Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’

18 tuổi, bố mẹ gả tôi đi lấy chồng. Kiệu hoa đi đến gần bờ sông, tôi hét to lên đòi ra, rồi chạy ào xuống bờ sông, khóc nức nở: “Không, con không muốn lấy chồng đâu, con muốn làm… Tiến sỹ cơ…!”

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 0

Đó là một giấc mơ thú vị ngày thơ bé của tôi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ tôi đã có mong muốn trở thành nữ Tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam, trở thành niềm tự hào của ông bà, bố mẹ…

Nhà tôi chỉ có hai chị em gái, hồi nhỏ tôi rất khó chịu mỗi khi bố mẹ tôi bị người ngoài đả kích vì điều đó. Có người trêu chọc chúng tôi là “hai con vịt giời”, sau này lớn sẽ “vỗ cánh bay đi” để mặc cha mẹ không có người nhờ cậy. Có người thì còn “chấm điểm” cho mẹ tôi dựa trên việc không sinh được con trai. Khi nghe được những lời này, tôi rất ghét họ. Chúng tôi đâu có chọn được giới tính của mình phải không?

Tôi nhất quyết nói bố mẹ không cần sinh em thứ ba nữa, và gồng mình lên để chứng tỏ mình giỏi giang không thua kém con trai.

Thế rồi, nỗ lực hết sức để trở thành người đứng đầu của tôi cũng như ý. Tôi đỗ Thủ khoa chuyên Văn trường PTTH chuyên Lam Sơn Thanh Hoá, nhận bằng khen Thủ khoa tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội do Thành Đoàn trao tặng năm 2011 (năm đó có một số sinh viên cùng đạt danh hiệu này), và giành học bổng du học ở Paris School of Economics – trường Kinh tế số 1 nước Pháp (theo RePEc ranking). Những khi đạt được thành tích như vậy, tôi cảm thấy vui vẻ, thoả mãn vì đã khẳng định được bản thân mình.

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 1

Thùy Linh nhận bằng khen ở Văn Miếu, Thủ khoa tốt nghiệp (Đại học Ngoại Thương Hà Nội) do Thành Đoàn trao tặng năm 2011. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, trong cuộc đời những sự tình không như ý thường xảy đến nhiều hơn. Nhiều lần tôi không đạt thứ hạng mong muốn, hơn kém nhau một chút điểm không là gì cả, nhưng vì mang nặng tâm lý hơn thua nên tôi cảm thấy thất vọng và chán nản. Một lần, thầy giáo đánh giá thấp về tôi trước lớp, tôi đạp xe về nhà như người mất hồn, tới mức đánh rơi cả xe đạp trước sân. Cứ chạy theo thành công, thành tích để chứng tỏ bản thân mình như vậy, tôi dần trở thành một người thích tranh đấu, kiêu ngạo và ích kỷ tự lúc nào không biết.

Tâm tôi thiếu vắng cảm giác thanh thản, bình yên. Tự sâu thẳm trong tim, tôi vẫn luôn tìm kiếm một con đường mang lại cho tôi hạnh phúc thực sự, thứ hạnh phúc tự tại an nhiên không phụ thuộc vào những được – mất, thăng trầm của cuộc đời.

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

11 rưỡi đêm, một đêm tháng 8 năm 2011. Chiếc máy bay Việt Nam Airlines như con chim sắt khổng lồ lao vào màn đêm hun hút. Những dải đèn sáng trên mặt đất bé dần, xa dần… Đó là một bước ngoặt trọng đại đối với cả gia đình tôi: Tôi chia tay Việt Nam, bắt đầu hành trình du học tại Cộng hoà Pháp. Khi ấy tôi không ngờ rằng, chuyến đi này đã mang lại cho tôi một món quà vô giá.

Ấn tượng đầu tiên về nước Pháp trong tôi thật yên bình, thật đẹp. Đó là những cánh đồng bạt ngàn thẳng tắp của làng quê dọc đường tàu siêu tốc TGV mà tôi đã đọc trong bộ tiểu thuyết nào đó. Đó là núi, là mây, là hoa bồ công anh, là đồi cỏ xanh mát rượi của phố núi Grenoble, nơi chồng tương lai của tôi làm nghiên cứu sinh. Và đó là toà lâu đài cổ kính uy nghiêm tuyệt đẹp mang phong cách Pháp trong khu cư xá đại học quốc tế Paris (Cité U), mà tôi có may mắn được ở trong đó. Khu Cité U có cả nhà ăn, thư viện, bể bơi, rạp hát, v.v… nên đời sống sinh viên của tôi vô cùng phong phú, hài hoà. Có thể nói, với tôi đó như là một giấc mơ thành hiện thực.

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 2

Thùy Linh chụp cùng các bạn học tại cư xá đại học quốc tế Paris – Cité U. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, những ngày đầu nghỉ ngơi nhàn nhã của tôi kéo dài không lâu. Năm học thứ nhất bậc Thạc sỹ (M1) bên Pháp chương trình khá nặng, trường tôi lại yêu cầu cao, tôi nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoay của bài vở. Những buổi thức thâu đêm hoàn thành bài tập đã không còn hiếm. Môn học đầu tiên thi hết môn lại là môn khó với tôi. Làm bài xong, tôi hoang mang lo sợ mình bị trượt. Nghĩ đến cảnh đất khách quê người, học hành lại khó khổ thế này, tôi thực sự bế tắc. Một lần, tôi bị suy nhược cơ thể, lưng đau tới mức không đứng thẳng được nữa, đi từng bước lom khom…

Món quà từ bên kia đại dương

Cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng tôi cũng cầm trên tay tấm bằng Thạc sỹ. May mắn hơn, tôi nhận được học bổng Tiến sỹ của Bộ Ngoại giao Pháp do Đại sứ quán Pháp cấp. Tôi tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Kinh tế phát triển, với mong muốn tìm lời giải cho những đau khổ của con người như nghèo đói, bệnh tật, bất bình đẳng giới, v.v…

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi cảm nhận sâu sắc rằng thế giới này còn nhiều lắm những bất hạnh. Hình ảnh em bé Somali gầy trơ xương, hay gia đình Ấn Độ chui rúc trong khu ổ chuột, hay người di cư cầm tấm biển cầu xin cứu giúp ở ga tàu điện ngầm nước Pháp… ám ảnh mãi trong tôi. Không chỉ những người nghèo khổ ốm đau hay bị phân biệt đối xử mới cảm thấy đau khổ, ngay cả những người giàu có ở giai tầng xã hội cao cũng phải đau đầu với những vấn đề của chính họ. Tôi mong muốn giúp nhiều người bớt khổ, nhưng bản thân tôi lại chưa biết cách tìm hạnh phúc cho chính mình.

Càng thành công, tôi lại càng khó thừa nhận thất bại và chịu hạ mình. Trong gia đình, tôi muốn làm “ông mặt trời” áp chế người khác, khi xảy ra xung đột thì luôn tự cảm thấy mình bị thiệt thòi, không bao giờ chịu xin lỗi trước. Có việc chỉ bằng con kiến, nhưng với cái Tôi ích kỷ, tôi đã phóng to nó lên thành con voi, để rồi suy diễn, tự dày vò chính mình. Tôi tự hỏi: Mình phấn đấu nỗ lực nhiều như vậy, vì sao vẫn không được thảnh thơi hạnh phúc?

Tôi vẫn thích lui tới chốn chùa chiền, thiền viện để tìm kiếm bình yên. Ngày nay nhiều người bái Phật để “xin”; tôi cũng từng cầu xin được khỏe mạnh, thành danh và hạnh phúc trong mỗi lần thắp hương. Bỗng một ngày, tôi thấy cứ cầu xin như vậy thật mệt mỏi và trống rỗng. Tiền tài danh vọng không thể khoả lấp những trống vắng trong tâm hồn.

Lần đó, trước hình Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi chắp tay cầu xin một điều: “Xin ban cho con lòng từ bi vô bờ bến để có thể yêu thương hết thảy chúng sinh!” .

Có lẽ giây phút ấy, Phật tính trong tôi đã xuất lai, cảm động đến Trời cao. Một thời gian sau, tôi được hai người bạn học cũ giới thiệu cuốn sách Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện thượng thừa của Phật gia. Người bạn của tôi chia sẻ rằng cuốn sách đã giải đáp cho chị mọi bí ẩn về số phận, kiếp người và vũ trụ, tôi hãy mau chóng đọc đi.

Và cuốn sách đã thực sự mở toang tâm trí tôi. Các nguyên lý giản dị mà thâm sâu đã xoá sạch mọi nghi hoặc của tôi về cuộc đời. Tôi nhận ra, tất cả những mệt mỏi, đau khổ, thất vọng của tôi đều xuất phát từ những truy cầu không chính đáng, do tôi đã xa rời các đặc tính Chân, Thiện, Nhẫn của vũ trụ. Hoàn toàn không phải vì người khác đối xử với tôi không tốt, mà là vì tôi đã không biết phải làm một người tốt như thế nào. Thế là, tôi quyết tâm tìm lại bản tính chân thật, lương thiện vốn có của mình. Tháng 7 năm 2015, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 3

Thuỳ Linh đang tập bài công Pháp số 5 của Pháp Luân Công (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Cứ thế, những nỗi phiền muộn trong tâm tôi tan biến, lòng tôi nhẹ tênh!

Trong quan hệ gia đình, tôi dần có thể coi nhẹ lợi ích của bản thân, nghĩ cho người xung quanh nhiều hơn trước. Trước đây, nếu bị người khác làm tổn thương thì có thể cả mấy ngày hôm sau tôi “ngậm hột thị”, không nói năng lời nào, trừng phạt tinh thần người kia. Nhưng giờ thì tôi có thể không để bụng trong những mâu thuẫn, sau đó tĩnh tâm suy nghĩ tìm ra thiếu sót của mình và thật lòng xin lỗi. Càng dịu dàng, tôi càng thấy nội tâm mình mạnh mẽ. Một bậc tiền bối nói với tôi rằng: “Bác nhìn con rất Thiện, từ bi”.

Trong nghiên cứu và công tác, tôi nỗ lực làm thật tốt với nguyện vọng đem lại điều có ích cho mọi người, cho xã hội, chứ không đặt nặng vấn đề danh hiệu thứ bậc như ngày trước. Khi lòng tôi thanh thản nhẹ nhàng, những điều tốt đẹp cũng tự nhiên tìm đến. Tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và được đề cử Luận án xuất sắc chỉ 3 ngày trước khi sinh bé trai đầu lòng. Sau đó, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE-G) tin tưởng giao cho tôi quản lý một dự án quan trọng.

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 4

Thùy Linh chụp cùng các đồng nghiệp ở tháp Eiffel – Paris. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi phát hiện ra rằng khi có thể quên đi cái Tôi, nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình thì cảm giác đau khổ cũng tiêu tan. Thì ra, đó chính là con đường giải thoát tôi khỏi tất cả muộn phiền, bế tắc và tuyệt vọng: Biết đặt mình phía sau người khác .

Vẻ đẹp của Chân, Thiện, Nhẫn

Tôi nhận ra rằng không chỉ riêng tôi, mà bất kỳ ai, bất kỳ xã hội nào cũng trở nên tốt đẹp hơn nhờ thực hành các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Trước hết nói về chữ “Chân”. Ở Việt Nam, khi làm thủ tục hồ sơ thì các bản phô tô đều phải công chứng để đảm bảo tính xác thực. Nhưng khi sang Pháp, tôi không khỏi ngạc nhiên vì rất nhiều khi chỉ cần phô tô đen trắng là đủ. Đúng là khi con người thành thực, chân thành với nhau thì cuộc sống sẽ bớt phiền phức đi nhiều.

Tiếp theo nói về chữ “Thiện”. Người Pháp lịch sự và thân thiện. Trên đường, trên tàu xe… nếu không may va vào ai thì câu đầu tiên buột ra khỏi miệng là “Xin lỗi”. Ai cũng chủ động xin lỗi, bất kể đó có phải lỗi của mình hay không. Khi mua hàng xong ở siêu thị, cả người bán người mua đều nói “Cảm ơn” và chúc một ngày tốt lành. Cách cư xử thân thiện, hoà ái như vậy giúp hoá giải các xung đột một cách dễ dàng và khiến con người gần nhau hơn.

Và cuối cùng là chữ “Nhẫn”. Xuất phát từ tâm đố kỵ của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trước sự phổ biến của môn tu luyện, những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp bị chính quyền Trung Quốc bức hại phi lý đã 19 năm rồi; thân thể, tài sản, danh dự đều bị xâm phạm và tước đoạt, nhưng họ vẫn dùng tâm nhẫn nại phi thường để kêu gọi lương tri thức tỉnh. Một lần, tôi cùng ngồi thiền thỉnh nguyện ôn hoà cùng các học viên người Pháp và Trung Quốc trong cái nắng mùa hè đổ lửa. Ngồi dưới nắng rát nhiều tiếng đồng hồ, nhưng ai nấy đều vô cùng tĩnh lặng, an hoà, không một tiếng phàn nàn kêu ca. Đến người trên đường cũng phải cảm thán và khâm phục.

Trong buổi ngồi thiền thỉnh nguyện ngày hôm ấy, có một cô bé học viên mười mấy tuổi. Em đã tham gia hành trình đạp xe 3000 dặm xuyên nước Mỹ, để kêu gọi giải cứu những cô nhi, những em bé đáng thương mà cha mẹ bị sát hại hay cầm tù phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc. Trước sự bức hại tàn khốc và tổn thương to lớn, các học viên Pháp Luân Đại Pháp mà tôi gặp vẫn giữ ý chí kiên cường và lòng từ bi vô hạn. Có lẽ vì vậy mà Sư phụ của chúng tôi, Đại sư Lý Hồng Chí, người sáng lập ra Pháp môn này đã 4 lần được đề cử giải Nobel Hoà Bình.

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 5

Cựu bộ trưởng Pháp và hoa hậu Anastasia Lin trong buổi diễu hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Paris – 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Paris những ngày tháng 5 thật đẹp, giống một thiếu nữ khoác lên mình vẻ đẹp kiều diễm, thanh cao. Hôm đó, trong trời nắng ấm chan hoà, chẳng ngôn ngữ nào có thể tả hết sự hân hoan và xúc động của tôi trong Pháp hội Pháp Luân Đại Pháp châu Âu năm 2017. Có hàng nghìn học viên Pháp Luân Công từ nhiều nước châu Âu tề tựu về Paris; cựu Bộ trưởng Pháp Françoise Hostalier cùng chúng tôi diễu hành 5 km từ quảng trường Bourse đến bảo tàng Louvre, đi qua những địa điểm lịch sử nổi tiếng. Bà nói về Pháp Luân Công: “Đây là những giá trị tích cực dành cho nhân loại, giúp mọi người sống hài hoà với chính bản thân, tìm thấy tự chủ và niềm an bình” .

Tiến sỹ kinh tế Pháp: ‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’ - 6

Thuỳ Linh và bạn trong buổi diễu hành của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Paris, Pháp năm 2017 (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn trong sâu thẳm trái tim các học viên Pháp Luân Công khi ấy dường như đã làm cho cả đường phố và khung cảnh nước Pháp trở nên tráng lệ hơn bao giờ hết. Trong cơn gió mát lành nhè nhẹ phả vào mặt bên bờ sông Seine xanh ngát, trong sự rực rỡ của chính nghĩa và niềm tin tốt đẹp không bao giờ mất, tôi ngẫm lại về cuộc đời mình, và hiểu rằng: Sau tất cả, chỉ có yêu thương mới khiến tâm hồn ta rộng mở, mới hoá giải được hết thù hận và tranh đấu. “Lùi một bước biển rộng trời cao…”

Lê Thị Thuỳ Linh

Tiến sỹ kinh tế, Giảng dạy tại trường Đại học Paris Dauphine, Cộng Hoà Pháp


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày