Người Việt làm nail ở Mỹ: Dính vào thì khó rút chân ra

Nghề làm nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có một ma lực khủng khiếp. Bất kể bạn là cô gái đang thanh xuân đẹp đẽ hay người sắp 60 gối mỏi tay run, một khi đã sống được với nail rồi thì khó rút chân ra.

Nghề dễ kiếm tiền nhưng bạc bẽo

Nhiều bạn bè ở Việt Nam, sắp sang Mỹ định cư hay hỏi tôi:

– Nghề nào dễ kiếm tiền nhất ở Mỹ?

– Làm nail.

– Nghề nào cực nhất ở Mỹ?

– Làm nail.

– Nghề nào dễ nổi khùng nhất ở Mỹ?

– Làm nail.

– Nghề nào bạc nhất nước Mỹ? Làm nail luôn hả?

Họ tự hỏi rồi cũng tự trả lời luôn. Theo nhiều nguồn báo chí, ngôi sao Hollywood – Tippi Hedren, nữ chính của bộ phim kinh dị The Birds, là người khởi xướng cho nghề nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Vào khoảng thập niên 1970, khi còn là một nhân viên cứu trợ quốc tế, trong chuyến tới thăm làng Hy Vọng ở thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, bà gặp khoảng 20 phụ nữ Việt Nam tỏ vẻ yêu thích bộ móng tay của mình. Hedren giúp họ học nghề làm móng bằng cách mỗi tuần đưa thợ tới dạy nghề và thuyết phục trường Citrus Heights Beauty nhận 20 phụ nữ gốc Việt làm sinh viên để được hành nghề một cách chính thức.

132 1 Nguoi Viet Lam Nail O My Dinh Vao Thi Kho Rut Chan Ra

Và trong vòng 40 năm, từ 20 người phụ nữ đầu tiên đó, nghề nail đã trở thành một “đế chế quyền lực” của người Việt trên đất Mỹ. Người Việt sở hữu tiệm nail khắp mọi nơi từ miền Florida, Houston nắng ấm, tới tiểu bang California trù phú, băng ngang Midwest đầy bão tố, lên miền New England lạnh lẽo của Maine, New Hampshire hay sang khu vực Washington, D.C. ắp đầy lịch sử. Đâu đâu cũng thấy người Việt mở tiệm và làm thợ, đánh bạt những tiệm nail khác bởi sự khéo tay, nhã nhặn và cần cù.

Thời điểm cực thịnh nhất của nghề nail là những năm 1980 tới trước năm 2008. Nhà nhà làm nail, người người làm nail. Một bộ full-set ngày đó tới 50 USD. Tiệm nào cũng đông nườm nượp khách.

Nhưng từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng, nghề nail cũng suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp. Các chủ tiệm cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuống cực thấp để hút khách về mình. Bộ full-set giảm xuống còn 30 USD, có nơi chỉ 20 USD. Nhiều người làm nail thường mua nhà to, xe đẹp, đâm ra thiếu nợ lớn ở ngân hàng. Tới khủng hoảng, trả không nổi nên bị lấy nhà, lấy xe.

Những năm gần đây, nghề nail cũng dần trở lại vị trí “huy hoàng”. Nhiều tiệm mới được “build” (xây) mọc đầy đường. Chủ kiếm được nhiều tiền hơn. Thợ dư rủng rỉnh. Nhưng có điều giá vẫn rẻ òm, cố đẩy mà lên hổng nổi. Nhiều thành phố đông dân nghèo, một bộ full-set còn có 15 USD. Ngồi cả ngày làm gãy lưng chắc mới kiếm được tiền. Mùa hè còn vậy, mùa đông ế chắc lắm.

Tôi giờ học hành thành tài, ra trường có việc làm quản lý bất động sản lương bổng ổn định, được đi đây đó khắp nơi, cũng nhờ những đồng tiền anh chị tôi chăm chỉ lẫn đắng cay kiếm được trong các hãng xưởng, tiệm tóc với nail, những ngày chập chững sang Mỹ định cư, để tôi yên tâm đến trường tìm cho mình con chữ.

Tôi khẳng định một điều, ở Mỹ, không có nghề nào dễ kiếm tiền như nail hết. Nếu người mới sang không biết tiếng Anh tiếng u, phải đi lặt rau, làm cá, chặt thịt trong chợ hay phụ bếp, bồi bàn, lương chẳng được là bao đã vậy còn cực khổ kinh hồn. Xin vô mấy công ty của Mỹ làm lao công, quét dọn, nhặt rác, lau nhà vất vả cũng chẳng thua ai.

Hai nghề chân tay nhiều người Việt theo đuổi là tóc với nail cũng có “số phận” khác nhau. Nếu như thợ hớt tóc phải học cả năm trời, tốn ngàn giờ, với giá mấy ngàn đô la, trải qua kỳ thi khó khăn mới được cấp bằng hành nghề thì nghề nail lại dễ thở hơn nhiều lần.

132 2 Nguoi Viet Lam Nail O My Dinh Vao Thi Kho Rut Chan Ra

Số tiền kiếm được mỗi ngày ở tiện nail đảm bảo một cuộc sống đủ đầy cho người làm nghề này.

Nhiều người quen tôi tiếp xúc, dù luôn miệng bảo chán làm cái nghề này lắm nhưng nail có một ma lực khủng khiếp, đã đặt chân vào rồi, khó mà rút ra được. Nghề này không được đãi ngộ, phải chiều chuộng bao lượt khách lạ lẫn quen, ngày ngày hít hóa chất độc hại bay đầy trong tiệm hay cắn răng, nhắm mắt giả lơ trước sự chèn ép của đồng nghiệp. Bất kể bạn là cô gái hay chàng trai đang thanh xuân đẹp đẽ, hay những cô chú tuổi sắp sáu mươi, gối mỏi, tay run, một khi đã sống được với nail rồi khó mà rút chân. Đơn giản, số tiền kiếm được mỗi ngày đủ đảm bảo cho họ một cuộc sống đủ đầy.

Vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn

Tôi hay nhớ cô bạn xinh đẹp thuở sinh viên luôn từ chối sự giúp đỡ của gia đình vì ba má còn nuôi mấy đứa em. Cô xin vào tiệm nail làm kiếm tiền đóng học phí. Gặp tiệm cũng dễ, rảnh lúc nào vô lúc đó để làm. Thợ nào cũng né làm chân, đẩy hết qua cho cô.

Bạn bảo nhiều bữa về nhà, hai tay mỏi nhừ, bưng tô cơm lên mà nghĩ tới những bàn chân to đùng, da dẻ dày khui, mang giày suốt tháng quanh năm của người Mỹ mà nuốt không trôi miếng ăn đang lừng khừng ngay cuống họng.

Phải bỏ nghề khi ra trường kiếm việc văn phòng làm thôi. Đó là ước mơ giản dị và nhỏ nhoi nhất của bạn. Nhưng ông trời vốn trêu ngươi, bạn đi xin việc khắp nơi, được nhận rồi, nhưng hễ nghe tới lương là… rút.

Có lần cô ấy xin vô công ty tôi làm. Tôi bảo bên này thư ký chỉ nhận chưa tới 15 USD/giờ, rồi phải đóng thuế thu nhập nữa. Chịu nổi không? Tất nhiên là không. Khi đã quen với xấp tiền mặt lãnh mỗi hai tuần, quen với những đồng tiền “tip” tuy lẻ tẻ nhưng dồn lại cũng lên cả ngàn USD mỗi tháng, thì việc lãnh cái check ra bị trừ một nùi thuế và phí, làm sao đủ để trả tiền xe, tiền nợ học phí và giúp đỡ ba má trả bớt tiền nhà và nuôi mấy đứa em.Hai đứa ra trường đã gần 15 năm. Bạn giờ có chồng, đẻ cái, sinh con. Thỉnh thoảng gặp nhau, những vết dị ứng hóa chất vẫn hằn trên đôi tay. Tôi vẫn một chỗ làm hoài. Bạn vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn. Hai vợ chồng mới mua cái nhà. Ráng cày thêm một hai năm nữa, rồi kiếm cái tiệm nào nho nhỏ cho bớt cực, có thời gian rảnh cho con.

Theo Thanh Niên


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày