa ngày trời, nhìn thấy sàn nhà bừa bộn, liền không chịu nổi bèn tự mình thu dọn ngăn nắp.
Mỗi bậc phụ huynh cần giúp trẻ hình thành bản tính tốt đẹp ấy từ bé. (Ảnh: giadinh.net.vn)
“Bần dưỡng” con trẻ, trước hết thể hiện ở việc để cho con trẻ tự làm lấy việc của mình. Chỉ đơn giản như vậy, thế nhưng biết bao phụ huynh khó lòng kiên trì được.
Bởi vậy, phụ huynh trong quá trình nuôi dưỡng con cái nhất định phải “làm biếng” đúng lúc, nhất định phải học biết chịu đựng những chỗ không hoàn mỹ của con trẻ, chờ đợi con trẻ tự mình làm các việc tốt hơn.
Trong cuộc sống, cha mẹ cũng cần phải học biết giữ lại một khoảng trống cho trẻ, không nên thỏa mãn tuyệt đối yêu cầu của trẻ, lúc cần thiết phải nói rõ điều kiện với con trẻ. Nếu khen ngợi nuông chiều quá mức sẽ dễ tạo cho trẻ tính tự mãn, làm nhụt ý chí cố gắng của chúng.
Để con trưởng thành sớm, có năng lực tự gánh vác, tự giải quyết vấn đề và phù hợp với giới tính, phụ thuộc phần nhiều vào cách cha mẹ nuôi dưỡng từ nhỏ. Vậy nên, mỗi bậc phụ huynh cần giúp trẻ hình thành bản tính tốt đẹp ấy từ bé: con trai thì cần bồi dưỡng chí khí, con gái bồi dưỡng khí chất. Có như vậy trẻ sẽ được giáo dục tốt và tạo được nền tảng chuẩn mực vững chắc khi vào đời.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC