Hành trình ám ảnh
Sau một giờ lái xe từ bờ biển Pháp vào đất liền, khoảng 12 người đàn ông Việt Nam uống trà bên đống lửa trại, trong khi chờ một cuộc điện thoại từ người đàn ông mà họ gọi là "ông chủ". Một người đàn ông Afghanistan mở cửa thùng xe tải đang đỗ gần đó và đưa họ vào trong.
Duc đã trả trước 30.000 Euro cho một chuyến đi từ Việt Nam đến London, qua tuyến đường Nga, Ba Lan, Đức và Pháp. Chuyến đi được tổ chức bởi một người Việt Nam ở nhà, Duc nói.
"Tôi có một số người bạn Việt Nam ở Anh, họ sẽ giúp tôi tìm việc khi tôi đến đó. Những người này cũng giúp tôi có 1 suất lên xe tải đi qua biên giới", Duc kể lại.
An ninh tại các bãi đỗ xe tải thường không được siết chặt bằng tại các cảng về phía Bắc. Nhưng một số ít người vẫn vượt qua được biên giới.
Stephen, bị buôn lậu sang Anh từ năm 10 tuổi. Ảnh: The Guardian.
Một kẻ buôn người quốc tịch Việt Nam từng được một tờ báo Pháp phỏng vấn vài năm trước kể lại là có 3 "gói" cho những người di cư trái phép: cao nhất là người di cư được ngồi trong xe và ngủ trong khách sạn. Mức thấp nhất được đặt biệt danh là "không khí", hay còn gọi là "CO2" - ám chỉ việc thiếu không khí khi bị nhốt trong thùng xe tải.
Duc nói anh cần công việc ở Anh để trang trải khoản nợ cho chuyến đi này. "Chúng tôi có thể làm bất cứ việc gì, xây dựng, làm móng, nhà hàng, hay nhiều việc khác", anh nói.
Một báo cáo của một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất của Pháp mô tả những kẻ buôn lậu nói với người di cư Việt Nam rằng những chiếc xe tải đông lạnh và đưa cho mỗi người một túi nhôm để đeo trên đầu để tránh bị các máy quét nhiệt ở biên giới phát hiện.
Không một người nào ở đây biết thông tin về 39 người thiệt mạng trong thùng xe tải.
Beadle, Giám đốc chương trình phòng chống nạn buôn người Ecpat cho biết, hầu hết các nạn nhân đến Anh trốn trong thùng xe tải. Họ thường mô tả nó như một trong những trải nghiệm ám ảnh nhất trong cuộc đời.
Xuất thân từ một mảnh đất nghèo ở Hải Phòng, Cuong Nguyen, 41 tuổi, di cư sang Anh bất hợp pháp, trước khi làm công việc trồng cần sa, cho biết, tất cả những gì Cuong muốn là kiếm tiền, dù hợp pháp hay không.
Năm 2008 và việc buôn bán cần sa đầy hứa hẹn, vì vậy Cuong chấp nhận trả 15.000 USD cho các nhà môi giới để làm hộ chiếu giả và một suất trong nhóm du khách tới châu Âu.
Cuong tách khỏi đoàn du lịch khi ở Pháp và đi theo một tuyến đường mòn đến một trại ở Calais nơi người băng nhóm buôn người sắp xếp cho Cuong đến Anh bằng cách nằm dưới gầm một chiếc xe tải. "Tôi mà ngã là chết luôn", Cuong nói.
Duc đã trả trước 30.000 Euro cho một chuyến đi từ Việt Nam đến London. Ảnh: BBC.
Cuộc sống chui lủi không biết ngày, đêm
Theo The Guardian, hầu hết người Việt Nam đến Anh bất hợp pháp đều làm việc trong các trang trại trông cần sa hoặc trong các tiệm làm móng biết rằng, gia đình ở nhà phải gánh chịu khoản nợ lớn cho chuyến đi của họ, và tiếp tục chìm trong nợ nần trong nhiều năm, cố gắng trả nợ và quá sợ hãi để tìm kiếm sự trợ giúp.
Số người Việt Nam di cư bất hợp pháp đã tăng từ 135 người (năm 2012) đến 704 (năm 2018).
"Thiên tai tại Hà Tĩnh rất khắc nghiệt, khiến những ngư dân ở đây mất kế sinh nhai. Có thể nạn nhân nghĩ rằng, cô ấy sẽ kiếm được một công việc và được dạy trong một tiệm làm móng ở Anh", Mimi Vu, một chuyên gia hàng đầu về nạn buôn người từ Việt Nam sang châu Âu và Anh nói, nhắc đến cô gái nghi là nạn nhân trong vụ 39 người thiệt mạng trong thùng xe vừa xảy ra.
Bởi vì các nạn nhân rất sợ những kẻ buôn người của họ, họ thường không muốn chia sẻ về những gì đã trải qua, không dám nhận mình là nạn nhân của vụ buôn người do lo sợ bị trục xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm ngoái, Stephen, một trẻ mồ côi người Việt Nam đã kể lại việc bị bán sang Anh để làm công nhân trồng cần sa khi mới 10 tuổi.
Những người di cư chơi cờ và uống trà. Ảnh: BBC.
Là trẻ mồ côi, Stephen, (tên thật của nạn nhân đã được thay đổi để tránh bị những kẻ buôn người nhận dạng) sống vô gia cư và nghèo khổ ở Hà Nội. Stephen đến Anh trong một chiếc xe tải đông lạnh, sau một hành trình dài đi bộ và ngồi xe tải.
Ở Anh, Stephen bị nhốt một mình trong một loạt các ngôi nhà đã được chuyển đổi thành các trang trại trồng cần sa, và bị nhóm người Việt Nam đã đưa anh sang đây ép phải làm việc tại trang trại này trong 4 năm.
Stephen nói, anh không thể nhìn ra ngoài cửa sổ, vì cửa sổ đều được phủ bằng nhựa cách nhiệt dày. Anh không biết là đêm hay ngày. Cứ vài ngày, vào buổi tối, một nhóm đàn ông Việt Nam sẽ đến kiểm tra công việc, mang thức ăn cho Stephen.
"Nếu tôi để cây chết, họ sẽ nổi giận và đánh tôi. Cuộc sống của tôi tồi tệ hơn nhiều so với khi tôi sống ở Việt Nam", Stephen kể lại.
Một lần, một nhóm buôn bán ma túy người Anh xông vào trang trại, trói anh ta lại và lấy đi toàn bộ số cần sa thu hoạch được.
Khi những "ông chủ" của Stephen phát hiện ra, họ đã rất tức giận và sau đó, chuyển Stephen đến một địa điểm trồng cần sa mới. Ở đây, Stenphen không bị nhốt bên trong nữa, nhưng đe dọa, sẽ tìm thấy và giết anh nếu Stephen có ý định chạy trốn. Nhưng Stephen cũng không biết đi đâu.
"Tôi chỉ cố gắng sống qua ngày. Tôi không thấy bất cứ điều gì ở tương lai. Không ai đối xử tử tế với tôi", Stephen nói.
Trong khi đó, Cuong cùng 3 người di cư nữa mất một đêm để đến Dover. Không nói tiếng Anh, Cuong tìm đến một mạng lưới di cư để được giúp đỡ.
Cuong làm việc cho một người đàn ông quản lý một số trang trại cần sa trong các ngôi nhà ngoại ô ở Bristol. Cường kể rằng anh phải làm việc một mình, bị nhốt trong nhà và phụ thuộc vào những thức ăn mà người quản lý đưa đến hàng tuần.
"Tôi dậy sớm, ăn cơm và tưới các cây cần sa. Tôi phải đặt chúng dưới ánh đèn trong hai giờ và tưới nước", Cuong kể.
Anh đã kiếm được gần 19.000 USD nhưng tiết lộ, ông chủ đã lừa của anh hàng ngàn USD.
Nguồn: Soha.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC