Tết trở về và nỗi khắc khoải của cô gái Việt tại Bắc Kinh

Dù ở bất cứ đâu Tết luôn là thời điểm mà mỗi người con Việt xa Tổ quốc khắc khoải nỗi nhớ nhà. Ba năm dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng là ba năm nhiều người Việt tại Bắc Kinh không thể sum họp cùng gia đình vào thời khắc thiêng liêng này. Nguyễn Thanh

Hằng là một người trong số đó.

Nguyễn Thanh Hằng, năm nay 37 tuổi, lập gia đình và định cư tại Bắc Kinh đã được hơn 10 năm. Khi chưa có dịch, năm nào Hằng cũng cùng chồng con về Việt Nam ăn Tết. Thế nhưng 3 năm nay, cô đã không thể thực hiện được điều này, mà chỉ có thể thăm hỏi cha mẹ qua điện thoại.

1 Tet Tro Ve Va Noi Khac Khoai Cua Co Gai Viet Tai Bac Kinh

Nguyễn Thanh Hằng trò chuyện cùng phóng viên

Hiện Hằng đang quản lý một khách sạn homestay ở ngoại ô, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 90km. Do đã chứng kiến cả ba cái Tết trong bối cảnh dịch Covid-19, hơn ai hết, cô hiểu rõ những quy định phòng dịch nghiêm ngặt tại đây, đặc biệt khi năm nay Tết Nguyên đán trùng với thời điểm tổ chức Thế vận hội mùa Đông.

“Năm nay ngày càng chặt hơn so với những năm trước. Ví dụ trước đây khách chỉ cần có mã sức khỏe, đo thân nhiệt, thì bây giờ toàn dân đều phải xét nghiệm Covid-19. Như bọn em là 1 tuần phải xét nghiệm 1 lần. Khách đến lưu trú cũng phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 48h, chúng em mới được tiếp đón”.

Mặc dù không về được Việt Nam nhưng cái Tết đối với Hằng vẫn phải đầy ắp hương vị Việt.

“Thực ra, em có thói quen là Tết chuẩn bị cả đồ Việt vì mẹ chồng em chuẩn bị đã chuẩn bị đồ ăn Trung Quốc. Thường em sẽ chuẩn bị bánh chưng, giò chả, nem chua và khi cận Tết em sẽ cố gắng gói nem nữa, vì thực ra những món ăn này cả nhà chồng em ai cũng thích”.

Năm nay, dù cho công việc khá bận rộn bởi khách đã đặt kín phòng từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, nhưng cô vẫn cố gắng lo một cái Tết đủ đầy.

“Năm nay em chuẩn bị khá chu đáo, vì đã quen thêm được nhiều người bạn Việt Nam. Các bạn ấy tự gói bánh chưng, tự làm giò chả, làm cả nem chua. Khi không có điều kiện, em có thể đặt của các bạn”.

2 Tet Tro Ve Va Noi Khac Khoai Cua Co Gai Viet Tai Bac Kinh

Hằng gọi điện cho mẹ ở Việt Nam

Như một lẽ tự nhiên, Hằng đã chuyển hóa nỗi nhớ nhà vào công việc hàng ngày. Ẩm thực Việt Nam xuất hiện ngay khi khách bước vào khu đón tiếp và cũng là khu vực phục vụ ăn uống của khách sạn. Đó có thể là những chiếc phin cà phê nhỏ xinh hay những món ăn Việt được xếp ở ngay trang đầu tiên của menu khách sạn.

Hằng chia sẻ, cô không chỉ muốn gìn giữ ẩm thực Việt trong gia đình, mà còn muốn giới thiệu đến khách Trung Quốc.

“Em thấy ẩm thực Việt Nam mình ngày càng bước ra thế giới và được nhiều người ưa chuộng. Khi em giới thiệu mình là người Việt Nam, nhiều người chia sẻ Việt Nam có phở, bánh mỳ, cà phê rất ngon. Do vậy, em cố gắng đưa món ăn Việt vào thực đơn của nhà hàng. Tuy nhiên do tìm đầu bếp khá khó khăn, tìm nguyên liệu cũng hơi khó, nên trước mặt em mới đưa vào món phở, nem rán, cà phê. Em dự định ra Tết sẽ thêm món bánh mỳ nữa”.

Đồng thời, quảng bá văn hóa Việt qua những trò chơi, điệu múa: “Mùng 2 Tết có một số chị em người Việt xuống đây, em đang dự định tổ chức nhảy sạp. Hôm đó, ở chỗ em có cả khách Trung Quốc, em cũng muốn giới thiệu văn hóa Tết và trò chơi của Việt Nam để hai bên giao lưu với nhau.”

3 Tet Tro Ve Va Noi Khac Khoai Cua Co Gai Viet Tai Bac Kinh

Hằng chuẩn bị đồ Tết

Vì luôn đau đáu hướng về gia đình ở Việt Nam, mà đến nay dù đã ở Bắc Kinh tới hơn 10 năm, cô vẫn chưa có thẻ cư trú dài hạn: “Chồng em và con em đều thích Việt Nam. Em cũng muốn con em có thể nói tiếng Việt, do vậy khi lấy chồng em đã giao ước trước là mỗi năm em sẽ phải về nhà khoảng 2 lần và anh ấy rất ủng hộ. Mà mỗi năm em về là từ 3 đến 6 tháng. Nói chung là thời gian em ở Việt Nam và Trung Quốc là như nhau, thế nên đến nay em vẫn chưa đủ điều kiện để làm thẻ Xanh”.

Một mùa Xuân mới lại về, Hằng chỉ có một mong mỏi, dịch sớm kết thúc để cô lại được tham gia Tết cộng đồng do Đại sứ quán tổ chức, lại được về Việt Nam đón Tết cùng cha mẹ, người thân, để cậu con trai 10 tuổi của cô được giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều như những năm chưa từng có dịch bệnh./.

Bích Thuận (VOV-Bắc Kinh)

Nguồn: vov.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày