Hành trình tôi nỗ lực làm việc trên đất Mỹ để được sếp đánh giá cao

Chủ trả lương rất thấp (tầm 6 USD/tiếng) mà công việc bưng bê rất mệt, nhưng nghĩ tới bố mẹ làm vất vả để gửi tiền cho anh em chúng tôi đóng học mà tôi ráng cố gắng làm.

Số tôi may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ lại chăm chỉ làm ăn để từ hai bàn tay trắng có thể đưa tất cả anh em chúng tôi đi du học. Bố mẹ chỉ có khả năng chu cấp cho tôi tiền học phí, tôi phải đi làm thêm để lo tiền ăn ở. Trung bình mỗi sinh viên lấy 15 tín chỉ một mùa, nhưng tôi cố gắng lấy 21 tín chỉ để rút ngắn thời gian học. 

Tôi sắp xếp lớp đi học 4 ngày một tuần, đi làm 3 ngày cuối tuần 13 tiếng/ngày ở một nhà hàng Việt Nam, cách chỗ ở một tiếng đi xe buýt.

Tự nhủ rằng làm việc chân tay thì chỉ được vậy thôi, người ta có kiến thức mới được trả lương cao chứ. Thà mình mệt chút mà bố mẹ đỡ còng cái lưng. Cực là vậy nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn tất tốt việc học. Tôi tốt nghiệp năm 21 tuổi với điểm trung bình 3,95/4. Trước khi tốt nghiệp 2 tháng, tôi đã được một tập đoàn lớn nhận vào làm.

Hành trình tôi nỗ lực làm việc trên đất Mỹ để được sếp đánh giá cao - 0

Xin nói thêm là kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đối với dân bản xứ khó một, thì đối với sinh viên quốc tế khó gấp đôi. Thứ nhất, tiếng Anh của tôi có giỏi thì lúc giao tiếp cũng không thể nào bằng một người Mĩ thực thụ. Thứ hai, rất ít công ty muốn bỏ tiền ra để làm giấy tờ bảo lãnh cho sinh viên quốc tế ở lại vì nó khá tốn kém. Lương khởi điểm tôi chỉ có 54 ngàn USD/năm, đó là mức trung bình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tôi thầm nghĩ tuy không nhiều nhưng nó cho tôi cơ hội xây dựng sự nghiệp trên đất Mỹ, vì thế tôi cũng hạnh phúc và mãn nguyện lắm.

Lúc mới đi làm nhiều người cũng không coi tôi ra gì vì tôi là dân châu Á, có vài đồng nghiệp còn khinh ra mặt. Tôi cũng chẳng nói gì mà vẫn vui vẻ chào họ, đồng thời cố gắng tập trung vào công việc và tăng cường chuyên môn. Tôi sẵn sàng ở lại trễ để giúp đồng nghiệp hoàn tất công việc cho kịp thời hạn. Nhiều ngày bận quá tôi quên cả ăn trưa, ngồi ở bàn làm việc 12 tiếng liên tiếp. Nhiều người cứ làm phè phè, kiểu thế nào cũng được, vì lương bằng nhau hết nên việc gì phải làm chăm chỉ. Tôi không nghĩ vậy, công ty trả lương cho mình thì mình phải làm cho hết sức.

Hơn một năm sau, lương tôi được tăng lên 56 ngàn USD, cũng là lúc mọi người nhận ra rằng tôi làm không kém gì họ. Họ lại trở nên thích tôi, ai cũng muốn làm bạn với tôi. Tôi liên tiếp được sếp khen vì năng suất làm việc cao hơn đồng nghiệp rất nhiều. Một năm sau nữa tôi được thăng chức, lương cũng được nâng lên 63 ngàn USD. Khi đó tôi là người được thăng chức nhanh nhất từ khi nhóm được thành lập. Trong khoảng thời gian đi làm này, tôi tự học thêm để lấy bằng tương đương với thạc sĩ tài chính. Để lấy được bằng tôi phải thi đậu 3 vòng, mỗi năm chỉ có một đợt thi, giỏi thì nhanh nhất mất 2 năm rưỡi, còn không có thể lâu hơn rất nhiều. Bạn bè đi làm về là đi chơi, còn tôi nán lại công ty ngồi học tới 10 giờ tối. Hai ngày cuối tuần cũng chạy ra thư viện để tranh thủ học.

Làm được nửa năm nữa tôi sinh em bé nên buộc phải nghỉ việc và chuyển về ở với chồng. Tôi lấy chồng một năm sau khi đi làm nhưng 2 người ở 2 nơi vì tôi đang vướng bận công việc. Có con được một tháng tôi bắt đầu đi kiếm việc làm mới. Ở thành phố này hầu hết là dân nghỉ hưu nên kiếm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng giống công việc cũ gần như là không có. Tôi đành phải chấp nhận làm tài chính doanh nghiệp. Lương khởi điểm là 64 ngàn USD, nghe thì thấy cao hơn nhưng thực ra không bằng công ty cũ. Tôi phải trả nhiều tiền bảo hiểm hơn mà công ty đóng cho quỹ hưu trí lại ít hơn. Tôi cũng chấp nhận vì đối với tôi, gia đình và con cái quý giá hơn bất cứ thứ gì, tiền bạc thì làm từ từ cũng có.

Công việc của tôi bắt đầu khá khó khăn vì đó là một vị trí hoàn toàn mới. Không có ai chỉ dẫn mà tôi chủ yếu phải tự tìm tòi để hỗ trợ cho nhóm.

Tôi cố gắng đi sớm về muộn để hoàn tất công việc mà cũng chẳng để ý gì nhiều. Tôi làm rất nhiều việc nhưng toàn bị một chị cấp trên lấy công hết. Tôi làm rồi chị trình bày cho lãnh đạo như thể là chị làm. Vậy nhưng tôi chưa bao giờ than vãn với ai dù chỉ một lời. Sau một thời gian mọi người cũng nhận ra đó hoàn toàn là công sức của tôi, vì mỗi khi mọi người đặt câu hỏi khó thì chị không trả lời được mà toàn phải quay sang hỏi tôi. Đồng nghiệp hay cấp trên cần gì tôi đều cố gắng hoàn tất cho họ đúng hẹn. Dần dần họ tin tin tưởng và đưa tôi vào hội đồng xét duyệt những mối làm ăn mới trị giá cả chục hay trăm triệu đô.

Lúc này tôi tiếp tục ôn thi bài kiểm tra cuối cùng để lấy bằng.

Đi làm về tranh thủ nấu ăn, dọn dẹp xong xuôi là khoảng 9 giờ, chồng giúp trông con để tôi học bài. Cuối tuần tôi nhờ ông bà trông giúp để có 2 ngày rảnh học bài. Vậy là năm đó tôi thi đậu. Cuối năm sau, sếp và lãnh đạo công ty đều đánh giá cao năng lực của tôi, cộng với cái bằng mới lấy được, lương của tôi nhảy lên 87 ngàn USD. Không những vậy, tôi còn được một người bạn cho biết rằng sếp biết lương tôi thấp so với thị trường, tôi có thể nghỉ việc ở đây và kiếm được việc lương cao hơn. Thực sự từ lúc đi làm đến giờ, tôi không mấy quan tâm đến lương bổng, tôi nghĩ nếu mình cố gắng làm việc hết sức thì trước sau gì người ta cũng nhìn thấy và đền bù xứng đáng.

Một lãnh đạo cấp cao ở công ty tôi làm gần đây được mời sang công ty đối thủ để làm CEO, ông đã ngỏ mời tôi qua đó làm với mức lương hơn 100 ngàn, nhưng tôi vẫn chưa nhận lời. Tôi nói với ông rằng tôi lo công việc mới không phù hợp với mình, sẽ không xứng đáng với số tiền ông trả cho tôi. Ông trả lời: “Tôi đã làm việc với bạn suốt 2 năm qua, tôi biết chắc chắn rằng dù có đặt bạn ở vị trí nào thì bạn cũng sẽ có thể làm tốt”. Tôi rất vui khi nghe được điều này, vì biết rằng tất cả những nỗ lực mình bỏ ra đã được công nhận và đánh giá cao.

Hoa


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày