Đã có hơn 2,5 triệu người Ukraine rời đất nước đi lánh nạn - Dữ liệu: OSM, UNHCR - Đồ họa: N.KH.
Những ngày này, Lviv vẫn may mắn chưa xảy ra chiến sự ác liệt nhưng còi báo động cũng vài lần vang lên trong ngày. Những lúc ấy, anh Huy lại cùng cả nhà lánh xuống hầm trú ẩn.
"Người mình không muốn phiền lụy ai"
Nằm cách biên giới Ba Lan khoảng 80km, Lviv là điểm trung chuyển chính của những người muốn sơ tán khỏi Ukraine. Cả ngàn người Việt đã hòa chung vào dòng người hối hả di tản, tìm sang các nước như Ba Lan, Moldova, Romania... lánh nạn.
Chiến sự xảy ra, anh Huy phải dừng công việc hằng ngày của một kỹ sư thiết kế web. Nhưng cũng từ 26-2, anh lại túi bụi với một việc khác quan trọng và ý nghĩa hơn: giúp những người Việt sơ tán sang Ba Lan.
Những người tìm đến anh không chỉ là bạn bè gần gũi mà còn là bạn kết nối trên mạng xã hội những năm qua, nhiều người anh chỉ mới gặp mặt lần đầu. Kể từ 2014, nhiều hội nhóm trên Facebook của cộng đồng người Việt tại Ukraine đã được lập ra để chia sẻ thông tin, tương trợ khi cần. Tất cả đều cảm thấy những bất an mơ hồ trong 8 năm qua, nhưng chiến tranh thực sự xảy ra thì lại là chuyện khác.
Suốt từ 26-2 cho tới 12-3, anh Huy lặng lẽ làm việc của mình: giúp bạn bè, bà con người Việt có nơi dừng chân an toàn, đủ ấm và đủ no để tính tiếp chặng phía trước. "Những ngày đầu mọi người tới đông lắm, nhưng khoảng 3 ngày trở lại đây thì đã giảm nhiều rồi", anh cho biết.
Người Việt tại Lviv rất ít, trước có 6, 7 gia đình thì nay chỉ còn lại 3 với tổng số 5 người Việt. Ấy thế mà suốt 15 ngày qua, họ dốc sức phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine hỗ trợ cho khoảng 2.000 - 3.000 đồng bào trên đường chạy loạn. Ai có gì góp nấy, huy động mọi nguồn lực tài chính và quan hệ cá nhân để hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu nhất về ăn, ở, đi lại.
"Mình có những người bạn Ukraine trước khi sơ tán có nhờ trông giúp nhà cửa. Mình đã trao đổi với họ, trả tiền thuê nhà họ vài ngày cho bà con trú tạm những ngày qua", anh Huy nói, và cho biết chính quyền Lviv cũng đã giúp bà con người Việt rất nhiều.
"Bà con mình nhìn chung đều có sự chuẩn bị khi ra đi và không muốn phiền lụy quá nhiều tới ai. Có người khá giả hơn còn chia sẻ thêm tiền bạc để mình giúp lại những người khó khăn khác", anh kể.
Có người anh ra tận ga đón, có người anh cho địa chỉ để họ tự đến. Có người nghỉ lại một hai đêm, có người ở lâu hơn vì còn lừng chừng chưa muốn bỏ lại cơ ngơi đã gây dựng suốt 20, 30 năm.
"Lúc này ở biên giới với Ba Lan có ít nhất ba hàng dài chờ qua nên có khi phải đợi một, hai đêm mới sang được bên kia. Hàng xe hơi, hàng người đi bộ và hàng dành cho những người cần sự hỗ trợ đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người già... Cửa ga sang Ba Lan có 10 cửa, những cửa ở gần sẽ rất đông. Nếu bà con chịu khó đi xa hơn, thủ tục thông quan sẽ thuận lợi hơn", anh Huy cho biết.
Anh Nguyễn Đức Huy
"Giúp được gì là mình giúp"
Sau khi tiễn mọi người qua Ba Lan, anh Huy lại nhắn tin, gọi điện hỏi thăm họ đã ổn chưa. Vài chuyện phát sinh trong lúc lưu lại của bà con, anh lặng lẽ giải quyết, đôi khi bỏ tiền túi sửa sang, dọn dẹp để trả lại nguyên trạng cho chủ nhà. "Trong tình cảnh loạn lạc này mình giúp được gì thì giúp, không sao cả", anh cười khi được hỏi về những khó khăn những ngày qua.
Giống như những người Việt khác ở Lviv, anh hết lòng giúp đỡ bà con ngay cả khi chính cuộc sống của mình cũng đang gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Không thể làm việc vì chiến tranh, lúc này cả nhà anh sống bằng khoản dự phòng bất trắc. Ukraine đang mùa đông, giá gas tăng vọt, phải dùng lò sưởi điện. Mà ngay cả sưởi điện cũng phải tiết kiệm vì mọi thứ đều đang đắt đỏ hơn.
Dù chiến sự không khốc liệt như các thành phố khác, nhưng tại Lviv, thịt, rau cũng khan hiếm vì phải ưu tiên cho quân đội. Mọi người không còn mua gạo được nữa. Nhưng với nếp sống đơn giản lâu nay, anh Huy không quá bận tâm chuyện đó.
"Mình rất muốn qua báo Tuổi Trẻ được bày tỏ lòng mến phục với các bạn Việt kiều đang ở các nước như Ba Lan, Romania, Slovakia... Các bạn ấy thực sự có trái tim vô cùng nồng hậu. Ngay từ những ngày đầu xảy ra chiến tranh, họ đã giúp đỡ bà con mình rất tận tình. Thực sự những lúc này mới cảm thấy tình đồng bào thật đáng quý", anh Huy nói.
Trong khi phần lớn người Việt ở Ukraine đã sơ tán, vẫn còn một số đang trụ lại. Không chỉ coi sóc nhà cửa của mình, họ cũng trông nom luôn tài sản của một số bà con trước khi di tản đã tin tưởng gửi gắm.
Vì sao gia đình tôi ở lại?
Anh Huy chia sẻ dù đã có nhiều đề nghị giúp đỡ của bạn bè ở các nước, nhưng cả nhà anh quyết định sẽ ở lại Lviv vì hai lý do đặc biệt. Thứ nhất, mẹ vợ anh (người Ukraine) đã 80 tuổi, không muốn rời quê hương lúc này; và thứ hai là con gái anh muốn ở lại để được gần người yêu của cô - một thanh niên Ukraine đang tham gia đội tự vệ thành phố.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC