Bà Araceli là một phần của ngành công nghiệp làm nail ở New York với chủ yếu nhân viên là phụ nữ nhập cư gốc Á và Latin.
Ngay cả khi Covid-19 buộc các tiệm nail ở New York phải đóng cửa, bà vẫn tiếp tục đi làm để có thể duy trì thu nhập.
Trên thực tế, ngay từ trước đại dịch, những người thợ làm nail đã phải đối mặt điều kiện làm việc khắc nghiệt. Họ phải trải qua nhiều giờ hít thở với mùi hóa chất độc hại và thường xuyên phải đối mặt với việc bị ăn chặn tiền lương.
Đại dịch Covid-19 đã đặt những người lao động như bà Araceli vào vị trí thậm chí còn nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của The NY Nail Salon Workers Association (Tạm dịch: Hiệp hội lao động làm móng tại New York), 29% nhân viên làm nail ở New York cho biết họ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, con số cao gần gấp ba lần so với tỷ lệ toàn thành phố.
Các nhân viên làm nail, phần lớn là người da màu thuộc tầng lớp lao động, phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức báo động. Ảnh: Getty.
“Vật tế thần” bị mắc kẹt
Tại California, các nhân viên làm nail, chủ yếu là người Việt hoặc người Mỹ gốc Việt, đã bị đổ lỗi một cách vô lý khi số ca nhiễm của bang tăng mạnh vào mùa xuân năm 2020.
Nỗi sợ hãi về nạn phân biệt chủng tộc càng dâng cao khi Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố ngành công nghiệp làm nail là nguồn gốc của sự bùng phát Covid-19, mặc dù các nhà hoạt động thông báo văn phòng thống đốc đã bác bỏ tuyên bố trong cuộc họp riêng.
Giữa bối cảnh đó, các tiệm làm nail vẫn đang vật lộn để tồn tại giữa các lệnh đóng cửa và mở cửa trở lại.
Ông Tony Nguyen, điều phối viên chương trình tại California Healthy Nail Salon Collaborative, cho biết tiền thuê mặt bằng đang tăng lên trong khi việc làm ít đi.
Nhiều phụ nữ lớn tuổi lo ngại rằng họ sẽ không được gọi trở lại làm việc sau đại dịch. Một số khác lại lo lắng về sự an toàn khi họ chưa được tiêm chủng.
An toàn trở thành điều quá xa xỉ với những lao động ngành nail. Ông Nguyen nói: “Bạn sẽ ở đó trong 8 hoặc 10 tiếng làm việc. Và một số khách hàng thậm chí không thích đeo khẩu trang”.
Các tiệm làm nail mở cửa trở lại sau đại dịch. Ảnh: AP.
Bà Prarthana Gurung, giám đốc chiến dịch và truyền thông của Adhikaar, một tổ chức phi lợi nhuận ở New York, chia sẻ: “Nhiều người sẽ quay trở lại làm việc vì họ phải gánh một khoản nợ lớn”.
“Họ sẽ nói rằng ‘Tôi phải trở lại làm việc – tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải nuôi các con mình’”, bà cho biết.
Không thể tiếp nhận trợ cấp
Bà Gurung nhận định: “Ngay sau lệnh phong tỏa, toàn bộ ngành công nghiệp làm nail sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp 100%”.
Một số lao động đủ tiêu chuẩn nhận viện trợ từ chính phủ nhưng trước tiên họ phải truy cập vào trang web và đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên theo bà Gurung, đó là việc “gần như không thể” đối với một số thợ làm móng ở New York vì khả năng ngôn ngữ và kiến thức công nghệ hạn chế.
“Có một khoảng cách lớn về mặt tiếp cận thông tin”, bà Gurung nói. “Vì vậy mọi người không nhận được viện trợ đúng lúc hoặc không nhận ra những lợi ích mà họ có thể nhận được”.
Tình trạng nhập cư phi pháp khiến việc tiếp cận hỗ trợ tài chính thậm chí còn khó hơn.
Nhiều nhân viên làm nail ở New York không có giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc họ không đủ tiêu chuẩn để hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản hỗ trợ khác.
The NY Nail Salon Workers Association đã khảo sát hơn 1.000 thành viên, hầu hết là người Latin, và nhận được kết quả với hơn 81% nói rằng họ không được chính phủ trợ giúp trong đại dịch.
Ưu tiên thấp
Các kỹ thuật viên làm nail cũng như nhân viên chăm sóc khách hàng phải làm việc trực tiếp với khách hàng trong cả tháng trời. Vậy nhưng, không giống như nhân viên cửa hàng hay tài xế giao hàng, họ không được ưu tiên tiêm vaccine tại New York.
Nhiều người chỉ được đặt lịch hẹn sau khi chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho nhiều nhóm tuổi hơn.
Bất chấp những hứa hẹn về việc vaccine sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân, những người da màu thuộc tầng lớp lao động vẫn khó có thể tiếp cận chúng.
Sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng giữa người da màu và người da trắng vẫn tồn tại ở Mỹ. Và khoảng cách đó cần được thu hẹp để ngăn chặn dịch bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại New York. Ảnh: AFP.
Bà Araceli, thành viên trong Nail Salon Workers Association (tạm dịch: Hiệp hội công nhân làm móng), là một bà mẹ đơn thân có hai cậu con trai. Việc được tiêm chủng vaccine sẽ có ý nghĩa lớn, có thể giúp cuộc sống của họ được đảm bảo và kiểm soát tốt hơn trong khi công việc hiện tại của bà đối mặt nhiều rủi ro.
“Là những người lao động, chúng tôi xứng đáng được coi là ‘thiết yếu’ bởi chúng tôi đi làm như bất kỳ người nào khác,” bà nói.
Hy vọng nào cho những người làm nail tại Mỹ
Để giải quyết những vấn đề này, các nhà lập pháp New York đang bàn luận về kế hoạch Excluded Workers Fund (tạm dịch: Quỹ Người lao động bị loại trừ). Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ trợ cấp thất nghiệp cho những người trước đây không đủ điều kiện.
Một số người lao động đang tuyệt thực, kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang cam kết đầu tư 3,5 tỷ USD cho quỹ. Nhưng trong thời gian chờ đợi, khoản cứu trợ có sẵn phần lớn vẫn đến từ chính cộng đồng làm móng thông qua tổ chức cơ sở.
Bà Gurung cho rằng mặc dù cộng đồng của bà đã phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát, đại dịch đã khiến người lao động phải hành động. Họ đã học cách sử dụng đường dây nóng để truy cập thông tin và tiếp cận các nguồn viện trợ tốt hơn.
Nguồn: Zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC