"Hiện tại khẩu trang không còn bắt buộc, nhưng khi vào các không gian công cộng trong nhà, tất cả vẫn có biển nhắc nhở thân thiện. Hôm qua mình đi bảo tàng, nhân viên đứng nhắc theo kiểu quan tâm sức khỏe, cứ không phải buộc tuân thủ luật như trước đây", Hồng Phương, sống tại Tây London, đến Anh học tập và làm việc khi dịch Covid-19 mới bùng phát, chia sẻ với VnExpress.
Nhận thức về sử dụng khẩu trang là một trong những thay đổi rõ nhất tại Anh trước và sau ngày 19/7, còn được gọi là "Ngày Tự do". Kể từ "Ngày Tự do", chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã dỡ bỏ gần như mọi biện pháp giãn cách xã hội và quy định phòng chống dịch Covid-19.
Số ca nhiễm mới tại Anh vẫn cao với thống kê ngày 31/7 là hơn 26.000 người, nhưng vẫn duy trì xu hướng giảm và thấp hơn so với một tuần trước hơn 3.000 ca.
"Việc số ca nhiễm và số ca nhập viện thấp hơn khá nhiều so với các dự đoán thời gian qua cũng là một bất ngờ đối với mình", Hồng Phương chia sẻ.
Sân vận động Emirates ở phía bắc London được tận dụng làm trung tâm tiêm chủng Covid-19 vào tháng 6. Ảnh: Islington Council.
Theo chị quan sát, các trường hợp từ bỏ khẩu trang phổ biến nhất sau mở cửa là những người tuổi đôi mươi và trẻ em. Người dân cũng có tâm lý thoải mái hơn trong duy trì giãn cách, thể hiện qua các trận bóng đá thời gian qua. Trong đợt nghỉ lễ tuần này, rất nhiều gia đình tự tin lên kế hoạch du lịch tại Scotland hoặc các nước trong danh sách cho phép đi lại của chính phủ Anh.
Oanh Nguyễn, 28 tuổi, đang làm việc trong mảng công nghệ thông tin ở Anh, hỗ trợ tổ chức một sự kiện ngoài trời khoảng một tuần sau "Ngày tự do". Sự kiện có gần 20.000 người tham dự ở không gian thoáng nên số người chủ động mang khẩu trang phòng ngừa rất ít.
"Vì cá nhân mình cẩn thận nên vẫn chọn mang khẩu trang cho an toàn. Đến khi nào tiêm hai mũi vaccine thì mình mới tự tin được", chị nói đã tiêm mũi thứ nhất vào tháng 6, nhưng phải chờ đến đầu tháng này để tiêm đủ liệu trình.
Anh từ trước ngày 19/7 đã nới lỏng quy định cho người dân không cần mang khẩu trang khi tham gia hoạt động ngoài trời, sau đó dỡ bỏ toàn bộ quy định từ "Ngày tự do". Tuy nhiên, một số siêu thị tại Northampton, nơi Oanh đang sinh sống và làm việc, vẫn khuyến khích khách hàng mang khẩu trang khi đến mua sắm.
"Với mình, mang khẩu trang đã trở thành thói quen rồi. Nhưng bạn bè mình lại khá phấn khởi khi quy định được dỡ bỏ. Đang giữa mùa hè nên quyết định mở cửa rất được hưởng ứng. Vài tháng nữa bắt đầu lạnh, mọi người sẽ không đi đâu được nữa", Oanh chia sẻ.
Cơ sở để Anh tự tin mở cửa trở lại là tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc. Trong ngày cuối tháng 7, thêm 38.858 người tại Anh nhận mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, nâng tổng số người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine lên 88% dân số trưởng thành. Độ bao phủ hai liều vaccine hiện chiếm hơn 72% dân số trưởng thành trên cả nước, theo Sky News.
Một quán bar tổ chức ăn mừng "Ngày Tự do" tại Leeds, Anh vào nửa đêm 19/7. Ảnh: PA.
Tuy nhiên, bức tranh chung sống với Covid-19 tại Anh được đánh giá vẫn phức tạp. Số ca nhiễm nCoV tại Anh tăng đột ngột ngay trước thềm mở cửa, trước khi bắt đầu xu hướng giảm. Bất chấp thành tích đáng khích lệ về độ phủ vaccine, giới chuyên gia lo ngại làn sóng Covid-19 có thể tái bùng phát nếu người dân lơ là phòng tránh trước những biến chủng nCoV mới.
"Trong các giai đoạn trước của đại dịch, dự đoán diễn biến vẫn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện việc thấu hiểu những diễn biến mới đây và những điều sắp xảy đến là vô cùng khó. Một bầu không khí mơ hồ rất lớn về dịch bệnh đang phủ bóng", nhà dịch tễ học John Edmunds thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, thành viên nhóm tư vấn khoa học cho chính phủ Anh (SAGE), cảnh báo trên Guardian.
Ông cho rằng mức độ lây lan thật sự của biến chủng Delta trong cộng đồng chỉ có thể được ước tính chính xác hơn sau tháng 9 và tháng 10, khi xã hội Anh thật sự mở cửa toàn diện và châu Âu bước vào mùa đông. Đây cũng là giai đoạn học sinh đã nhập học, trời lạnh hơn và người dân ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời.
Hồng Phương chia sẻ chị sẽ không quá bất ngờ nếu trong thời gian tới giới chức Anh siết chặt trở lại các biện pháp hạn chế. Từ khi dịch bùng phát, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson không ít lần thay đổi chiến lược chống dịch, từ thả lỏng chống dịch đến phong tỏa mạnh tay và gia hạn phong tỏa vào giờ chót.
"Mình cũng mệt mỏi vì phong tỏa đã lâu, nhưng nếu các nhà khoa học và chính phủ bảo vẫn phải đóng cửa thì phải chấp nhận", Phương nói bản thân chị vẫn cẩn trọng vì chỉ mới tiêm một mũi vaccine Pfizer và đang chờ ngày hẹn tiêm còn lại.
Hành khách xuống sân bay Heathrow, London vào ngày 2/8 vẫn mang khẩu trang dù Anh đang dần nới lỏng các quy định nhập cảnh. Ảnh: AP.
Oanh cũng chủ động giãn cách và phòng ngừa lây nhiễm nCoV, một phần vì gia đình ở Việt Nam cũng rất lo lắng và thường xuyên nhắc nhở không được chủ quan. Dù vậy, chị rất vui khi cuộc sống tại Anh đang dần trở lại bình thường, giúp cho công việc và sinh hoạt hàng ngày thuận tiện hơn.
Theo quan sát của Oanh, các biện pháp truy vết tiếp xúc vẫn được một số điểm cung cấp dịch vụ, quán ăn và công sở duy trì dù không bắt buộc. Khác với nhiều nước châu Âu, Anh đã đạt được độ phủ vaccine trong dân số cao nên cũng không có quy định hạn chế riêng với người chưa tiêm chủng, hay đặc cách phúc lợi cho người đã tiêm vaccine.
Một số chuyên gia nhận định Anh đang tiến gần đến mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đủ để giữ xã hội an toàn trước Covid-19 so với các đợt bùng phát trước đây. Giáo sư Martin Hibberd, chuyên gia của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, lạc quan miễn dịch cộng đồng đang là một triển vọng thực tế đối với Anh.
Trong một khảo sát công bố ngày 21/7 bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, khoảng 90% người trưởng thành nước này đã có kháng thể Covid-19, gồm cả trường hợp bình phục sau khi nhiễm nCoV lẫn do tiêm chủng. Theo giáo sư Mark Woolhouse thuộc Đại học Edinburgh, những số liệu Covid-19 được công bố vài tuần qua đang rất giống mô hình lây nhiễm trong môi trường miễn dịch cộng đồng hiệu quả.
"Đây là tỷ lệ rất lớn và có thể đang tạo ra tác động", Woolhouse đánh giá.
Trung Nhân
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC