Theo truyền thông Úc, người phụ nữ 50 tuổi này tên My Ut Trinh, còn gọi là Judy.
Bà bị buộc tội làm nhiễm độc thực phẩm và đối mặt bản án tối đa 10 năm tù trong vụ kim khâu trong dâu tây gây ra cuộc khủng hoảng khắp nước.
Giới chức Australia nghi ngờ động cơ nhét kim vào dâu tây của nghi phạm My Ut Trinh là để trả thù chủ trang trại.
Nghi phạm My Ut Trinh bị cảnh sát bắt hôm 11/11. Ảnh: News
SBS hôm nay đưa tin bà My Ut Trinh, còn gọi là Judy, làm việc tại một trang trại ở bang Queensland, Australia, bị cáo buộc 7 tội danh liên quan tới hủy hoại hàng hóa và đối mặt với tối đa 10 năm tù.
Người phụ nữ gốc Việt 50 tuổi bị bắt hôm 11/11 trong một vụ điều tra mà cảnh sát cho là phức tạp nhất mà họ từng thực hiện. Luật sư của bà Trinh đã đệ đơn xin bảo lãnh cho thân chủ nhưng sau đó rút lại vì được thẩm phán Christine Roney khuyến cáo rằng vẫn còn "quá sớm" và động cơ đằng sau hành vi của nghi phạm vẫn chưa rõ, có thể là do mâu thuẫn hoặc để trả thù.
Bà Trinh, 50 tuổi, đến Australia tị nạn cách đây hơn 20 năm và làm việc ở vị trí giám sát những người hái quả tại trang trại Berry Licious, nơi được truy ra là nguồn gốc của vụ phá hoại dâu tây quy mô lớn. Bà được cho là từng nói với những người khác rằng "muốn hủy hoại" việc làm ăn của chủ trang trại do bị đối xử tệ bạc.
Theo thám tử Jon Wacker, cảnh sát Australia bắt đầu mở cuộc điều tra từ tháng 9 sau khi một người dân địa phương ăn phải một quả dâu có kim. Hai người khác ở bang Victoria cũng trình báo sự việc tương tự. Cảnh sát sau đó tìm thấy ADN của bà Trinh trong một hộp dâu.
Kim khâu được phát hiện trong một quả dâu. Ảnh: Facebook
Vụ khủng hoảng dâu tây lan rộng tới 6 bang của Australia, với hơn 230 vụ được ghi nhận, liên quan tới 68 thương hiệu. Riêng bang Queensland tiếp nhận báo cáo về 77 vụ phát hiện kim trong dâu tây, với 49 thương hiệu bị ảnh hưởng, nhưng 15 vụ trong số này được tin là hoang báo. Khoảng một triệu hộp dâu đã bị tiêu hủy và nhiều nhà sản xuất phải ngừng hoạt động để tránh thiệt hại.
"Đây có lẽ là một trong những cuộc điều tra phức tạp những mà tôi từng tham gia. Nó khá kỳ lạ", ông Wacker nói.
Một lượng lớn dâu tây bị tiêu hủy trong cuộc khủng hoảng kim khâu. Ảnh: News
Chính phủ Australia cho biết đã chi một triệu AUD để đối phó với cuộc khủng hoảng và một nửa số tiền này được đầu tư vào việc quảng cáo nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống phân phối hàng hóa. Ngân sách cũng sẽ được cấp cho Hiệp hội Người trồng Dâu tây Queensland để phân phát đến những nông dân bị thiệt hại.
Chính phủ Australia còn chi thêm một triệu AUD cho ngành công nghiệp dâu tây và thông qua luật thắt chặt hình phạt với những người gây ra cuộc khủng hoảng này lên tới 15 năm tù.
Sáng nay, bà Trinh ra hầu tòa Thẩm phán Brisbane và phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 22/11 tới.
Anh Ngọc
Nguồn: SBS
© 2024 | Thời báo ĐỨC