Chị Nguyễn Thị Phương (bên trái ảnh), xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Cuộc sống bị ảnh hưởng do dịch bệnh
Khi chưa có dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là miền đất hứa của nhiều lao động Việt Nam. Thế nhưng từ năm 2020 trở lại đây, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút SARS-CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của nhiều lao động ở các quốc gia này.
Sang Nhật Bản từ năm 2019, em Đỗ Đức Cường, sinh năm 1996, ở huyện Hà Trung, làm cho một công ty xây dựng ở thành phố Inabe, tỉnh Mie. Hàng ngày, Cường làm việc từ 8h đến 21h30, thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, Cường gửi về cho gia đình 40 triệu đồng mỗi tháng. Giữa tháng 4-2021, dịch bùng phát trở lại, công ty buộc phải cắt giảm giờ làm để phòng, chống COVID-19. Tuy hơi buồn nhưng Cường cảm thấy vẫn may mắn khi còn việc làm.
Dù công việc vẫn được duy trì nhưng tâm lý người lao động khi đó không khỏi lo âu. Lo vì công việc liệu có tồn tại được lâu dài hay không và cả tình hình sức khỏe của bản thân. Cường nhớ lại: “Những ngày dịch bùng phát tôi sống trong lo sợ, nhiều đêm không ngủ được”.
Theo lời Cường, để hỗ trợ lao động nước ngoài duy trì cuộc sống và việc làm tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành và áp dụng một số chính sách trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Theo đó, đối với lao động bị nghỉ việc tạm thời do doanh nghiệp tiếp nhận thu hẹp sản xuất bởi ảnh hưởng của COVID-19 sẽ được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp nghỉ việc tạm thời từ 6.815 - 8.330 yên/người/ngày (tương đương 1,5 - 1,8 triệu đồng/ngày). Khoản tiền này sẽ được Chính phủ Nhật Bản cấp cho doanh nghiệp tiếp nhận để hỗ trợ trả lương cho lao động, thực tập sinh. “Ngoài cung cấp khẩu trang, nước rửa tay, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 miễn phí, tôi còn được công ty hỗ trợ một khoản tương đương với số tiền 20 triệu đồng. Số tiền ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong giai đoạn công việc bị ảnh hưởng do dịch COVID-19”, Cường nói.
Tương tự, chị Lê Thị Hồng Thái, sinh năm 1992, ở huyện Hậu Lộc, cũng bị cắt giảm giờ làm việc từ 8h xuống còn 6h một ngày, sau khi dịch bùng mạnh tại Seoul, Hàn Quốc từ tháng 1-2021. Chị Thái làm thông dịch cho các kỹ sư công nghệ thuộc Tập đoàn SamSung. Bình thường, chị vẫn đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tuy nhiên vì sang Hàn Quốc đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cấm bay nên chị không thể về nhà.
Theo chị Thái, hàng ngày, công nhân ở công ty vẫn được kiểm tra sức khỏe, test nhanh COVID-19. Công nhân đi làm phải đeo khẩu trang 24/24h và xịt khử khuẩn liên tục. “Dù Seoul chưa đến mức báo động đỏ vì dịch bệnh nhưng nơi đây tập trung dân số đông, lượng khách du lịch cũng lớn nên tôi cũng khá lo lắng. Nhưng dù sao cũng phải cố gắng vượt qua vì bản thân và cả gia đình nơi quê nhà”, chị Thái chia sẻ.
Chị Thái mới được công ty hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin COVID-19 vào giữa tháng 9. Chị sẽ kết thúc mũi tiêm cuối vào tháng 10 này. Đồng nghĩa với việc cuối năm nay nếu dịch bệnh được khống chế, chị có thể về quê ăn Tết Nguyên đán với gia đình.
Nếu như anh Cường, chị Thái dù có chút ảnh hưởng nhưng vẫn có công việc để làm thì anh Trần Văn Minh, sinh năm 1990, ở TP Thanh Hóa lại rơi vào thế đi chẳng được, ở cũng không xong vì không thể trở về nước khi đã hết hạn hợp đồng lao động. Được biết, năm 2011, anh Minh đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm việc trong lĩnh vực cơ khí ở nước bạn đã có thâm niên 10 năm và qua hai lần gia hạn, lần này đã hết hợp đồng anh mong muốn được trở về với gia đình, người thân trước khi ký kết gia hạn hợp đồng lần 3. Tuy nhiên, do dịch bệnh hết lần này đến lần khác bùng phát nên con đường trở về của anh trở nên khó khăn. Để ở lại cư trú hợp pháp, anh Minh đã phải liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc xin hỗ trợ gia hạn visa với niềm đau đáu sớm được trở về quê hương.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực tham mưu, kiến nghị với Chính phủ nhiều chính sách, trực tiếp chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức gần 500 chuyến bay đưa khoảng 130 nghìn bà con ở nước ngoài có nhu cầu về nước; tổ chức quyên góp khẩu trang, trang thiết bị vật tư y tế để hỗ trợ cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Về chính sách hỗ trợ cho lao động đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định, người lao động sẽ được hoàn trả các khoản chi phí tiền môi giới, tiền dịch vụ và hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Cụ thể, người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với tiền dịch vụ, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác thì sẽ được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết.
Những động thái rõ ràng, tích cực trên chính là sự động viên đối với bà con trong lúc khó khăn nhất và thể hiện rõ chính sách đại đoàn kết, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn: Tăng Thúy/ baothanhhoa.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC