Hiện trường các hiệp sĩ ở Sài Gòn bị nhóm trộm đâm trọng thương. Ảnh: Sơn Hoà.
"Tôi cảm thấy rất tội nghiệp và tiếc cho hai người bị trộm đâm thiệt mạng, họ là những người có nghĩa khí, muốn làm việc tốt nhưng lại không đúng thời điểm", ông William Lê, một người Việt sống tại bang California, Mỹ, nói với VnExpress.
Ông William nói đến việc 5 hiệp sĩ ở Sài Gòn bị một nhóm trộm tấn công bằng dao hôm 13/5 vì ngăn cản chúng trộm xe ở Quận 3. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, Bình Định) đã tử vong. Lực lượng an ninh sau đó đã bắt giữ Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Hoàng Châu Phú.
Án mạng xảy ra cho thấy hệ thống thực thi pháp luật của Sài Gòn chưa hiệu quả, dù có rất nhiều lực lượng, từ dân quân ở tổ, phường, đến công an có vũ trang, theo ông William. Ông cho biết tại Mỹ, tất cả các hình thức trấn áp tội phạm đều do cảnh sát thực hiện.
"Tôi cho rằng công an Việt Nam cần được trang bị thêm và tăng quyền để họ có thể xông xáo hơn, thậm chí là còng tay, bắn tội phạm ngay tại chỗ", ông William nói.
William cho rằng mô hình hiệp sĩ bắt cướp ở Sài Gòn là "điều kỳ lạ". Nếu Việt Nam cho phép người dân lập các nhóm này trên phố, có thể tạo nên kẽ hở về an ninh cho kẻ xấu hoành hành với lý do "đi bắt trộm cướp". Vì thế công an nên khuyến cáo người dân không tham gia.
"Việt Nam đang hội nhập với quốc tế, không thể đi ngược lại xu hướng chung là lực lượng chức năng phải đảm bảo trật tự xã hội. Người dân cần có cuộc sống yên ấm thì mới thu hút được nhà đầu tư nước ngoài", ông khẳng định.
Theo Cao Khoa, ở California, Mỹ, Việt Nam có một hệ thống hùng hậu của dân phòng, thanh niên xung phong, công an, và việc người dân tham gia truy bắt trộm cướp là quá nguy hiểm, chưa kể họ phải bỏ công sức, thời gian bên gia đình để giúp xã hội. Trong trường hợp Sài Gòn cần duy trì các hiệp sĩ đường phố, Khoa gợi ý chính quyền cần trang bị các phương tiện bảo đảm an toàn và liên lạc cho những người tham gia. Họ cũng nên được đào tạo các kỹ năng an ninh và y tế cơ bản và cách phối hợp với cảnh sát.
"Tôi cho rằng các hiệp sĩ chỉ dừng ở mức theo dõi và thông báo về một trung tâm nào đó của công an để họ điều người đến", Khoa nói.
Sống ở Paris, Pháp, một trong những điểm bị cho là có tỷ lệ tội phạm cao trên thế giới, Hồng Linh, một người Việt, cho biết chính phủ Pháp quy định rõ trấn áp tệ nạn là nhiệm vụ của cảnh sát và an ninh. Vì thế khái niệm hiệp sĩ như ở Sài Gòn là điều lạ lẫm với nhiều người.
"Tôi thực sự thấy kinh hãi và thất vọng khi biết tin hai người dân ở Sài Gòn thiệt mạng trong lúc vật lộn với nhóm trộm. Mạng người không được coi trọng, tội phạm quá manh động ", Linh bức xúc.
Mặc dù Pháp đối diện với nguy cơ bị tấn công khủng bố nhưng nhiều bạn bè của Linh từ nước khác đến vẫn cảm thấy yên tâm nếu gặp bất trắc. Ngược lại, cô cho hay mỗi lần về Việt Nam mình đều lo bị cướp hoặc tai nạn, vì điều đó rất dễ xảy ra.
Tại Manila, Philippines, Phan Nhất Nguyễn, một du học sinh Việt Nam, cho hay ở đây phổ biến nhất là tình trạng cướp có vũ trang, khi đó các nạn nhân không có lựa chọn, chấp nhận mất tài sản và đi báo nhà chức trách sau. Nạn trộm cắp không phổ biến ở Manila vì lực lượng an ninh nước này được quyền bắn tại chỗ. Vì thế anh gợi ý công an, cảnh sát Việt Nam cần có súng để trấn áp tội phạm.
Với mô hình hiệp sĩ đường phố, Nguyễn đánh giá có thể giúp nhận biết trộm cướp hoạt động ở đâu, phần nào giúp giảm tệ nạn. Tuy nhiên, những người này cần được trang bị thiết bị đảm bảo an toàn và cũng không gây sát thương như súng điện.
Nguồn: VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC