Gặp cộng đồng người Việt Nam tại Budapest tối 19/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong hai ngày thăm chính thức Hungary và tiếp xúc song phương với Thủ tướng, Tổng thống, Phó chủ tịch Quốc hội nước bạn, ông đã liên tục đề nghị công nhận cộng đồng người Việt ở Hungary là dân tộc thiểu số.
Theo Thủ tướng, điều này nếu được thực hiện sẽ giúp người Việt tại Hungary được đối xử bình đẳng về pháp lý như với người dân bản địa.
Lãnh đạo chính phủ cho hay 2023 là năm thể chế hóa nhiều nhất những vấn đề quan tâm đối với người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, mới nhất là Luật đất đai vừa được thông qua.
Ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế theo tinh thần "vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó" để cộng đồng người Việt ở nước ngoài thực sự là một bộ phận không tách rời của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Hungary tối 19/1. Ảnh: Minh Sơn
Theo Thủ tướng, việc quan tâm đào tạo, dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài là yếu tố quan trọng để giữ gìn văn hóa, thúc đẩy lòng yêu nước cũng như gắn kết được cộng đồng qua các thế hệ.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo, hơn 6.000 người Việt đang sinh sống tại nước này và có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở nhóm lao động. Cộng đồng người Việt chủ yếu sinh sống, làm việc, học tập ở Bundapest và vùng lân cận.
Người Việt Nam lao động tại Hungary trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng. Hàng năm, Hungary cũng dành cho Việt Nam 200 suất học bổng, mức cao nhất trong các quốc gia Trung Đông Âu.
Tiến sĩ Thiệu Ngọc Lan Phương, đại diện Hội Trí thức Việt tại Hungary, mong muốn Thủ tướng tạo điều kiện cho những trí thức trong hội được tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, các viện tại Việt Nam. Hội Trí thức Việt hiện có hơn 100 hội viên, trong đó có 5 giáo sư, 8 phó giáo sư, hơn 30 thạc sỹ.
"Tôi hy vọng Thủ tướng và các lãnh đạo tạo điều kiện cho Hội tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mong muốn chia sẻ kiến thức, đặc biệt là đóng góp xây dựng trung tâm tài chính", bà Phương nói.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như TP HCM xem xét, tìm giải pháp cho nguyện vọng của cộng đồng người Việt tại Hungary.
Phát biểu tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Việt Nam chịu nhiều thiệt hại khi liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận, nhưng đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt" để biến thù thành bạn, thể hiện qua việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đến thăm Việt Nam trong thời gian rất ngắn.
Ông cho hay Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu hạn chế, nhưng độ mở lớn. Để thúc đẩy chuyển đổi, chính phủ sẽ đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, gồm hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế. Việt Nam cũng sẽ có chính sách ưu tiên với các lĩnh vực như chuyển đổi số, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary, chiều 19/1 tại Budapest. Ảnh: Minh Sơn
Đánh giá về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh, xung đột trong tổng thể hòa hoãn và có những căng thẳng trong cục diện ổn định. Những vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị là những vấn đề lớn thế giới đang đối mặt, mang tính toàn cầu.
"Không một quốc gia bình yên nếu các quốc gia khác đang có vấn đề", Thủ tướng nói và dẫn chứng căng thẳng ở Ukraine, Dải Gaza và Biển Đỏ đều ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và các quốc gia khác.
Trước những vấn đề đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải có cách tiếp cận tương xứng, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Hungary ngày 18-20/1 theo lời mời của Thủ tướng Viktor Orban. Ông đã hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo Hungary, cũng như có một số hoạt động quan trọng tại nước này.
Việt Nam và Hungary có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với lịch sử hơn 70 năm. Năm 2018, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện, đưa Hungary trở thành đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Hungary là nước cấp nguồn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong Trung Đông Âu, với 440 triệu euro kể từ năm 2017.
Minh Sơn
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC