Những cuộc hôn nhân giả vì thẻ xanh trong cộng đồng người Việt ở Mỹ

Hàng trăm nghìn người bước vào những cuộc hôn nhân giả để có thẻ xanh vào Mỹ hoặc nhận phúc lợi quân đội. Một số kết thúc êm đẹp, một số kết thúc bằng mối quan hệ bạn bè tan vỡ.

132 1 Nhung Cuoc Hon Nhan Gia Vi The Xanh Trong Cong Dong Nguoi Viet O My

Một cuộc hôn nhân giả là con đường để nhiều người vào Mỹ. Ảnh: Reuters.

Bài báo trên MIC bắt đầu bằng Tiffany, 29 tuổi, người đang háo hức chờ đợi ngày ly hôn của mình, sau khi chồng cô nhận được tư cách thường trú nhân (thẻ xanh) để định cư tại Mỹ.

Tiffany kết hôn với Steve 2,5 năm trước. Vào thời điểm đó, anh có vợ và con ở quê nhà tại Việt Nam, trong khi Tiffany cũng có bạn trai lâu năm.

"Cộng đồng người Việt biết tất chuyện đó"

Nhưng cô muốn ổn định tài chính, cô gọi một người bạn Việt Nam và hỏi có biết ai đang tìm vợ không. Người bạn mai mối cô cho Steve. Ngay lần hẹn đầu tiên, họ quyết định kết hôn.

"Trong cộng đồng người Việt, chúng tôi biết tất cả những chuyện đó", cô nói. "Tôi không cần phải giấu giếm hay che đậy việc đó".

Steve đã ly dị với người vợ tại Việt Nam của mình, dù anh vẫn dự định họ sẽ đoàn tụ sau khi anh có thẻ xanh tại Mỹ. Steve và Tiffany đăng ký kết hôn vài tuần sau khi gặp.

"Công việc khá dễ dàng. Tôi không phải làm gì nhiều. Chỉ như làm bạn thôi", Tiffany nói.

Trong số hàng trăm nghìn hồ sơ xin visa theo đường kết hôn được duyệt tại Mỹ mỗi năm, khoảng 30% là kết hôn giả, theo số liệu của cơ quan hành pháp về hải quan và di cư Mỹ (ICE) năm 2006. Điều này có nghĩa là hàng nghìn người Mỹ đang kết hôn với người mà họ không yêu, đôi khi là hầu như chẳng biết gì về nhau.

Theo luật Mỹ, việc này có thể bị tính là lừa đảo và hình phạt có thể lên đến 5 năm tù hoặc 250.000 USD.

Không có thống kê chính xác về số cuộc hôn nhân "giả" để lấy thẻ xanh, nhưng vào năm 2006 ICE ước tính có khoảng 135.000 cuộc hôn nhân là giả nhằm lấy thẻ xanh.

Các cuộc hôn nhân giả cũng khá phổ biến trong giới quân nhân, vì những người chồng đi lính sẽ được nhiều phúc lợi hơn đàn ông độc thân. 

Chồng giả, tiền thật

Theo thỏa thuận, Steve trả cho Tiffany 10.000 USD khi họ lấy giấy chứng nhận kết hôn. Cô dùng số tiền đó mua một căn nhà cho mình và người bạn trai thật sự. "Chồng hờ" sau đó tiếp tục chi trả 15.000 USD cho Tiffany sau khi anh lấy được tư cách thường trú nhân trong 2 năm. Đến khi anh lấy được "thẻ xanh" 10 năm, Tiffany nhận 5.000 USD cuối cùng vào họ ly hôn.

Trong lúc đó, "vợ hờ" Tiffany cũng cẩn trọng không đăng lên mạng xã hội những hình ảnh của cô và người bạn trai thật.

"Không có lịch trình gặp gỡ thường xuyên. Chúng tôi cũng không phải hôn nhau, kể cả trong đám cưới", cô nói.

Vì văn hóa Việt Nam không đòi hỏi các cặp đôi phải thể hiện tình cảm công khai, không ai thắc mắc về đám cưới của Steve và Tiffany. Lúc họ đi nghỉ trăng mật tại Las Vegas, Tiffany được mang theo một người bạn để cùng cô trải qua kỳ nghỉ miễn phí.

 132 2 Nhung Cuoc Hon Nhan Gia Vi The Xanh Trong Cong Dong Nguoi Viet O My

Một số cặp đôi kết hôn giả thậm chí không sống chung với nhau. Ảnh minh họa: Reuters.

Cô nghĩ rằng mình và Steve sẽ không bao giờ bị lộ, "vì họ có giáo dục và có công ăn việc làm".

"Tôi không làm gì sai cả", cô nói. "Lý do chúng tôi vượt qua (cuộc phỏng vấn với giới chức) là vì chúng tôi đều làm việc và đóng thuế. Chúng tôi có trách nhiệm và đóng góp cho cộng đồng".

"Vở kịch" đi chệch hướng

Trong trường hợp của Tiffany, đó rõ ràng là một cuộc hôn nhân giả. Thế nhưng, mọi thứ phức tạp hơn khi hai người sống cùng nhau. Tại một trạm gác của hải quân ở Bờ Đông, Alex, 25 tuổi, đang làm giấy tờ ly hôn sau khi cuộc hôn nhân của anh "đáo hạn". Năm ngoái, Alex hỏi một số người bạn liệu họ có muốn kết hôn với anh, để anh được sống ngoài doanh trại hay không. Đó là chế độ chỉ dành cho quân nhân đã có vợ. Người vợ giả sống với anh ta trong một căn hộ mà không phải chia tiền nhà, trong khi được chăm sóc y tế miễn phí.

Megan là người đã đồng ý về sống cùng Alex, sau vài lần gặp nhau.

"Chúng tôi kết hôn và có một căn hộ. Chúng tôi hẹn hò trong lúc kết hôn. Nhưng mọi thứ không được như mong đợi", Alex nói. "Cô ấy có cảm xúc. Cô ấy cần tôi nhiều hơn tôi cần cô ấy. Việc đó không công bằng cho cô ấy".

Thế là họ nộp đơn ly hôn và Megan chuyển ra ngoài. Dù vậy, cô lần lữa việc hoàn tất ly hôn cho đến khi cô tự chi trả được chi phí bảo hiểm.

"Giờ chúng tôi liên hệ nhau ở mức tối thiểu", anh nói.

 132 3 Nhung Cuoc Hon Nhan Gia Vi The Xanh Trong Cong Dong Nguoi Viet O My

Trong bộ phim The Proposal (2009) của đạo diễn Anne Fletcher, nhân vật do Sandra Bullock đóng phải giả đính hôn với nhân viên của mình (do Ryan Reynolds thủ vai), nhưng cuộc hôn nhân giả này kết thúc bằng hôn nhân thật. Trường hợp của quân nhân Alex thì không được vậy. 

Gia đình Alex không hề biết chuyện anh đã kết hôn và sống với một phụ nữ trong 8 tháng. Nhưng cũng tương tự bạn bè của Tiffany, những người bạn trong quân ngũ của Alex xem các cuộc hôn nhân giả là chuyện bình thường.

"Tôi biết 4 hoặc 5 cặp khác trong quân đội cũng thế", Alex nói. "Phần lớn là những cặp quân nhân cưới nhau, một cặp là kết hôn đồng tính - trên thực tế, họ 'thẳng' và hẹn hò phụ nữ".

Trừ hai người bạn dị tính nhưng kết hôn đồng tính, phần lớn những cặp vợ chồng giả thử hẹn hò nhau. Đôi khi họ yêu nhau thật.

"Thậm chí có một cặp vợ chồng tôi biết đã nói thật với bố mẹ họ và đi đến một mối quan hệ tốt đẹp. Giờ tôi xem đó là một cuộc hôn nhân bình thường".

Dù cuộc hôn nhân của Alex kết thúc luôn tình bạn giữa hai người, Alex, cũng như Tiffany, đồng ý rằng kết hôn giả là giải pháp cuối cùng chứ không phải chuyện đi kinh doanh.

"Chi phí y tế tăng rất nhanh", Alex nói. "Tôi nghĩ số người kết hôn giả sẽ giảm nếu quân đội để mọi người sống ngoài doanh trại, không ép chúng tôi vào những ô lập phương bé tí - nếu họ coi chúng tôi như con người".

Những người trẻ tuổi kết hôn để có công việc hoặc bảo hiểm không phải vì họ không tôn trọng hôn nhân. Cả Alex và Tiffany đều mong được kết hôn thật sự một ngày nào đó. Nhưng trước mắt, họ cần một cuộc hôn nhân giả để vượt qua cuộc sống hiện tại.

(*) Tên nhân vật trong bài đều đã được thay đổi.

Vy Xuân (Theo MIC)

Nguồn: news.zing.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày