Lớp học tiếng Việt mang tên "Quê hương" ở thành phố Ekaterinburg tạo ra bầu không khí mới mẻ cho cộng đồng tại đây.
Những đốm lửa nhỏ ở Nga
Theo số liệu Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện có khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Nga, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Moscow, St.Petersburg, Yekaterinburg, Ufa, Ulyanovsk... và phần lớn sinh sống bằng nghề bán buôn ở chợ.
Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, song trong nhiều năm qua ở Nga phong trào này vẫn chưa được như mong đợt. Thật ngạc nhiên khi ở một thành phố hiện đại như Moscow hiện vẫn chưa có lớp dạy tiếng Việt cho người Việt hoạt động chính thức.
Chia sẻ những khó khăn về vấn đề dạy tiếng Việt ở xứ sở bạch dương, anh Ngọc Cương – Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng ở Moscow cho biết, hiện con em người Việt đi học ở các trường Nga chỉ thích giao lưu với bạn bè Nga, bởi vậy dễ dàng quên đi tiếng mẹ đẻ. Đây các nỗi lo chung của những người làm lãnh đạo các hội đoàn cũng như nhiều bậc phụ huynh khi nghĩ đến giáo dục cho con em về văn hóa nguồn cội.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những lớp học nhỏ được mở ra từ tấm lòng của những giáo viên tình nguyện. Đó là lớp học tiếng Việt được Ban Giám hiệu Trường Phổ thông 282 cho mượn địa điểm cùng với sự giúp đỡ tận tình của Hội phụ huynh của Trường. Để việc học tiếng Việt có hiệu quả hơn, nhà trường còn dành một căn phòng rộng 65m2 để lập Góc Việt Nam, trong đó trang bị sách báo, tranh ảnh và trưng bày các hiện vật về văn hóa và lịch sử đất nước như những giáo cụ trực quan để dạy cho các em.
Hay tại Ekaterinburg, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cùng các hội đoàn người Việt Nam đã mở lớp học tiếng Việt mang tên "Quê hương" cho con em cộng đồng người Việt từ đầu năm 2018. Lớp học đã tạo ra bầu không khí mới mẻ và vui tươi cho bà con cũng như cho các học sinh. Ngay trong những tháng đầu, lớp học đã thu hút gần 30 em ở nhiều lứa tuổi đến lớp.
Chương trình học của lớp được giảng dạy theo giáo trình của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cung cấp. Các tiết học được thiết kế rất sinh động, xen lẫn học và chơi. Bên cạnh giờ học chữ, các em được trải nghiệm các trò chơi dân gian, tìm hiểu về truyền thống dân tộc, được học múa, học hát. Đến nay, sau hơn một năm, khả năng đọc, viết và hiểu tiếng Việt của các em đã tốt hơn rất nhiều. Kết quả này giúp củng cố niềm tin của cộng đồng trong việc duy trì tiếng Việt cho con em mình tại Nga.
Hiện có gần 50 học sinh được chia thành bốn nhóm theo học các lớp tiếng Việt tại Kiev, Ukraine.
Giải tỏa trăn trở ở Ukraine
Nhìn vào sự bất ổn của Ukraine từ mấy năm nay, cơ hội tìm việc làm của con em người Việt vô cùng khó khăn. Không ít bậc cha mẹ đã hướng cho con học xong sẽ trở về Tổ quốc tìm việc. Tuy nhiên, điều buồn nhất là có nhiều cháu, dù tốt nghiệp xuất sắc ở các trường bên này, nhưng vì không đủ vốn tiếng Việt nên đã bị loại khi phỏng vấn xin việc.
Có một thực tế ở Ukraine là khi chưa đến tuổi đi học, trẻ em người Việt nói tiếng Việt khá trơn tru lưu loát, nhưng khi đi học rồi, tiếng mẹ đẻ ngày càng kém đi. Theo nhiều người Việt sinh sống tại đây, hiện trong các sự kiện cộng đồng hoặc gặp gỡ các gia đình, thế hệ con cháu thường túm tụm thành nhóm riêng và hầu như không sử dụng tiếng Việt để giao tiếp.
Chẳng hạn ở Kiev, theo chia sẻ của anh Hồ Sỹ Trúc – Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh, người Việt sống rải rác ở các căn hộ, chứ không tập trung thành làng như ở thành phố Kharkov hoặc Odessa nên giao lưu giữa con trẻ cũng ít nhiều bị hạn chế. Trẻ em sống trong môi trường học với các bạn là người bản địa, học tiếng bản địa, nhất là càng lên lớp trên phải học thêm nhiều ngoại ngữ khác cũng ảnh hưởng tới tiếng Việt. Có những gia đình, phụ huynh phải dùng tiếng Nga nói chuyện với con vì con không hiểu hết tiếng Việt. Đáng lo hơn, trẻ em Việt tại Kiev không được học tiếng Việt từ bậc tiểu học vì thiếu thầy, cô giảng dạy theo giáo trình cơ bản một cách hệ thống.
Thế nhưng, gần đây nỗi trăn trở ấy của rất nhiều người Việt đã được giải tỏa phần nào bằng lớp tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt tại Trung tâm Ngoại ngữ Up & Go, Trường PTTH số 308. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Người Việt Nam thành phố Kiev, lớp tiếng Việt đã được mở lại từ tháng Chín năm ngoái và hiện có gần 50 học sinh được chia thành bốn nhóm theo độ tuổi, học từ thứ Ba đến thứ Sáu hàng tuần.
Sự thành công của những lớp học này có công sức của những cô giáo nhiệt huyết như cô Hà Thị Vân Anh - giảng viên tại Khoa ngữ văn, Viện ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Kiev mang tên Taras Shevchenko, nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý...
Không chỉ Kiev, ở thành phố Odessa cũng có lớp tiếng Việt tại trường Đại học Y. Đặc biệt tại Kharkov, Trường bán trú Mẫu giáo và Tiểu học Mùa Xuân thành lập năm 1997 cũng là trường duy nhất dành cho con em cộng đồng người Việt tại Ukraine được đăng ký chính thức theo hệ thống giáo dục Ukraine, với các cán bộ quản lý và giáo viên mời từ Việt Nam sang.
Nhờ có hoạt động của nhà trường, số lượng con em kiều bào đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ và hiểu về văn hóa dân tộc chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng Việt Nam tại Kharkov.
Các em nhỏ ở Belarus luôn mong chờ ngày cuối tuần để được gặp nhau, được học và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Kiên trì gieo chữ ở Belarus
Giống như Nga hay Ukraine, thời gian qua, việc dạy và học tiếng Việt tại Belarus đang từng ngày nỗ lực cải thiện khó khăn. Có thể nói, cả cộng đồng người Việt tại đây đã và đang đồng sức đồng lòng để tiếp tục sự nghiệp gìn giữ hồn Việt nơi xứ người.
Điểm sáng ấy chính là hai lớp tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt tại Belarus tổ chức cho con em cộng đồng tại Thủ đô Minsk được khai giảng vào ngày 24/7/2016. Trải qua ba năm học, các em nay đã có thể đọc, viết và không ngại giao tiếp với cha mẹ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Các em luôn mong chờ ngày cuối tuần để được gặp nhau, được học và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Mới đây, trong chuyến thăm Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm lớp học tiếng Việt tại đây. Chủ tịch Quốc hội xúc động khi tận mắt chứng kiến lớp học khang trang, nhìn các cháu học sinh từ 7-16 tuổi cất lên lời ca, đọc thơ bằng tiếng Việt, biểu diễn các tiết mục văn nghệ của quê hương...
Ở Minsk có hơn 600 người Việt, chủ yếu ở lại Belarus sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Thế hệ thứ hai đã sinh ra trên mảnh đất này trong những năm đầu thế kỷ XXI. Công việc của bà con ta ở nơi xa xứ đâu cũng vậy, bận rộn quanh năm ngày tháng không cho phép họ có thời gian dạy bảo cặn kẽ những giá trị Việt cho con em mình, trong đó có tiếng mẹ đẻ.
Mặc dù việc dạy tiếng Việt ở Belarus còn gặp rất nhiều khó khăn về giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, nhưng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, Hội Người Việt tại Belarus tiếp tục động viên gia đình có các cháu tham gia lớp học, Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ để cộng đồng tại Belarus đưa con em đến lớp học tiếng Việt.
Nguồn: An Bình/ baoquocte
© 2024 | Thời báo ĐỨC