Thôn Thanh Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tự hào đã thoát nghèo và trở nên giàu có nhờ nguồn tiền người thân đi nước ngoài lao động, chủ yếu đi Hàn Quốc, bằng con đường hợp pháp. Mỗi năm, hơn 200 con, em lao động ở nước ngoài chuyển về cho thân nhân ở đây hơn 50 tỉ đồng.
Số tiền đó được chuyển hóa qua làm ăn, buôn bán giúp ngôi làng này nhanh chóng "phố hóa" bằng nhiều nhà cao tầng.
Những ngả đường di dân
Cũng như thôn Thanh Hải, nhiều địa phương đang có động lực rất lớn từ lượng kiều hối chuyển về mỗi năm. Theo ước tính của MDP, Cổng Thông tin được quản lý và phát triển bởi Trung tâm Phân tích Dữ liệu Di chuyển Toàn cầu (GMDAC) của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tính đến năm 2019, có hơn 2,7 triệu người Việt Nam hoặc quốc tịch Việt Nam di cư nước ngoài.
Với lượng kiều hối năm 2018 khoảng 15,9 tỉ USD như công bố của World Bank, tính bình quân mỗi người trong số này mang về nước khoảng 5.900USD mỗi năm. Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về nhận kiều hối năm 2018.
Ảnh: TL
Tuy nhiên, phía sau sự hoành tráng của con số kiều hối, có những con số từ Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam đáng phải suy ngẫm về dòng người di cư lao động không chính thống hay nạn buôn người xuyên quốc gia.
Sau thành công của Báo cáo tổng quan di cư ra nước ngoài của công dân Việt Nam năm 2011, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 là kết quả trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác quản lý di cư" do Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Phái đoàn IOM tại Hà Nội thực hiện trong 2 năm (2015-2017).
Chúng ta tạm chia các luồng di cư thành 5 luồng chính: Di cư lao động, di cư học tập, di cư có yếu tố hôn nhân với người nước ngoài, di cư do người nước ngoài nhận con nuôi và di cư bất hợp pháp. Giai đoạn 2012-2016, di cư vì các mục đích kinh tế như lao động chiếm phần lớn.
Di cư theo đường chính thống, được nhắc đến theo cụm từ "xuất khẩu lao động", đã tăng gấp rưỡi từ 80.000 lượt năm 2012 lên 126.000 lượt năm 2016. Đài Loan là điểm đến của hơn 50% số người diện này trong khi thu nhập ở đây thấp hơn lao động Việt ở các nước khác rất nhiều.
Tính chung cả giai đoạn, 14 tỉnh xuất khẩu lao động nhiều nhất, chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu lao động cả nước, trừ TP.HCM, đều thuộc miền Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng. Điểm chung của các địa phương này là tỉ lệ thất nghiệp thuộc mức cao của cả nước.
Ngoài ra, luồng di dân lao động này còn có một nhóm khác rất khó thống kê, đó là lao động qua biên giới đường bộ bằng giấy thông hành. Theo số liệu từ Cục Cửa khẩu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, số lượt giấy thông hành qua biên giới đường bộ chưa thấy trở về riêng năm 2016 là gần 500.000 lượt, hơn 3 lần số xuất khẩu lao động đường chính thức.
Một luồng di cư khác mà theo đúng ý nghĩa hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển của đất nước là du học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2016 có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, nhiều nhất, hơn 1/3 là Nhật. Số đi học bằng ngân sách nhà nước là hơn 5.500 người, cao nhất gần phân nửa số này là theo đuổi học vị tiến sĩ. Luồng di cư này sẽ mang những tinh hoa trên thế giới về cho đất nước, đầu tư để Việt Nam phát triển về chất lẫn lượng trong tương lai.
Các du học sinh này sau khi tốt nghiệp thường ở lại tu nghiệp vài năm trước khi về nước cống hiến. Lợi ích tiềm năng là thế nhưng ở hiện tại, nhiều thống kê cho thấy, ví dụ nhóm Công tác giáo dục và đào tạo hay Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) cho rằng Việt Nam tốn trung bình mỗi năm 2-3 tỉ USD cho việc du học.
Ngoài ra, số lượng người di cư theo loại hình kết hôn với người nước ngoài chiếm khoảng dưới 10% tổng di cư giai đoạn 2012-2016, chủ yếu là nữ giới. Tuy nhiên, số lượng này cũng giảm hơn 1/4 từ năm 2008-2016. Các năm trở lại đây, Mỹ và Đài Loan đã thay vị trí của Hàn Quốc về số lượng kết hôn với người Việt.
Một số lượng nhỏ hơn, di cư khác là người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam và liên quan đến vấn nạn buôn người. Trong giai đoạn này, hơn 40% số em nhỏ Việt Nam được nhận nuôi là từ TP.HCM, chủ yếu là bé gái. Liên quan nạn buôn người, nhóm này ngoài các nạn nhân bị bắt cóc còn có những người bị lừa đi xuất khẩu lao động nhưng khi sang nước ngoài lại bị đưa vào những môi trường khác, đây thật ra bản chất là lừa gạt. Từ năm 2008-2016, các cơ quan đã phát hiện được 8.366 nạn nhân từ nạn buôn người. Đáng chú ý nhất, tuy số tội phạm bắt được đã giảm mạnh nhưng con số nạn nhân trung bình trên mỗi tên tội phạm đã tăng lên đáng kể, năm 2008 là 2,6 giảm đến năm 2011 là 1,8 đã tăng trở lại lên 2,9 nạn nhân tính trên một tên tội phạm năm 2016.
Đồng tiền xương máu
Theo thống kê của Liên hiệp Quốc, nếu tính cả xuất khẩu lao động không chính thức, con số tổng lao động của người Việt Nam xuất cảnh (và nhập cảnh) sang các quốc gia hằng năm có thể đạt hơn 9 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số. Những năm qua, tại nhiều ngôi làng ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày càng xuất hiện nhiều biệt thự. Cụ thể, theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2009-2019, Hà Tĩnh có 72.236 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người. Tổng thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân mỗi năm gần 7.000 tỉ đồng, số tiền gửi về nước trên 4.500 tỉ đồng/năm.
Người ta gọi tên "những làng tỉ phú" nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động. Nhưng thời gian này, cả thế giới đang bàng hoàng và đau xót cho 39 người được phát hiện chết trong một container đông lạnh nhập cư lậu vào Anh. Bàng hoàng hơn khi nhà chức trách Anh cho rằng những nạn nhân trong chuyến xe chết chóc này đến từ Việt Nam.
Hiểm nguy này cho thấy sau tấm màn nhung thì cuộc sống ở nước ngoài còn nhiều trở ngại với người Việt như thái độ phân biệt đối với lao động nước ngoài, khó khăn trong các thủ tục pháp lý... Nhiều trường hợp bị chủ vi phạm hợp đồng, cắt giảm lương và phụ cấp, giao cho những công việc không đúng với cam kết trong hợp đồng, thậm chí bị bóc lột và ngược đãi.
Những người Việt Nam cư trú ở nước ngoài không chính thức, hoặc do di cư bất hợp pháp, hoặc di cư hợp pháp nhưng ở lại sau khi hết thời hạn cư trú, hay bỏ việc ra ngoài làm không theo hợp đồng, không được pháp luật bảo vệ, dễ trở thành nạn nhân cho các nhóm tội phạm. Theo Reuters, khoảng 70% các vụ buôn người Việt ở Anh trong giai đoạn 2009-2016 bị bóc lột sức lao động, bị dụ dỗ trồng cần sa trái phép và làm việc trong các tiệm làm móng.
Tình trạng ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới không chính thức, đã khiến hàng ngàn phụ nữ sau khi kết hôn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bị ngược đãi, bị buôn bán với mục đích mại dâm, thậm chí bị đánh đập dẫn đến thương tật suốt đời hoặc tử vong. Tình trạng chảy máu chất xám cũng trở nên nhức nhối với xu hướng ra đi hoặc không trở về nước của các chuyên gia có trình độ, tay nghề cao...
Theo ước tính của IOM, thế giới hiện có khoảng 214 triệu người di cư và con số này sẽ tăng lên 405 triệu người vào năm 2050. Di cư lao động của Việt Nam cũng nằm trong xu thế toàn cầu này khi muốn kiếm tìm những cơ hội tốt hơn cho cuộc sống và tương lai. Trong khi dòng người Việt ra nước ngoài có xu hướng tăng, thì Việt Nam lại là điểm đến của nhiều người nước ngoài. Chẳng hạn, HSBC công bố danh sách 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới với người nước ngoài. Trong đó, Việt Nam xuất hiện trong top 10 cùng Thụy Sĩ, Singapore, Đức...
Điều đó cho thấy, nhiều cánh cửa mở ra và cũng có nhiều cánh cửa đóng lại, quyền lựa chọn là của mỗi người. Nhưng ở mặt quản lý vĩ mô, dựa trên tính chất phân chia những luồng di cư như trên, các cơ quan quản lý có thể đưa ra nhiều cách thức để hỗ trợ những luồng di cư hợp pháp, an toàn, cũng như hạn chế những luồng di cư có nhiều mặt trái.
Nguồn: Khổng Hiệp
Nhipcaudautu.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC