Anh Jonathan Nguyễn, người vừa có một trải nghiệm tệ hại hơn là ác mộng trong chuyến du lịch Thái Lan mới đây. (Hình: Facebook Jonathan Nguyễn)
Anh Jonathan, hiện đang ở San Francisco, vừa trải qua một kinh nghiệm anh nghĩ là “tệ hại hơn cả ác mộng;” và anh muốn câu chuyện của anh được nhiều người biết đến, như một lời cảnh báo để tất cả đề phòng khi đi du lịch ở Thái Lan hay một quốc gia nào khác.
Bất ngờ ‘phải vào bệnh viện’
Theo lời anh Jonathan, người vượt biên sang Mỹ từ năm 1980, thì Thái Lan là nơi anh đi đến hằng năm, mỗi năm đôi ba lần.
Anh kể, “Sáng hôm đó là Thứ Tư, 2 Tháng Năm, tôi ra phi trường Bangkok ‘check in’ với hãng ANA để trở về Mỹ. Tôi vốn ra vô Thái Lan hằng năm nên mọi chuyện đều rất bình thường. Tuy nhiên, tôi có cái chân bên phải hay bị sưng từ nhiều năm nay, nên lúc ‘check in’ bao giờ tôi cũng xin chỗ ngồi ở hàng ghế trên cùng, có thì họ cho không thì thôi, chuyện rất bình thường chứ không phải là điều gì đặc biệt, bất thường hết.”
“Sau đó tôi vô nhà vệ sinh. Lúc đi ra thì tôi thấy có một nhóm người làm ở sân bay chờ sẵn, họ nói tôi cần kiểm tra sức khỏe, rồi họ cho tôi lên cái xe đẩy vô phòng y tế. Khi đẩy vô thì có một người chích cái gì đó vô tay tôi,” anh kể tiếp.
Người đàn ông ngoài 50 tuổi này cho rằng, “Thật sự lúc đó tôi không hề nghĩ có chuyện lừa gạt hay gì bí hiểm hết. Không nghĩ gì hết.”
Ngay khi về Mỹ, anh Jonathan Nguyễn viết ngay lời cảnh báo về chuyến đi của mình trên Facebook cho bạn bè cùng biết. (Hình: Facebook Jonathan Nguyễn)
Anh nhớ lại, “Sau khi họ chích vào tay tôi xong thì chút xíu sau họ đưa tôi lên xe cứu thương chở vô một bệnh viện. Khi vô nhà thường thì đầu tôi cứ lùng bùng lùng bùng tại vì mình bị thấm thuốc, mà thực sự lúc đó tôi cũng không biết mình bị thấm thuốc. Sau đó họ giữ passport và lấy thẻ credit card của tôi ‘charge’ liền $4,000. Rồi họ đưa tôi vào phòng săn sóc đặc biệt.”
Theo lời anh Jonathan, anh được nhân viên y tế ở đó báo cho biết là anh có thể bị bệnh này bệnh khác và họ cần phải làm các xét nghiệm.
“Họ nói tôi có thể bị nhiễm một loại virus gì đó có thể chết trong vài giờ, rồi lại nói tôi bị suy thận, tim tôi có vấn đề, phổi có nước phải thở bằng máy oxy mắc tiền… Khi đưa vô là họ mở IV để truyền cái này cái kia, mà họ lại mở ngay cổ tôi, từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên tôi thấy người ta mở IV truyền nước biển truyền thuốc… ngay ở cổ!,” anh kể.
Tuy nhiên, anh Jonathan vẫn nghĩ rằng “đây là bệnh viện, thực sự đó là một cái bệnh viện, tên là ฝ่ายการพยาบาล At Samitivej Srinakarin Hospital, nên có lẽ mình có vấn đề gì đó nên họ mới cần kiểm tra như vậy, mặc dù trước khi đi du lịch thì bác sĩ không nói tôi bị những gì liên quan đến những bệnh đó.”
“Hai ngày đầu thực sự là tôi cảm thấy lùng bùng vì họ cứ nói mình có thể bị hết bệnh này đến bệnh khác, rồi làm chụp hình, xét nghiệm đủ thứ, và ngày nào cũng ‘nã’ tiền mình, yêu cầu mình phải trả tiền này tiền khác. Họ hỏi tôi có tiền mặt trả không, hay mỗi ngày thẻ credit của tôi có thể rút ra được bao nhiêu tiền. Họ còn đưa tôi tờ giấy để điền tên, số phone liên lạc với người thân ở Mỹ để xem họ có chuyển tiền đến trực tiếp được không, nhưng tôi từ chối điền,” anh tiếp tục câu chuyện.
“Chiếc máy thở oxy đắt tiền” mà bệnh viện ở Thái Lan nói anh Jonathan Nguyễn cần phải dùng (Hình: Facebook Jonathan Nguyễn)
Sau đó, theo lời anh kể, anh đề nghị họ cho anh về Mỹ hay chuyển anh ra phòng bình thường, thì “họ làm lơ, giống như không hiểu tiếng Anh. Rồi cứ để cho thời gian trôi qua.”
Dù không biết mình bị bệnh gì, nhưng anh Jonathan vẫn không hề mảy may nghĩ đến điều gì tệ hại đang xảy ra cho mình.
Cho đến ngày Chủ Nhật, anh kể, “Sáng ngủ dậy, tôi thấy người rất khỏe khoắn, ngồi dậy bình thường, tự đi vệ sinh, cái gì cũng tự làm được, lại không thấy chân sưng, nên lúc đó tôi nói với y tá là tôi muốn xuất viện đi về Mỹ.”
“Thế là khoảng nửa tiếng sau, họ chích cái gì đó vô. Một chút sau là hai chân tôi liệt luôn không nhúc nhích được. Lúc đó tôi mới bắt đầu biết sợ,” anh nhớ lại.
Ngay khi nhận ra điều bất thường đó, anh Jonathan gọi cho Đại Sứ Quán Mỹ tại Thái Lan, nhưng “hôm đó là Chủ Nhật, không có ai làm việc.”
“Tôi gọi nói chuyện với một người bạn, bạn tôi kêu bỏ trốn đi, coi chừng có khi nào bị bắt lấy nội tạng không. Nhưng mà chân tôi không nhúc nhích được. Lúc đó tôi không sợ bị lấy cắp nội tạng mà lại sợ họ biết tôi đã gọi đại sứ quán thì họ chích cho mình một mũi chết luôn để bịt đầu mối,” anh kể lại tâm trạng lo lắng khi đó.
Anh tiếp tục, “Đến sáng Thứ Hai, tôi gọi lại cho Đại Sứ Quán Mỹ. Nhưng sau khi gọi đến bệnh viện thì họ cũng không giúp được gì cho mình. Nhưng mà khi đó thì tôi cảm thấy yên tâm hơn, vì dẫu sao Đại Sứ Quán cũng đã biết mình ở trong bệnh viện đó nên họ không dám giết mình.”
Sau đó, một người bác sĩ vào đề nghị anh phải nằm lại thêm hai tuần để làm thêm các xét nghiệm. “Tôi nói tôi đã liên lạc với Đại Sứ Quán Mỹ và nếu thật sự cần phải làm xét nghiệm thì tôi muốn được chuyển qua một bệnh viện khác để lấy ý kiến thứ hai,” anh kể.
Theo anh Jonathan, “Chừng nửa tiếng sau khi nghe tôi nói như vậy thì một ông bác sĩ khác vô nói tôi ráng ở thêm hai ngày rồi trả tiền hết cho họ thì họ sẽ để mình đi về. Lúc đó đâu còn chọn lựa khác, tôi đồng ý.”
Thế là sáng Thứ Tư anh Jonathan được đưa ra sân bay để về Mỹ.
Chữa bệnh hay lừa đảo?
Về đến San Francisco, anh Jonathan biết số tiền mình bị tính trong thời gian bị ép vào bệnh viện tổng cộng gần $16,000.
“Giờ thì cả người tôi đều đau khi cử động. Tôi đã gọi bác sĩ lấy hẹn để đi kiểm tra xem họ đã cho tôi uống thuốc gì, chích cái gì vô người tôi, thật không thể nào tưởng tượng được một chuyện như thế có thể xảy ra, trừ khi chính mình là người vừa trải qua,” anh nói.
Trả lời câu hỏi của Người Việt, là “Giờ về đến nhà, anh nghĩ gì về chuyện đã xảy ra?” anh Jonathan cho rằng, “Thật sự đây là một sự lừa đảo để lấy tiền. Vì nếu mình đi máy bay mà có bị cấp cứu đi nữa, thì họ cũng chỉ đưa vào nhà thương kiểm tra và nhắm thấy mình có thể tiếp tục chuyến bay là họ cho mình bay tiếp, rồi chuyện điều trị gì về sau là chuyện của mình. Còn đây thực sự là họ ‘nã’ tiền mình.”
Theo nhận xét của “nạn nhân” này thì “Họ chọn mục tiêu là những người có vấn đề về sức khỏe, rồi họ đưa vô yêu cầu làm những xét nghiệm này kia. Nhìn dưới con mắt luật pháp thì có vẻ họ hoàn toàn hợp pháp, vì thực sự họ có xét nghiệm, chụp hình, cho uống thuốc, mà mình thì không biết là thuốc gì… nhưng điều đó mình đâu có cần, họ ép mình làm để nã tiền mình, trong thời gian chờ kết quả thì họ cứ tính tiền mình. May là tôi còn biết tỉnh táo để liên lạc với Đại Sứ Quán Mỹ, chứ nếu như rơi vào trường hợp người lớn tuổi, không rành tiếng Anh mà lại bị dọa như vậy thì ai dám làm gì họ.”
“Vậy, nếu giả sử bị rơi vào trường hợp này một lần nữa thì anh nghĩ nên làm gì?” Người Việt hỏi tiếp.
“Thực sự lúc đầu khi bị đưa vô nhà thương thì đâu ai nghĩ đến chuyện gọi Đại Sứ Quán làm gì, vì họ đã làm cái gì mình đâu mà gọi. Nhưng đến khi họ chích thuốc vào khiến hai chân tôi tê liệt đi thì tôi mới bắt đầu sợ và gọi. Và cũng vì tôi báo cho họ biết tôi đã gọi Đại Sứ Quán Mỹ cũng như yêu cầu chuyển tôi qua bệnh viện khác nên họ mới chịu cho tôi về. Thế nên tôi nghĩ, nếu đi du lịch mà bị giữ lại vì vấn đề y tế thì chỉ cần qua ngày hôm sau là nên gọi ngay cho Đại Sứ Quán Mỹ để được an toàn,” anh Jonathan chia sẻ kinh nghiệm.
Ngọc Lan/Người Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC