Giới thiệu thơ
Cộng đồng người Việt ở Paris tưng bừng đến tham dự mừng được chút tự do và để thỏa nỗi nhớ các món ăn Việt.
Gần hai năm nay Paris nói riêng và nước Pháp nói chung chịu tù túng vì lệnh giới nghiêm do đại dịch covid. Khi đại đa số những người trên 50 đã được chích ngừa, chính phủ Pháp tháo lệnh giới nghiêm, không phải đeo khẩu trang ở ngoài trời, trừ trong các phương tiện giao thông công cộng và nơi đông người. Mọi người được phép tự do đi lại với giấy chứng nhận tiêm phòng dịch. Các quán hàng và mọi trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa.
Tuy nhiên mọi người vẫn phải tôn trọng khoảng cách nhất định. Các quán ăn được phép tạm thời mở ra ngoài lề đường để tránh đông người trong nơi khép kín. Khi mới mở cửa, thiên hạ chồn chân lâu ngày, vội vã ra thưởng thức ly cà phê ngắm Paris theo thói quen. Bỗng dưng phải xếp hàng trước các quán cà phê, khác hẳn trước kia.
Trở lại với lễ hội âm nhạc tại sảnh vườn Olympiades quận 13, ngoài Việt Nam, nhiều hội đoàn nước khác như Campuchia, những người bạn châu Phi, Pháp yêu châu Á cũng nhiệt tình đến góp vui văn nghệ, đọc thơ.
Năm ngoái cũng ngày này, lễ hội tổ chức tại đây với số lượng người quy định và bắt buộc đeo khẩu trang. Năm nay cái khẩu trang khó chịu đã được cất vào túi.
Mở đầu là điệu múa trống cơm vui nhộn gây không khí nhộn nhịp. Một vài người Việt trong đội múa nghiệp dư còn sợ dính covid nên không tham dự. Tuy nhiên lễ hội vẫn đông vui và hấp dẫn. Hai cô gái Campuchia duyên dáng đã mời mọi người tham gia múa tập thể. Ca sĩ Lệ Quyên nhà ở xa vẫn nhiệt tình lặn lội đến góp vui với bài hát Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Giọng hát của ca sĩ đẳng cấp bay lên quyến rũ khách và đặc biệt gây xúc động cho những người sinh ra và gắn bó với thủ đô Hà Nội "Bao nhiêu mộng đẹp tan theo chiều khói… Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ". Đó là tâm trạng chung của bao đứa con xa xứ.
Hai chị em Yến Linh hát cùng cây đàn ghi ta
Lễ hội là ngày vui chung, mọi người đều tham gia không ngần ngại. Cây nhà lá vườn. Vui là chính. Cả gia đình nhà anh Thẩm Hoàng Long tham gia với cây đàn ghi ta xinh xắn của cô con gái Yến Linh. Do COVID-19, một số diễn viên ốm mệt không tham dự, cô con gái Mỹ Linh vốn nhút nhát, e dè được bố và các cô bác khuyến khích cũng mặc áo tứ thân ra đứng vẫy cờ xí giúp cho tiết mục lên đồng. Bác sĩ Nam Minh và Ý Linh đều nhiệt tình hát góp vui.
Một thiếu nữ Việt trẻ trong áo dài tha thiết ngân « Tôi yêu quê tôi với lũy tre xanh… tôi xa quê tôi bao năm tháng qua, nhưng trong trái tim không bao giờ xa… tiếng mẹ ru và nước lũ tràn về»… gợi nhớ mùa bão năm 2020, cả miền Trung ngập lụt, trẻ thơ phơi từng cuốn sách ướt lấm lem bùn…
Dịp ấy, một số hội đoàn như Aurore Ánh Sáng, Hội phong trào người Pháp gốc Việt, Hội nha sĩ Pháp Việt và Hội cựu sinh viên JJ Rousseau và Marie Curie khóa 69 đã kêu gọi quyên góp hơn 200 triệu đồng mua thiết bị giảng dạy hiện đại như máy in, máy chiếu giúp một số trường Hà Tĩnh, Quảng Trị. Hội Ái hữu Pháp Việt nhân dịp lễ hội tặng tạp chí miễn phí số chuyên về vụ chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Nhân lễ hội âm nhạc, ban tổ chức giới thiệu ẩm thực Việt với món nem - vốn mê hoặc người Pháp nên được đặt cho cái tên tuyệt sang "Paté Hoàng Đế".
Hội thơ cũng vừa ra mắt cuốn sách Tình thơ không biên giới - một nối kết giữa người Việt nơi xa xứ ở Paris và xứ Huế. Các bạn châu Phi lên đọc thơ tiếng Pháp.
Âm nhạc vừa gắn kết cộng đồng vừa gắn kết bạn bè thế giới. Ông Thái Sơn chủ tọa không quên cảm ơn nước Pháp và Tòa thị chính quận 13 Paris tạo điều kiện cho tổ chức lễ hội để giới thiệu âm nhạc Việt và nối kết bạn bè thế giới. Khép lại chương trình là điệu nhảy lăm vông của các bạn Campuchia đã kéo người tham dự cùng hòa vào âm nhạc.
Sống ở Paris hoa lệ, nhưng lòng vẫn nghĩ về quê hương, về Thủ đô yêu dấu. Người Việt xa xứ vẫn khát vọng đem hương hoa văn hoa Việt tỏa đi muôn phương.
TRẦN THU DUNG từ Paris
Nguồn: tienphong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC