Theo cảnh sát, vào tháng một, có một người Việt Nam tên Cảnh đã đến Sở cảnh sát Tamba, tỉnh Hyogo để trình báo về việc bị đánh cắp điện thoại. Mục đích của hành động này là để được phía cảnh sát cung cấp giấy chứng nhận mất đồ.
Bằng cách khai báo mất iPhone, hai người Việt đã chiếm đoạt được thêm một chiếc điện thoại mới. Ảnh: MBS News |
Sau khi có được giấy chứng nhận, đối tượng đến cửa hàng điện thoại của nhà mạng để được đổi chiếc điện thoại mới miễn phí. Chiếc máy bị báo mất là sản phẩm iPhone 12 Pro Max có giá bán tại Nhật là 156.000 yên, tương đương 32 triệu đồng.
Sau đó người này bán lại chiếc iPhone cũ của mình cho một người đồng nghiệp với giá 120.000 yên (khoảng 25 triệu đồng).
“Ở Nhật, các nhà mạng bán iPhone theo hợp đồng với giá rất tốt, sau đó trả cước hàng tháng. Khi sản phẩm bị mất cắp, nhà mạng sẽ đổi mới thiết bị cho người dùng”, ông T.D Phong, người từng làm việc hai năm tại Nhật Bản trả lời Zing.
Theo ông Phong, đây là chiêu trò không mới, đã được chia sẻ trong cộng đồng ở Nhật Bản. “Đầu tiên, cần mang điện thoại đến một chỗ đông người như nhà ga, trung tâm thương mại… rồi khóa định vị, tắt nguồn thiết bị và cất giấu. Sau đó, tới đồn cảnh sát để khai báo mất máy. Khi nhận được giấy báo mất đồ là có thể đến cửa hàng điện thoại để lấy thêm một chiếc iPhone”, ông Phong giải thích.
Ngoài ra, hai người Việt bị bắt khai báo với phía cảnh sát rằng họ học được cách lừa đảo này từ người quen trên Facebook.
Theo thống kê của Sở cảnh sát tỉnh Hyogo, đã có 328 trường hợp người Việt Nam trình báo về việc bị mất điện thoại thông minh trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh. Điểm chung của các trường hợp này là đều bị mất cắp tại các nhà ga đông người. Phía cảnh sát Hyogo đang điều tra các vụ việc trên xem có liên quan đến hành vi lừa đảo hay không.
Nguồn: Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC