Những nỗi nhớ thương rất riêng của du học sinh những ngày Tết đến

Có người may mắn được về Việt Nam ăn Tết sau nhiều năm xa quê, có người thì đã 4,5 năm không thể ăn Tết cùng gia đình..

Những ngày này, mọi người có lẽ là đang sum họp bên gia đình, háo hức cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, chuẩn bị cho một cái Tết rộn ràng sắp tới. Đây cũng có lẽ là dịp mà những sinh viên, người con xa nhà thích nhất, bởi sau 1 năm học tập, làm việc mệt mỏi, cuối cùng họ cũng được trở về nhà, cạnh bố mẹ người thân và cảm nhận được trọn vẹn hơi ấm gia đình.

Nhưng vẫn còn những du học sinh khắp nơi trên thế giới không có được cái may mắn đó. Vì học hành, vì đường xá xa xôi, vì nhiều lý do cách trở mà họ vẫn không thể về quê ăn Tết, hoặc vài năm mới về được 1 lần. Chắc hẳn, đây là những người khao khát Tết nhất!

Tết cận kề rồi. Hãy cùng lắng nghe tâm sự của các du học sinh – những người đang sum họp với gia đình sau nhiều năm xa quê, và cả những bạn đang ăn Tết 1 mình cách xa nửa vòng Trái Đất – xem cảm giác của họ như thế nào nhé.

1. Võ Túc Ngân – Thạc sĩ năm 2 ngành Audiovisual Production, Paris, Pháp

132 1 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Đây là cái Tết thứ 5 mình không ăn Tết ở Việt Nam rồi. Thời điểm mọi người ở Việt Nam ăn Tết nguyên đán thì những người Việt xa quê ở đây vẫn theo guồng đi học đi làm bình thường. Lên mạng xã hội và đọc báo vào dịp áp Tết như thế này, những du học sinh như chúng mình cảm thấy Tết thật gần gũi: không khí mua sắm Tết tất bật ở Việt Nam, các món ăn Tết đậm đà bản sắc truyền thống… chỉ có điều chỉ xem thôi, chứ không chạm được, không ngửi được, hay ăn được Tết Việt Nam thực sự.”

2. Hải Đặng – Du học sinh Nga

132 2 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Mình đã xa nhà được 4 năm rồi. Kể từ khi sang Nga du học đến giờ, rất tiếc mình chưa có cơ hội được về sum họp cùng với gia đình trong dịp Tết cả. Ở bên bạn bè vui thì có vui nhưng không khí gia đình thì không bao giờ có được. Đó là điều mình tiếc nhất… Mình thích không gian ấm cúng bên nồi bánh chưng, thích sự quây quần bên nhau. Có thể đối với nhiều người, với Tết họ thích nhất là được lì xì, nghỉ ngơi, đi chơi… nhưng với người đi xa nhà đã lâu thì không có gì quan trọng hơn được trở về với bố mẹ. Một bữa cơm ngày Tết sẽ ấm áp hơn rất nhiều một phong bì lì xì màu đỏ.”

3. Ngô Di Lân – Sinh viên ĐH Brandeis, bang Massachussetts, Mỹ

132 3 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Thật lòng thì cách xa vạn dặm, buồn nhất là không thể cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà. Ừ thì thời buổi công nghệ thông tin, ở Việt Nam xem hài Táo quân thì ở Mỹ cũng xem được Táo quân. Muốn “gặp mặt” chúc Tết gia đình chỉ việc bấm mấy nút trên điện thoại là xong nhưng như vậy cảm giác nó không “thật” chút nào.

Với mình thì việc phải xem Táo quân vào lúc 8h sáng vào một ngày đi học nó cũng hơi giống phải ăn cháo bằng đũa vậy. Thích thì làm được thôi nhưng nó gượng gạo, nó có gì đấy “không đúng” và đương nhiên mình sẽ không cảm thấy sung sướng rồi. Còn xa nhà thì có thể gọi điện, Facetime để chúc Tết nhưng … làm sao nhận được tiền lì xì đây! Nói đùa vậy thôi, thật sự thì mình thấy khá buồn tủi vì đã chẳng được hưởng tí không khí Tết nào rồi lại còn không cảm nhận được hơi ấm của gia đình và bạn bè như bao bạn khác nữa. Đôi khi mình thấy đi du học đúng là thiệt đơn thiệt kép mà đành tự nhủ là thôi, khổ trước sướng sau!”

4. Chris Khoa Nguyễn – Du học sinh tại Anh

“Năm nay là năm thứ ba Khoa du học ở nước ngoài, thông thường Khoa không thể về nhà vào dịp Tết vì bị trùng với lịch học và những kì thi. Năm nay, Tết lại bị trùng với lịch làm việc và những buổi casting của Khoa, do đó Khoa lại một lần nữa phải đón Tết xa Việt Nam. Khoa nhớ gia đình mình rất nhiều và cả những món ăn Việt Nam nữa. May mắn nhờ có Skype, Khoa có thể liên lạc với gia đình mình vô cùng dễ dàng, đây cũng là cách mà Khoa đón năm mới cùng gia đình những năm gần đây. Đối với Khoa, không quan trọng là Khoa và gia đình ở xa cách mấy, miễn là cả gia đình cùng nghĩ về nhau thì cũng như đang ở bên cạnh nhau rồi.”

132 4 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

5. Đinh Nữ Thuỳ Linh – Du học sinh tại Bỉ

132 5 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Mình mới xa nhà 5 tháng, đây là cái Tết xa nhà đầu tiên. Mình cũng mới qua Bỉ được vài ngày nữa, ăn Tết bên Bỉ, không người thân, không gia đình, có đi cùng 1 người bạn Việt Nam và quen một gia đình Việt Nam ở đây nên sẽ cùng nấu ăn, đi chơi gì đó thôi. Điều tiếc nhất là không được phụ mẹ chuẩn bị Tết! Nhớ nhất chắc là tiếng pháo hoa giao thừa rồi mẹ sẽ là người đầu tiên lì xì năm mới. Còn điều thích nhất của Tết Việt là hồi nhỏ thì được mua quần áo mới với lì xì, lớn lên thì được nghỉ học.”

6. Nguyễn Ngọc Minh Hằng – Du học sinh Bỉ

132 6 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Đây là Tết đầu tiên em không ở cùng gia đình. Thành phố em học rất nhỏ, có khoảng hơn 10 người Việt thôi, có một số anh chị thì về Việt Nam, các anh chị ở lại thì tổ chức ăn uống với nhau, ăn lẩu rồi làm nem các thể loại, nhưng không có gói bánh chưng. Có gia đình thì đặt mua bánh chưng thôi. Riêng em thì đi du lịch. Buồn nhất không được về Tết là không được đón giao thừa với bố mẹ, không được nhận tiền mừng tuổi, nhưng đón giao thừa trên máy bay cũng là 1 trải nghiệm khá thú vị đáng để thử.”

7. Trần Thy Khánh Dung – Du học sinh Phần Lan

132 7 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Mình du học được 4 năm rồi, đã từng trải qua 2 năm ăn tết xa nhà. Nhưng thật may mắn là năm nay mình đã được về quê ăn Tết.

Tết đối với dân du học sinh vẫn là những ngày phải đi học như bình thường, nhưng sau đó sẽ tụ tập nhau lại làm bữa tiệc ăn mừng năm mới. Bữa tiệc cũng có đầy đủ những món ăn truyền thống ngày tết như bánh tét, giò chả, bánh chưng, củ kiệu,…

Xa quê thì nhớ nhất những món ăn gia đình do mẹ nấu. Chính vì vậy, năm nay, khi được về quê ăn Tết, mình đã thấy nôn nao ngay lập tức vào khoảnh khắc mình xếp đồ cho vào vali rồi. Hy vọng Tết này sẽ được ăn thật nhiều món ngon.”

8. Kenneth Lê Tâm – Du học sinh tại Anh

132 8 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Trong 5 năm du học xa nhà, thì đây là cái Tết thứ 2 Ken không về ăn Tết được.

Ở London, không khí Tết âm lịch hầu như không có. Nhưng may mắn là Ken ở chung nhà với cô chủ người Việt, nên vẫn được ăn bánh chưng, các loại thức ăn truyền thống ngày Tết cùng gia đình cô. Mọi người sum họp, quây quần với nhau, hoặc đi lên China Town để thêm tý không khí.

Tuy vậy, mình vẫn buồn lắm. Cận Tết là thấy các bạn ở quê nhà của mình đăng những bài viết, những hình ảnh xôm tụ ngày Tết lên mà ganh tỵ và nhớ nhà kinh khủng. Việc không được ăn bữa cơm tất niên và tân niên cùng với gia đình là điều khiến Ken buồn nhất.”

9. Đào Mai – Du học sinh tại Úc

132 9 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Đây là Tết thứ 2 mình không ở Việt Nam, và là năm thứ 6 xa nhà. Điều buồn nhất tất nhiên là không được ở bên cạnh gia đình rồi, tết xa nhà thì nhớ nhà lắm. Bên này dù trong trung tâm thành phố trang hoàng đẹp lắm nhưng cái cảm giác vẫn không phải Việt Nam, không phải quê hương mình, không phải Tết đúng nghĩa. Mình thích nhất là không khí tết cả nhà quây quần với nhau và dành thời gian cho nhau.

Tết ở Việt Nam thích nhất chắc chắn là không khí gia đình, tình cảm với bố mẹ, chị gái và quê hương. Ngày tết không chỉ là ngày để ở bên những người mình yêu thương, mà còn là để tự hào thêm về Việt Nam – nơi nuôi dưỡng mình thành người trưởng thành như ngày hôm nay – dù có đi xa như thế nào đi nữa thì quê hương chỉ có một thôi.”

10. Lê Phương – Du học sinh tại Pháp

132 10 Nhung Noi Nho Thuong Rat Rieng Cua Du Hoc Sinh Nhung Ngay Tet Den

“Mình xa nhà 5 năm rồi và cũng từng ấy thời gian chưa ăn Tết ở Việt Nam. May mắn là cộng đồng người Việt ở Paris rất đông và nhờ đó mình cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà hơn. Thế nhưng vẫn thấy buồn khi nhìn bạn bè về quê ăn Tết, mình lại muốn được về nhà hơn lúc nào hết.

5 năm xa nhà tuy đã quen với cuộc sống tự lập nhưng khi Tết đến lại nhớ nhà, nhớ bạn bè như hồi mới du học vậy. Xa gia đình nên không khí Tết không thể nào trọn vẹn.”

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày