Công ty gia đình được hiểu là doanh nghiệp mà những người cùng một gia đình nắm giữ hầu hết vốn điều lệ hoặc các chức vụ quản lý, điều hành. Nhân viên trong các công ty này thường gặp không ít khó khăn trong việc dung hòa mối quan hệ "người ngoài - người nhà" và các "mâu thuẫn nội bộ trong gia đình".
Mô hình công ty gia đình ngày càng nở rộ tại các thành phố lớn (Ảnh: Pexels).
Cho nhân viên nghỉ việc vì... nhìn không ưa
Sau khi rơi vào diện cắt giảm nhân sự tại công ty cũ, Thu Phương (24 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội) quyết định vào làm tại một công ty thẩm mỹ với quy mô chỉ khoảng 10 người.
Trưởng bộ phận của Phương là con trai của CEO (Giám đốc điều hành công ty). Ngoài ra, hầu hết các chức danh cốt cán khác tại đây cũng đều là người nhà của ông chủ này.
Trong thời gian làm việc, Phương thường xuyên bị giao các công việc như thiết kế hình ảnh nằm ngoài yêu cầu đã trao đổi ban đầu là chỉ viết bài content (nội dung). Tuy nhiên, vì đồng nghiệp xung quanh đều chấp nhận việc này, chị cũng đành xuôi theo.
"Trong cuộc họp hàng tuần, tôi đưa ra ý tưởng nhưng luôn bị gạt bỏ hoặc không được chú ý. Khi tôi có ý kiến đóng góp về những bấp cập trong tổ chức công việc thì nếu một sếp không vừa lòng là đồng loạt các bộ phận hùa vào chê… Điều đó khiến tôi luôn lạc lõng, cảm thấy bản thân không thực sự cần thiết ở đây", Phương nói.
Việc bị soi mói bởi các tai mắt khắp nơi khiến nhiều nhân sự trẻ kiệt sức (Ảnh: Pexels).
Tương tự, khi vừa mới tốt nghiệp đại học, anh Hoàng Long (27 tuổi, nhân viên truyền thông tại TPHCM) cũng đã có trải nghiệm kinh hoàng khi làm việc tại một công ty gia đình.
Tại đây, mọi khen thưởng đều không rõ ràng, thậm chí sếp luôn có sự đối xử phân biệt đối với nhân viên được yêu và ghét. Nhiều lần Long chứng kiến lãnh đạo chửi, cho đồng nghiệp của mình nghỉ việc ngay giữa cuộc họp chung chỉ vì lý do "không thích".
"Họ chỉ đi trễ cuộc họp 5 phút và cả 3 người trong cùng một nhóm bị sếp thông báo cho nghỉ việc ngay giữa cuộc họp. Điều này sẽ không xảy ra khi bạn làm việc ở một doanh nghiệp tổ chức, có hợp đồng lao động rõ ràng. Từ lúc ấy, tôi luôn cẩn trọng, cố gắng lấy lòng sếp nhưng cũng chỉ được hơn 1 năm là không thể trụ nổi", Long nói thêm.
Quy định không rõ ràng, thưởng phạt không phân minh là vấn đề dễ thấy trong những công ty "gia đình trị" (Ảnh: Pexels).
Bị báo cáo vì đi vệ sinh... 10 phút
Thanh Ngân (25 tuổi, tư vấn viên tại TPHCM) cho biết đang làm cho công ty có cả vợ và chồng cùng là sếp. Ở đây, nhân viên bị giám sát khá khắt khe vì khắp nơi đều có "tai mắt" của lãnh đạo. Thậm chí nếu cô ra ngoài nhận hàng, đặt đồ ăn, thư giãn chỉ 5-7 phút… đều lập tức bị báo cáo, nhắc nhở.
"Có hôm tôi còn bị cấp trên hỏi tại sao lại đi vệ sinh lâu trong khi mới rời bàn chừng 10 phút. Nói chung là tại một công ty vừa có người nhà vừa có người ngoài, nhân viên sẽ bị phân biệt, tính toán chi li", Thanh Ngân nói thêm.
Ngoài ra, việc lãnh đạo doanh nghiệp là vợ chồng khiến Ngân thường xuyên rơi vào tình huống "tiến thoái lưỡng nan" khi bị cả 2 cùng lúc gọi giao việc.
"Đang xử lý việc cho chị vợ thì lại bị anh chồng giục, mà cả hai đều bắt hoàn thành công việc trong ngày. Tôi cảm thấy thật ngộp thở vì làm bở hơi tai liền 8 tiếng, tối còn phải ôm việc về nhà. Chỉ mới được 2 tháng nhưng chắc tôi không trụ lâu với công ty gia đình này", Thanh Ngân nói.
Nhiều nhân viên ở các công ty gia đình bức xúc khi liên tục bị nhắc nhở vì những chuyện vô cớ (Ảnh: Hustle culture).
Ngoài ra, văn hóa nội bộ tại công ty gia đình cũng khiến Ngân đau đầu. Cô hoang mang vì mỗi lần nhân viên phạm lỗi, công ty lại bổ sung thêm một quy định mới.
Mới đây, vì xử lý gấp việc sếp giao quá giờ nghỉ trưa, ăn uống xong thì vào ca chiều trễ 5 phút, cô đã bị khiển trách và nhận quy định mới, chậm 1 phút là phạt tiền.
"Mỗi ngày đi làm tôi đều phải nín thở vì những cặp mắt giám sát và soi mói ở khắp nơi", Ngân than.
Chốt lại, Thu Phương nhận định, công ty gia đình cho nhân sự trẻ cơ hội thể hiện, khẳng định bản thân vì quy mô nhỏ, không theo khuôn khổ cứng. Tuy nhiên, đó cũng là biểu hiện của sự không chuyên nghiệp, khiến mọi thứ đều mập mờ.
Theo trang HR Insider Việt Nam, để trụ vững trong môi trường "công ty gia đình trị" như trên, các nhân sự cần lưu tâm:
Thứ nhất, luôn làm đúng theo những gì lãnh đạo giao, chiếm được lòng tin sẽ khiến bạn dễ dàng thăng tiến trong công việc.
Thứ hai, đừng so kè đãi ngộ giữa bạn và "người nhà" sếp bởi bản chất của doanh nghiệp gia đình là sẽ ưu tiên người nhà.
Thứ ba, tạo cơ hội kết thân với con cháu sếp. Có được mối quan hệ tốt với người nhà sẽ là một bước đệm giúp bạn "dễ thở" hơn trong công việc.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC