Tâm lý mua sắm, "vung tay quá trán" tiêu tiền cho ngày Tết đã ít nhiều thay đổi khi kinh tế của nhiều người ảnh hưởng do đại dịch.
Chị Bội Uyên (Buôn Ma Thuột) cũng từng là một người không mấy khi tính toán quá kỹ lưỡng các khoản chi tiêu trong dịp Tết cổ truyền vì cho rằng cả năm mới có một dịp.
Năm nay quan điểm tiêu Tết của Bội Uyên đã có nhiều thay đổi: "Mình nghĩ là phải chi tiêu làm sao để bản thân vui ngay cả khi hết Tết. Nếu như không biết đong đếm chi tiêu Tết xong xem số dư tài khoản là muốn khóc ròng. Không thể hiểu mình đã tiêu những gì.
Trung bình với gia đình mình chi tiêu ngày Tết dao động khoảng 50-60 triệu gồm các khoản: Biếu bố mẹ hai bên, sắm sửa áo quần cho cả nhà, tiền lì xì, tiền quà biếu... Đó mới chỉ là con số dự trù, thực tế còn cao hơn nhiều.
Chị Bội Uyên cùng con tìm về không khí Tết xưa với những hoạt động đáng nhớ (Ảnh: NVCC).
Tết này nhà mình về quê ăn Tết cùng bố mẹ nên không sắm sửa gì quá nhiều. Mình nghĩ chỉ cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua thêm một chút hoa trang trí cho có không khí xuân. Bánh mứt cũng chỉ mua để đủ cúng ông bà chứ không sắm sửa nhiều".
Bội Uyên cho rằng, để có thể kiểm soát được chi tiêu trong dịp Tết chị em cần phải lên kế hoạch chi tiết các khoản từ trang trí nhà cửa, mua bánh kẹo, thực phẩm, biếu Tết:
"Để thay đổi phải bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, như sắm sửa thực phẩm chỉ vừa đủ ăn trong hai ngày Tết, vì thông thường Mùng 2 sẽ họp chợ lại rồi.
Khoản chi tiêu biếu người thân thì mình ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đồ khô tiện lợi chế biến dễ, đỡ mất thời gian chuẩn bị khi tiếp khách.
Còn về khoản mừng tuổi hãy tạo ra không khí vui vẻ, thay vì ước chừng một em bé bao nhiêu tiền thì mình sẽ bỏ bao lì xì với các đồng tiền trị giá ngẫu nhiên rồi treo lên cây cho các em bé hái lộc".
Chị Uyên không chú trọng vào lì xì mỗi bé bao nhiêu mà tổ chức cho các con bốc thăm lì xì ngẫu nhiên vừa vui vẻ lại giữ được nét đẹp tục lì xì (Ảnh: Bội Uyên)
Bên cạnh đó, gia đình Bội Uyên cũng tính sẽ hạn chế tụ tập ăn uống hàng quán mùa Tết. Một phần vì sợ dịch bệnh, một phần vì chi phí cao, lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chuẩn bị những đồ ăn đơn giản tại nhà trong ngày Tết vừa tiết kiệm thời gian và cũng giảm chi phí khá nhiều.
Thay vì đi du lịch xa như mọi năm, Uyên chọn địa chỉ du lịch gần chỗ sống, chủ yếu cả gia đình được vui vẻ mà không phải lo dịch bệnh.
Cũng giống như gia đình Bội Uyên, vợ chồng anh Trần Thanh Hải (Bắc Giang) cũng đã từng tiêu tiền không tiếc trong dịp Tết.
Từ sắm cành đào, cây bưởi chơi Tết cả vài chục triệu. Chi tiêu vào các khoản như quần áo, giày dép trước Tết cho cả nhà không tiếc tay. Thế nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh khó khăn đã khiến anh Hải suy nghĩ rất nhiều về việc chi tiêu ngày Tết.
"Năm 2021 việc làm ăn vẫn suôn sẻ, gia đình mình không tiếc tiền đầu tư ăn Tết, biếu xén bố mẹ, đối tác đồng nghiệp... Với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.
Thế nhưng sau Tết việc làm ăn khó khăn, dịch bệnh triền miên khiến việc kinh doanh khó khăn khiến mình nghĩ, nếu Tết bớt "vung tay quá trán" có khi đã có thêm chi phí dự phòng, sẽ đỡ lo hơn khi gặp biến cố.
Mình nghĩ rằng, để không nhẵn ví sau Tết cần có khoản tiết kiệm chiếm 40% số tiền chuẩn bị cho ngày Tết. Nếu bạn có 100 triệu hãy bỏ ra ít nhất 40 triệu để dự phòng vấn đề có thể xảy ra sau Tết như khó khăn trong công việc hay thu nhập tháng đầu sau Tết giảm sút cho nghỉ Tết dài ngày.
Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh nhưng trong thời buổi sống chung với dịch bệnh việc tiết kiệm chi tiêu hợp lý ngày Tết là điều nên làm", anh Hải cho hay.
Có thể thấy thói quen chi tiêu ngày Tết của nhiều gia đình đã được thay đổi (Ảnh: NVCC).
Không cầu kỳ quá nhiều trong dịp Tết vì lo sợ lãng phí, gia đình chị Nguyễn Hằng (Hà Nội) chỉ lên danh sách chi tiêu những khoản cần thiết trong ngày Tết:
"Tại sao phải chi quá nhiều tiền để làm Tết rình rang và lãng phí. Tiết kiệm không có nghĩa là chi ly. Chi tiêu một cách hợp lý trong ngày Tết có thể giúp bạn sử dụng tiền một cách hợp lý cho sinh hoạt gia đình về lâu về dài.
Như nhà mình, mọi người cũng không cầu kỳ, ngày Tết thực ra cũng như ngày nghỉ dưỡng cả nhà được bên nhau. Từ lâu nhà mình bỏ lệ cúng 3 bữa một ngày, đổi sang một mâm cúng buổi sáng là xong, còn đâu ăn uống đơn giản.
Nhờ sự thay đổi này mà mọi người trong gia đình vừa đỡ đầy bụng ngày Tết, lại vừa đỡ khoản thừa thãi thực phẩm ăn không hết, để dồn lại hôm sau rất khó ăn".
2 năm làm thủ quỹ trong gia đình, chị Hằng luôn lên kế hoạch chi tiêu hợp lý giúp cả nhà không "hết vui sau Tết" (Ảnh: NVCC).
Đây là cái Tết thứ 2 Nguyễn Hằng phải tự sắm sửa chi tiêu ngày Tết cho gia đình nhỏ. Nhờ những cách tính toán hợp lý và mạnh dạn cắt giảm chi phí không cần thiết nên vợ chồng Hằng không phải lâm vào cảnh "cháy túi" sau Tết.
"Có con nhỏ nên chủ yếu mình sắm sẵn bỉm sữa, đồ ăn dặm cho con vì Tết không ai bán nên mua tích trữ. Bánh kẹo, giỏ quà mình mua đồ về tự gói nên cũng tiết kiệm thêm được chút.
Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vậy nên học cách chi tiêu hợp lý trong ngày Tết là một điều tất cả mọi người nên làm.
Chị em nên học cách quản lý tài chính trong dịp này để không vướng vào cảnh "hết Tết là hết vui" vì nhẵn ví", Nguyễn Hằng chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC