Nằm viện 72 ngày, bán hết 2 căn biệt thự ở trung tâm thành phố!
Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của cậu bạn cùng lớp, báo rằng lớp trưởng lớp cấp ba của chúng tôi vừa mới mất. Cậu ấy phải nhập viện từ 2 tháng trước vì bị xuất huyết não.
Cậu ấy được đưa vào phòng ICU (Phòng chăm sóc chuyên sâu). Trong đó, cậu ấy phải dùng máy thở, dung dịch dinh dưỡng, nhân viên chăm sóc… tốn hàng chục ngàn đô la.
Tiền tiêu trong chớp mắt. Vậy nên, để chữa trị cho bạn tôi, người nhà cậu ấy đã bán đi hai căn biệt thự cậu ấy đã mua ở trung tâm thành phố. Tiếp đến lại bán đi nhiều căn nhà ở quê để chi trả viện phí. Nhưng cầm cự được 72 ngày, cậu ấy vẫn ra đi, rời khỏi thế giới này mãi mãi.
(Ảnh minh họa: getty.com)
Bạn tôi nói rằng, mãi đến khi phải đối mặt với cái chết cận kề, cậu ấy mới nhận ra sức khỏe của mình đắt đỏ biết bao nhiêu: “Nếu ngôi nhà không còn, bạn có thể mua lại. Nhưng nếu như sức khỏe bạn không còn, dù có bao nhiêu tiền, bạn cũng không thể mua lại nó như ngôi nhà.”
Nhiều người luôn cho rằng nhà cửa, đất đai là tài sản giá trị nhất. Họ làm việc cật lực chỉ để kiếm tiền xây nhà to, mua dự trữ được càng nhiều đất càng tốt. Nhưng mấy ai nghĩ rằng, sức khoẻ mới là bất động sản lớn nhất của đời người. Nếu không có sức khoẻ, dù bạn có bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu mảnh đất… đều vô nghĩa!
“Nằm viện 72 ngày, bán cả 2 căn biệt thự ở trung tâm thành phố. Tôi mới nhận ra nếu tôi còn khỏe mạnh, dù chỉ với hai bàn tay trắng, bản thân tôi đã là tỷ phú rồi”.Đây là lời cuối cùng mà người bạn đã tâm sự với tôi. Cậu ấy đã vì sự nghiệp mà tiêu hao rất nhiều sức khỏe của mình. Tuy có thể giàu có, thay đổi cuộc sống, nhưng còn chưa kịp hưởng thụ gì thì cậu ấy đã phải ra đi rồi.
Nhưng những người trẻ lại thường không quan tâm sức khỏe của họ đáng giá bao nhiêu.
Ngày nay, tôi để ý rất nhiều bạn trẻ không hề quan tâm đến sức khoẻ của bản thân. Để thuận tiện cho công việc, họ có thể ăn thức ăn nhanh mua ngoài đường, vừa đi vừa ăn; hoặc ngồi cắm cúi vào máy tính, vừa gõ lạch cạch vừa nhai nhóp nhép.
Họ thức rất khuya, rồi đến sáng hôm sau, để có thể ngủ thêm một chút, họ nướng trên giường hàng giờ và bỏ buổi tập thể dục.
Họ tăng ca liên tục, nhận thêm dự án để kiếm tiền mua nhà, mua xe, lo cho gia đình, con cái, mua sắm thứ này thứ kia… Họ có hàng tá các lý do để… rất cần tiền.
Ngày nay, những người trẻ lại thường không quan tâm sức khỏe của họ đáng giá bao nhiêu.(Ảnh minh hoạ: Medium)
Cách đây một thời gian, một nhân viên 25 tuổi ở một công ty công nghệ nổi tiếng đã bị đột tử, và nguyên nhân chính là do anh ta làm việc quá sức.
Người ta nói rằng, chàng trai trẻ này rất xuất sắc. Bạn càng tạo áp lực cho anh ta, anh ta lại càng trở nên lợi hại hơn. Sau khi tốt nghiệp, anh ta xin vào làm ở một công ty nổi tiếng với mức lương trên 50 triệu một tháng. Anh ta đều làm việc rất chăm chỉ, mỗi ngày đều tăng ca và có khi làm từ tối đến sáng.
25 tuổi, với mức lương mới ra trường trên 50 triệu và hiện tại là hơn 100 triệu. Đáng lẽ chàng thanh niên trẻ này đã có thể tiến xa hơn và có một tương lai rất tươi sáng, nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
Khi bạn còn trẻ, bạn có thể làm gì cho cuộc đời?
Tất nhiên, bạn vẫn cần chăm chỉ, cố gắng học hỏi và nỗ lực làm việc, nhưng không phải làm kiểu… bán mạng. Hãy phát triển một thói quen tốt, lập chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn mỗi tuần. Những bữa tiệc tùng thâu đêm với bạn bè, những chén rượu, chai bia, những lần ngủ nướng trên giường,… bạn đều phải dùng sức khoẻ của mình để chi trả cho những “thú vui” nhất thời đó!
Tất nhiên, bạn vẫn cần chăm chỉ, cố gắng học hỏi và nỗ lực làm việc, nhưng không phải làm kiểu… bán mạng (Ảnh minh hoạ: healthplus)
Hãy giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, nhất là khi bạn chưa đủ giàu. Những cô gái, hãy bớt thói quen mua sắm những thứ như mỹ phẩm, son môi, quần áo, túi xách… Đừng vì một chiếc túi hàng hiệu, hay một bộ đầm bắt mắt mà phải thắt lưng buộc bụng, làm việc tăng ca để sở hữu nó. Còn những chàng trai, đừng tiêu tiền cho những bữa nhậu nhẹt, những trò tiêu khiển không lành mạnh… Đừng “bán rẻ” chính mình để thoả mãn dục vọng. Bạn nên nhớ rằng: “Vào thời điểm quan trọng phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ thấy bất kỳ mong muốn nào, bất kỳ niềm vui nào, cũng không quý trọng bằng sức khỏe của bạn.”
Bạn đã biết giết người là phạm tội. Vậy việc bạn tự hủy hoại bản thân mình mỗi ngày chẳng khác nào đang phạm tội?
(Nguồn tham khảo: cafef.vn)
Hiểu Minh
© 2024 | Thời báo ĐỨC