Những chiếc nem “cứu” đời chàng trai Việt bị lừa sang châu Phi

Những chiếc nem nhỏ bé, tưởng chừng đơn thuần lại trở thành “vị cứu tinh” của một người đàn ông Việt trên mảnh đất châu Phi xa xôi. Đó là câu chuyện về cuộc đời chàng trai Hồ Văn Dương mưu sinh ở đất nước Senagal.

1 Nhung Chiec Nem Cuu Doi Chang Trai Viet Bi Lua Sang Chau Phi

Anh Hồ Văn Dương gặt hái được thành công nho nhỏ nhờ món nem rán ở đất nước Senegal.

Những chiếc nem nhỏ bé, tưởng chừng đơn thuần lại trở thành “vị cứu tinh” của một người đàn ông Việt trên mảnh đất châu Phi xa xôi. Câu chuyện về chàng trai Hồ Văn Dương lập nghiệp kỳ diệu với những chiếc nem rán giữa thủ đô Senagal đã khiến nhiều người cảm phục. Đồng thời, anh cũng trở thành đại diện góp phần vào quảng bá nền ẩm thực, tinh hoa đáng tự hào của người Việt Nam.

18 năm lưu lạc nơi xứ người

Anh Hồ Văn Dương (SN 1973) là một người Việt bán nem rất nổi tiếng ở Thủ đô Dakar (Senegal), từng trở thành nhân vật trên báo Mỹ. Dương bán nem rất chạy và được nhiều người Senegal yêu mến, nhưng hành trình để có được những thành quả như hiện tại là quãng thời gian đầy cay đắng, khắc nghiệt mà anh đã trả qua nơi xứ người. Anh nhận mình là người may mắn, nhưng sẽ chẳng có may mắn nào đến đối với một người không biết phấn đấu và vươn lên.

Khoảng năm 2003, vì nhiều chuyện buồn nên Hồ Văn Dương quyết định đi một nơi nào đó thật xa, rời bỏ mảnh đất quê hương. Dương khi đó đã tin lời một người đàn ông nói có thể đưa anh qua Pháp. Theo lời giới thiệu, Dương đã gom hết tiền bạc để mơ về một cuộc sống đầy đủ, công việc tốt tại nước Pháp hoa lệ.

Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh, anh ngỡ ngàng khi biết mình bị lừa tới Bờ Biển Ngà (Cộng hòa Côte d’Ivoire, châu Phi), rồi bị nhét vô quán cơm bé xíu làm việc rất cực khổ. Gần 1 năm sau, ở nơi đó xảy ra chiến tranh. Từ Thủ đô của Côte d’Ivoire, anh Dương chạy loạn sang nước láng giềng Senegal.

Ở đây, may mắn Dương tìm và xin được vào làm ở quán ăn Việt Nam của một người phụ nữ Pháp. Dương khi đó chỉ cần mình có nơi để ngủ, có chỗ kiếm được cái ăn, Dương chấp nhận để có thể sống ở một nơi mà tới một từ tiếng Pháp, một từ địa phương cũng không biết, càng chẳng có mối quan hệ nào.

Nhớ lại mối nhân duyên đó, anh Dương vẫn đầy hạnh phúc: “Khi gặp bà chủ, tôi đã rất mừng như người chết đuối vớ được cọc. Vì tôi nghĩ, cơ hội gặp được người hiểu tiếng mình nói như bà ấy ở Dakar, thật sự quá mong manh”.

Hàng ngày, công việc của anh Dương bắt đầu từ sáng đến đêm, quay cuồng trong đống bát đĩa ngổn ngang. Cửa hàng của bà chủ khi đó khá đông khách nhưng cũng chỉ có một mình anh Dương rửa bát đĩa. Nơi rửa bát là trên nóc nhà,cái nắng của Senegal khiến bất kỳ ai cũng muốn đổ gục. Tay chân anh Dương ngâm nước nhiều nên bạch đi và nhăn nheo lại.

Khi đó, ước mong của anh Dương chỉ là muốn kiếm được 2.000 USD để mua được một tấm vé máy bay về Việt Nam. Bởi mỗi lần đứng trên nóc nhà nhìn về phía biển xanh ngắt, anh Dương lại nhớ nhà và cảm thấy cô đơn tột cùng.

Món nem nổi tiếng thủ đô Dakar

Anh Dương làm ở nhà hàng được mấy tháng, bà chủ nhà quyết định đóng quán để về Pháp. Khi đó, bà chủ đã hứa cho anh Dương chiếc tủ lạnh nhỏ để buôn bán, nhưng lời hứa đó chưa bao giờ được thực hiện. Tuy nhiên, thay vào đó, bà chủ quán lại dạy cho anh Dương công thức làm nem rán Việt Nam. Tới giờ khi nghĩ lại, anh Dương vẫn quả quyết rằng: “Cái đó còn quý hơn cả 10 chiếc tủ lạnh, vì từ đó, mình mới có cái nghề để mà kiếm sống”.

Tại Senegal, người dân chủ yếu theo đạo Hồi nên không ăn thịt lợn, bởi vậy anh Dương phải thay bằng thịt bò. Để có thể bán được hàng và khiến người ta yêu thích món nem của mình, ngay từ khâu chọn nguyên liệu, anh Dương cũng vô cùng cẩn thận. Nguyên liệu anh Dương lựa chọn phải đạt tiêu chuẩn ngon và chất lượng, từ củ hành đến nước mắm. Không những thế, nếu bình thường, nem chỉ được cuốn bằng một chiếc bánh tráng thì anh Dương dùng hai, để gói được nhiều nguyên liệu, giúp chiếc nem lớn hơn.

“Bởi vì mình lấy tiền của người ta. Mình phải làm cho người ta ăn ngon để còn ăn tiếp. Chứ không phải chỉ biết nghĩ cho mình rồi bớt ít thịt, củ hành lại. Có tiếng, có bí quyết là ở chỗ đó”, anh Dương chia sẻ.

Ban đầu, vì còn khó khăn nên anh Dương chỉ thuê một căn phòng rộng chừng 2m2, vừa là nơi để ở, vừa là nơi kinh doanh.

2 Nhung Chiec Nem Cuu Doi Chang Trai Viet Bi Lua Sang Chau Phi

Để món nem rán phù hợp với khẩu vị và văn hóa bản địa anh Dương đã phải thay đổi thịt lợn thành thịt bò.

Lúc đầu, anh bán tại cổng trường học. Dù rất đắt khách nhưng quầy hàng nhanh chóng bị công an “tuýt còi” vì dùng ga, gây nguy hiểm. Anh cũng thử rán sẵn ở nhà rồi đem đi bán nhưng nem nguội và không giữ được vị ngon.

Về sau, Dương dựng tạm một bàn nhỏ trên vỉa hè. Khách đông dần, công việc thuận lợi hơn, người đàn ông này thuê một mặt bằng ngay trục đường chính. Nhờ biết quan sát và tính cách chân thật, sống hòa thuận với người dân mà vốn ngôn ngữ bản địa của anh cũng nhiều dần, để giao tiếp hằng ngày.Tiếng lành đồn xa, người dân trong khu vực không ai không biết đến món nem của người đàn ông đến từ Việt Nam này. Biệt danh Dương Nem cũng xuất phát từ đó.

Tuy nhiên, từ ngày đầu anh Dương cũng gặp không ít khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm, anh Dương đã bị nhiều người lừa gạt. Anh Dương nhớ nhất có lần, một người bản xứ tới đưa danh thiếp, hẹn lấy 300 chiếc chả giò. Chiều 5h anh ta tới lấy cả thùng chả giò rồi đi luôn, không trả tiền. Anh Dương sau đó gọi điện qua số trên danh thiếp thì không liên lạc được nữa.

“Những ngày đầu khi chưa có tiền thì bắt xe buýt đi chợ. Có tiền hơn xíu thì gom góp mua chiếc xe máy “ghẻ”. Trời mưa trời gió nó bị hỏng, một mình tôi đẩy xe hàng nặng trĩu giữa đường mưa trơn trượt. Nghĩ tới những ngày tháng ấy sao mà thấy cực!”, anh Dương nhớ lại những khó khăn ngày đầu mới lập nghiệp.

Ngoài ra, do công việc bận rộn từ sáng đến tôi đêm, anh Dương cho biết mỗi ngày chỉ kịp ăn một bữa. Sống nơi xứ người, không bạn bè thân thích, người đàn ông này chỉ tập trung làm việc, nỗ lực không ngừng.

Dẫu vậy, anh vẫn dành thời gian thăm lại ngôi làng cũ, nơi có bố mẹ nuôi đã cưu mang mình trong thời gian đầu lưu lạc. Món quà kèm theo không thể thiếu chính là những hộp nem rán do anh tự làm.

Sau một thời gian bán nem rán và được nhiều người yêu thích, anh Dương mới tích góp được một ít tiền để bay về Việt Nam thăm gia đình. Mọi người ở quê mai mối cho anh một người phụ nữ hiền lành để lấy làm vợ.

Kết hôn rồi, anh đưa vợ sang Senegal tiếp tục công việc làm ăn nhưng sau một thời gian không thích nghi được với cuộc sống nơi xứ người, chị quyết định trở về quê, còn anh tiếp tục một mình ở lại bươn chải, tất cả vì “miếng cơm manh áo”.

Từ đó, một năm đôi ba lần anh Dương về Việt Nam thăm vợ con rồi quay trở lại Senegal tiếp tục công việc bán nem rán. Những người thân tiễn anh đi vì họ nghĩ anh đi là để kiếm tiền nhưng không phải ai cũng hiểu thấu được nỗi cô đơn của anh nơi đất khách quê người.

Ngoài bán nem rán, anh Dương cũng bán thêm bánh gối, tôm chiên. Khách đông nên doanh thu trừ đi chi phí thuê cửa hàng và nhân công thì cũng ổn. Vì anh Dương không xa xỉ nên không lo tài chính. Nhờ những chiếc nem rán mà giờ đây anh Dương đã có nhà ở Gò Vấp (TP HCM) và nhà ở Dakar. Chủ yếu tiền kiếm được anh Dương gửi về phụ cấp gia đình và nuôi hai con.

Hiện tại, đất nước Senegal đã cấp thẻ xanh và cho phép anh Dương nhập tịch nước họ mà không cần cắt quốc tịch Việt. Cũng có người khuyên anh nhập quốc tịch nước người ta, rồi định cư hẳn ở đây. Nhưng đối với anh Dương, anh không muốn sống ở Senegal suốt đời. “Nói thật lòng, tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền, mơ ước một vài năm nữa có nhiều tiền sẽ lại về Việt Nam sống”, anh Dương dốc bầu tâm sự.

Nguồn: Vũ Vũ/ baophapluat.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày