1 năm, chúng tôi vẫn chưa thể nào tin nổi nhưng vẫn cứ phải chấp nhận một sự thật là mình đã đau đớn dứt áo chia ly, phải ăn gửi nằm nhờ chưa biết đến khi nào. 1 năm dù có được sự hỗ trợ hết lòng của chính phủ Đức nhưng chúng tôi chỉ mong ngày hòa bình để trở về Ukraine...
1 năm chiến sự, người Việt ở Ukraine dù đã lánh nạn về quê hương hay tại các nước trên thế giới đều đau đáu hướng về Ukraine nơi đã gắn bó với bao thế hệ người Việt. Ukraine đã là quê hương thứ hai cưu mang chúng tôi suốt thời gian qua.
Riêng người Việt ở Ukraine lánh nạn sang Đức đã dần dần hội nhập với cuộc sống của nước sở tại. Nhiều người theo lớp học tiếng Đức, có người làm việc tại các khách sạn, tại các nhà máy xúc xích, công ty sushi, các quán ăn... Những người có con nhỏ cũng ổn định cuộc sống, trẻ em được tới nhà trẻ, trường phổ thông và đại học...
Vợ chồng tôi cũng quen dần với cuộc sống mới. Chồng tôi đi làm tại công ty sushi từ tháng Sáu. Mới đầu chưa quen đứng cả ngày nên máu dồn xuống chân khá đau. Thêm nữa "thời gian thử thách" phải đi làm xa, giao thông không thuận tiện nên khá vất vả. Sau 4 tháng thì chồng tôi đã được chuyển về địa điểm gần nhà hơn, do quen việc nên thời gian làm việc ngắn hơn, thoải mái tinh thần hơn.
Bản thân tôi đi học tiếng Đức được 2 tháng sau đó lớp tạm dừng chờ năm học mới nên tôi đi giúp vợ chồng đứa cháu của bạn tôi trông nom nhà cửa con cái. Sau 6 tháng thì cháu đưa mẹ sang đoàn tụ nên tôi mới có chút thời gian rảnh rỗi.
Tác giả Đỗ Thị Hoa Lý (giữa), Tanhia và Tamara (đeo kính)
Nói về trải nghiệm công việc của tôi khá thú vị khi ở tuổi ngoài 50 tôi lại trở thành "mẹ", nhiều đêm thức giúp cháu trông con ốm. Lúc bắt đầu công việc là 2 thằng cu 2 tuổi và 11 tháng nên rất vất vả. Thằng lớn đang phát triển trí tò mò, thằng bé chập chững biết đi phải dắt nó tập đi đến chóng mặt, 2 thằng như "quỷ sứ" nhưng rất vui. Tôi cũng may mắn được các cháu coi như người nhà nên tinh thần thoải mái. Sau "thời gian tập sự" tôi có thể khẳng định rằng mình làm giáo viên mầm non không tệ.
Đồ ăn thức uống chủ yếu là đi siêu thị, thi thoảng mua một đợt "hàng Châu Á" cho cả tháng nên không khác Việt Nam bao nhiêu. Cũng nhờ vậy mà công cuộc bếp núc của tôi được cải thiện đáng kể.
Nhiều lúc tôi nghĩ, trong cái rủi mình vẫn còn may mắn là an toàn khỏe mạnh, suy nghĩ tích cực và cố gắng sống tốt nhất trong khả năng có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù sao ta cũng chỉ là một sinh linh rất nhỏ bé trong cuộc sống vốn rất vô thường này...
Tôi mới về nghỉ ngơi được 10 ngày. Hôm nay, tôi hẹn đi cà phê với Tanhia và Tamara là 2 cô bạn người Ukraine cùng nhập trại với chúng tôi. Gần 1 năm, kể từ tháng 5/2022 cho tới giờ 3 chị em mới có dịp gặp lại nhau. Tôi lớn tuổi nhất và là người Việt Nam nhưng giữa chúng tôi hầu như không có khoảng cách. Hội ngộ bất ngờ sau 1 thời gian vật lộn để hòa nhập với cuộc sống mới, chúng tôi ngồi nói chuyện suốt 3 tiếng liền. Tôi lắng nghe 2 người phụ nữ Ukraine kể về những trải nghiệm của họ.
Tanhia 45 tuổi đến từ Poltava cùng 2 con trai học lớp 4 và lớp 3. Bố của Tanhia vừa sang thăm con gái và các cháu hôm 9/2 nhưng đã đòi quay trở lại Ukraine nơi vùng Zaporozhye rất nóng trong những ngày đầu của cuộc chiến. Ông muốn về để lo thả đàn ong bay đi kiếm mật sau kỳ nghỉ đông. 2 đứa trẻ đều đến trường nhưng không tha thiết việc học mà chỉ đòi về Ukraine.
Còn Tamara 36 tuổi đến từ Kramatorsk cùng con trai đang học lớp 3, con gái tuổi mẫu giáo nhưng thời điểm này các nhà trẻ của Đức không tiếp nhận trẻ em mới nên con gái cô ấy được bên xã hội trả tiền cho bảo mẫu trông nom. Mẹ của Tamara vừa mất do ung thư mà không gặp mặt được lần cuối nên cô ấy rất buồn. Tình hình ở quê nhà cũng căng thẳng vì lực lượng quân sự tập trung ở cách nhà cô ấy có 24km. "Sẽ rất nóng trong thời gian này" - Tamara nói vậy.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý và tiết dạy tiếng Việt cuối cùng ở Kiev trước khi chiến tranh xảy ra.
Cả Tanhia và Tamara đều học lớp tiếng Đức mỗi tuần 4 buổi. Chi phí sinh hoạt, nhà cửa, học hành đều do chính phủ Đức hỗ trợ. Chúng tôi nói với nhau rằng cho đến tận giờ phút này vẫn không thể tin là chiến tranh đã xảy ra được 1 năm. Tôi cứ nghĩ mình đi lánh nạn khoảng 1 tháng thôi, Tamara thì tính chừng 3 tháng còn Tanhia thì không muốn tin vào sự thật...
Vâng, không ai muốn tin vào sự thật đó.
Gần như khắp nơi trên đất nước thấm máu người Ukraine, máu của người nước ngoài sát cánh cùng Ukraine.
Được biết, đánh dấu 1 năm cuộc chiến, khắp các thành phố lớn trên nước Đức sẽ mit tinh phản đối cuộc chiến này. Ở Dortmund sẽ tổ chức vào hồi 18:30 ngày 24/2. Người tham dự sẽ mang theo nến, mặc trang phục tối màu để tưởng niệm những người đã ngã xuống cho mảnh đất Ukraine, ủng hộ hòa bình.
Hơn ai hết chúng tôi mong mỏi hòa bình, khao khát ngày trở về với mảnh đất yêu thương ấy. Ukraine vinh quang và bất diệt!!!
Ngôi nhà giữa cánh đồng trong đó có căn hộ của chúng tôi được xã hội trợ cấp sinh hoạt.
Còn nhớ chiều 23/2 năm ngoái tôi dạy tiếng Việt xong, về đến nhà là hơn 8h tối không ngờ đó là buổi học cuối cùng của lớp tiếng Việt trường Hồ Chí Minh thành phố Kyiv. Sáng 24/2 bàng hoàng trước tin chiến sự.
Cứ nghĩ sẽ nhanh chóng trôi qua, mọi thứ sẽ trở lại bình thường nhưng không thể ngờ tất cả đã trở thành dĩ vãng. Biết bao nhiêu tâm huyết dở dang. Dự định hết năm học cũng sẽ hoàn thiện giáo trình song ngữ Việt - Ukraine đã viết được kha khá rồi tan thành mây khói.
Ước gì không có chiến tranh để lớp tiếng Việt vẫn hoạt động và đạt được những kết quả mong muốn. Nhớ biết bao những gương mặt thơ ngây của học trò. Nhớ những tình cảm thân thương của đồng nghiệp.
Những trang vở mới viết chưa được bao nhiêu. Những trang sách chưa mở hết. Những bộ sách còn chưa kịp dùng đến...
Hoài niệm những tháng ngày tươi đẹp đã trôi đi...
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC