Ngáo danh
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, người tự xưng là "nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế" - Ảnh: nguoilambao.vn
Cách đây lâu lâu, tôi vô tình lướt dòng tin trên baomoi, về 2 "nhà báo quốc tế" được vinh dự nhận giải thưởng Quốc tế. Tôi có đọc và mừng thầm cho đồng nghiệp vì có lẽ báo chí chúng ta cũng nên đến lúc chuyên nghiệp. Nhưng trong đầu, với dòng tin ấy, tôi cứ gờn gợn: Nhà báo quốc tế quái gì mà nhận bằng Tiến sĩ danh dự về...triết học, một ông thì chuyên ngành "các ngôn ngữ học", một ông thì "chuyên ngành bảo vệ môi trường"?
Một tấm card visit được lan truyền và được cho là của ông Lê Hoàng Anh Tuấn
Mà nhìn mặt hai ông thì đúng chả "quốc tế" chút nào.
Nhìn chẳng khác gì mấy anh chị thanh niên ở đoàn thanh niên thôn bản. Nghĩ bụng: Thôi thì nhà báo thời này nhiều lắm và chuyện háo danh ở cái xứ này như cơm bữa.
Ấy, có ai biết chị Hoa hậu quý bà Đoàn Kim Hồng là Tiến sĩ cái ngành gì mà cũng về quê giăng cờ múa quạt là thế. Hay cả anh Minh phò nhà Cát cũng thế.
Xứ ta không còn là "háo danh" nữa mà là "ngáo danh"
Hôm qua, có bạn học gửi cho tôi đường link "nhà báo Quốc tế" về lại trường xưa. Nhà trường bắt hơn cả 1,400 em học sinh ngồi nghe "cựu học sinh lừng danh" kể chuyện.
Băng rôn căng hoành tráng, ghi đủ tên tuổi chức danh của "nhà báo quốc tế" dù là lủng củng vô cùng. Lại thêm cả mấy ông Hội nhà báo tháp tùng, thêm cả ông Giám đốc đài TH Nghệ An xưa nữa, rồi về viết bài trên trang của Hội nhà báo như đón một vĩ nhân.
Rồi phỏng vấn. Loạn hết cả lên.
Bạn bảo: "Thằng Tuấn Hảo đó", "Ơ, mày nhầm không?
Tuấn Hảo nó học hành cái gì mà nhà báo quốc tế, mà Tuấn Hảo tên là Lê Văn Tuấn mà?", "Chuyện dài lắm, tao kể cho. Vụ việc cũng lộ rồi và trường Nghi Lộc 3 cũng gỡ hết thông tin trên trang rồi"
Tuấn học cùng tôi 3 năm đầu tiểu học, sau đó chúng tôi khác lớp.
Lên lớp 5 tôi đi học trường Năng khiếu và không học cùng Tuấn thêm lần nào. Tuy nhiên, tôi vẫn hay cập nhật thông tin các bạn cũ, ai làm gì, cuộc sống thế nào, trong đó cũng có những bạn bè tôi không còn trên đời. Trong lớp, Tuấn thuộc dạng học yếu đều các môn, cỡ trung bình yếu.
Tuấn thi cấp 3 trượt, phải phúc tra để được đậu. Hết cấp 3 Tuấn trượt đại học 2 năm liên tiếp và thi vào Trung cấp cảnh sát. Tuy nhiên, thời đi học, Tuấn dính tiền án lừa đảo nên nhà trường Cảnh sát cho thôi học.
Tuấn về, chuyển khẩu sang Hà Tĩnh, đổi tên thành Lê Hoàng Anh Tuấn, rồi lái taxi. Thời gian sau đi xuất khẩu lao động ở Cộng hoà Séc, trở về lấy vợ rồi ly hôn.
Đến đây, tôi chỉ biết cậu bạn học của tôi cũng như bao người bình thường khác ngoài đời, thầm lặng làm ăn và đi qua những thăng trầm số phận, lặng lẽ và đơn điệu.
Quả lừa đau đớn
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn phát biểu trong buổi lễ chào mừng tại Trường THPT Nghi Lộc III, huyện Nghi Lộc - Ảnh: nguoilambao.vn
Đọc trên báo, tôi thấy Tuấn có cả đống chức danh, học hết trường này sang trường nọ. Tôi khẳng định luôn, Tuấn chưa học bất cứ trường nào mà Tuấn kê khai. Nếu Tuấn có bằng, cơ quan điều tra nên truy tìm đường dây bán bằng giả cho Tuấn đi là vừa. Bởi vì Tuấn vẫn lang thang Hà Nội Hà Tĩnh và đủ các nơi để "lập thành tích" thì học vào lúc nào?
Nhưng khôi hài nhất, Tuấn ghi là có học ở Học viện báo chí, nghiệp vụ báo chí 3 tháng. Thế mà Học viện Chính trị quân sự và một số trường khác mời Tuấn về dạy được thì tôi cũng đến lạy mấy cái trường đó quá!
Một câu hỏi lớn đặt ra trong đầu tôi, và tự đi tìm hiểu những thứ trang sức danh xưng mà Tuấn đeo trên người cho những hoạt động loè loẹt phù phiếm thời gian qua, thì đây là kết quả:
1/ Chức danh "nhà báo quốc tế":
Tuấn sang Séc lao động và chơi với mấy bạn Tây ba lô bên đó. Lần theo trang web của tổ chức mà Tuấn khai là cơ quan chủ quản của tạp chí của Tuấn, thì ra kết quả một trang web có vẻn vẹn 5 dòng mà bất cứ ai cũng có thể lập ra được.
Nó là đây:
http://eafer.eu
Ngài tiến sĩ đáng kính trao giải cho hai "nhà báo quốc tế" của Việt Nam, tên là Paven Janasek mà báo chí xứ ta đưa, là một ông "Tây ba lô" đi từ Séc về với nhóm Tuấn.
Ngài chả có học vị học hàm gì, mà chỉ thấy xưng Tiến sĩ rồi đến Hà Tĩnh chào đầu tư dự án nước thải (nếu ngài đến sớm chắc vào đội Formosa của quý công Võ Kim Cự).
Nghe nói cũng được Hà Tĩnh đón tiếp long trọng lắm. Cái này cũng coi lại đầu óc của mấy ông bà Hà Tĩnh, ngu đến thế này mà làm lãnh đạo thì hồng phúc cho dân tộc quá.
Tờ báo của Tuấn không có thật. Nó chưa từng được phát hành ở đâu dù Tuấn huyênh hoang nó có văn phòng ở Sing, Séc và...Châu Phi!
2/ Thạc sĩ Luật, Luật gia:
Trong đơn tố cáo (ảnh kèm dưới đây), một phụ nữ tố cáo Tuấn lừa đảo, có ghi rõ, khi ở Séc về, không biết bằng cách nào Tuấn chơi với Chủ tịch Hội luật gia và có được những danh xưng này. Vậy đề nghị nhà nước kiểm tra ngay hành vi của ông Chủ tịch này.
Tổ chức ra Hiệp hội để hoạt động nghề nghiệp hay để phục vụ việc mua danh ảo và lừa đảo dân chúng?
Không bao che các hành vi vi phạm pháp luật
Tôi không trách trường Nghi Lộc 3 khi tổ chức "chào đón nhà báo cuốc tế", vì nhà trường sẽ rất tự hào nếu học sinh cũ thành danh, nhất là những nhà trường khuất khuất nơi vùng quê thế này.
Nhưng không hiểu sao, thông tin Tuấn phơi bày hàng ngày như thế không lẽ nhà trường không biết?
Và những sự lố bịch đến hợm hĩnh như Xuân tóc đỏ thế mà nhà trường để Tuấn khoa môi múa mép và bắt học sinh phải nghe phải học, phải xem là tấm gương sáng?
Tôi đánh giá cao cô vợ. Khi biết chồng mình bị tố cáo lừa đảo và chắc hiểu ra nếu sống lâu sẽ dễ gặp hoạ nên cô đã quyết bỏ. Bởi ngành công an có đặc thù riêng, nếu còn lấy Tuấn mà Tuấn bị bắt một phát, cô vợ cũng phải ra khỏi ngành.
Thời gian sống chung, cô vợ đã chứng kiến các hành vi "nguy hiểm" của Tuấn: liên tục bị tố cáo lừa đảo chạy việc, xuất khẩu lao động lên đến hàng tỷ đồng.
Theo tôi được biết, khuyên can không được cô vợ chọn cách chia tay để "cho lành", chứ giang sơn dễ đổi bản tính khó dời.
Bạn bè kể lại, "thành tích lừa" của Tuấn cũng lừng lẫy lắm.
Đến cả chú ruột cũng bị lừa cả mớ tiền chưa đòi được. Còn người ngoài "oán thán" về ông "thạc sĩ luật, nhà báo quốc tế" vì những quả lừa thơm ngọt thì nhiều vô kể.
Và tôi, tôi cũng suy nghĩ rất kỹ khi viết về Tuấn:
viết hay không? Là bạn bè, dù là bạn học trong cái quá vãng phủ bụi ấy, mình có bỏ qua hay không? Tôi quyết: không.
Vì đây là phạm pháp, chứ không phải là sai lầm hay vấp ngã giữa đường đời.
Nhưng, vụ Tuấn về trường, lại có Hội Nhà báo Việt Nam đi cùng, và về đưa những bài PR tởm lợm lên báo của Hội, tôi nghĩ cần cho thôi chức ngay những ông đi cùng Tuấn và thanh tra lại hoạt động của các ông ấy cũng như cái hội ấy.
Làm nhà báo cái kiểu gì mà không kiểm tra thông tin, thấy danh hão thì bu vào, vậy có xứng đáng làm Hội nhà báo và xứng đáng để nói về hoạt động nghiệp vụ cho nhà báo nữa hay không? Tôi nghĩ là không!
Xem lại đầu óc của cái ông mời Tuấn về Học viện Chính trị quân sự, các ông đã "học" những gì từ "nhà báo lái taxi" trong suốt một khoá đào tạo? (Có ông còn vào cmt bênh là thầy Tuấn giỏi, lý luận tốt, nghiệp vụ cao nữa - trời ạ!)
Cuối cùng:
Để "hoạt động" từ Séc đến Sing và về Việt Nam nổ banh trời, leo vào Hội nhà báo, Học viện báo chí và một số cơ sở giáo dục khác để "dạy", rồi để hợp tác đầu tư, với các "chuyên gia" đến các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, hẳn không phải chuyện đùa. Đó là một đường dây lừa đảo có tổ chức xuyên quốc gia.
Theo thông tin mà tôi thu thập được, hiện nay Tuấn đang lái xe cho cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.
Tổ chức này có biết họ đang sở hữu một "nhà báo quốc tế" và bắt nhà báo quốc tế đi lái xe, có lãng phí tài năng quá không?
Vậy nên, cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ chuyện này và đưa mọi việc ra trước pháp luật.
Chứ để những chuyện phản cảm và để bị lừa vì những thứ ngây ngô và vớ vẩn như thế này, người ta cười cho đấy!
FB Hoang Nguyen Vu
© 2024 | Thời báo ĐỨC