Lớn lên trong gia đình nghèo có 5 anh chị em, Diep phải bỏ học từ năm 14 tuổi để làm việc trong một nhà máy. Ba năm sau, cô chuyển đến TP. HCM làm việc trong các nhà hàng, cửa hàng quần áo, song lương thấp khiến tình hình tài chính gần như không được cải thiện.
Năm 2019, một người đàn ông là "bạn của một người bạn" liên lạc với Diep trên Facebook, mời cô làm "việc nhẹ lương cao" là phục vụ bàn ở Myanmar. Sau nhiều lần gặp gỡ và thảo luận, Diep quyết định nhận việc và bay cùng người này đến Myanmar.
"Cơ hội quá hấp dẫn, tôi có thể tích góp tiền, phụ giúp bố mẹ và mua quần áo mới cho họ", Diep nói.
Đến nơi, Diep được chở bằng ôtô trong 24 giờ tiếp theo, cuối cùng đến một tòa nhà có bảo vệ vũ trang đứng gác ở bang Shan, phía bắc Myanmar.
Diep bị nhốt trong một căn phòng khóa kín, nơi cô được thông báo rằng công việc là bán dâm. Cô tức giận từ chối, dù bị những kẻ giam cầm mình đánh đập dã man.
Một phụ nữ là nạn nhân buôn người đoàn tụ với con trai sau khi được giải cứu khỏi Myanmar. Ảnh: Tổ chức Rồng Xanh
Nhưng khi đám bảo vệ xông vào phòng và cưỡng bức cô, Diep đành phải buông xuôi. Cô bị đe dọa "nếu không đồng ý bán dâm, hình phạt hàng ngày sẽ là hiếp dâm".
Trong khu nhà, Diep được phép tiếp xúc với các phụ nữ khác, một số cũng là người Việt. Tất cả những phụ nữ này bị ép sử dụng ma túy đá để "tăng sức chịu đựng và ham muốn tình dục".
"Ngay cả trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ trở nên như vậy", Diep nhớ lại. Cô gái 19 tuổi muốn chạy trốn, nhưng nhận ra rằng đó là hành động rất nguy hiểm, có thể trả giá bằng tính mạng.
Đến một ngày, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation), lên kế hoạch giải cứu Diep. Rồng Xanh là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hà Nội, chuyên giải cứu nạn nhân buôn người.
Khi được giải cứu và hồi hương, Diep đã 22 tuổi và bị ép làm nô lệ tình dục trong hơn ba năm.
"Tôi vẫn không tin nổi là mình đã được tự do, được về nhà gặp bố mẹ và rằng nỗi đau đã chấm dứt, bởi đó là bước ngoặt quá sốc", cô kể. "Khi đã về nhà, tôi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ, rằng đây không phải sự thật, rằng tôi chỉ đang mơ và vẫn bị kẹt ở đó".
Rồng Xanh không chia sẻ chi tiết về những cuộc giải cứu, do lo ngại có thể gây nguy hiểm tới những nỗ lực tương tự trong tương lai. Nhưng họ khẳng định Diep không phải trường hợp duy nhất.
Một phụ nữ là nạn nhân buôn người được giải cứu và đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Tổ chức Rồng Xanh
Năm 2020, Rồng Xanh cho biết đã giải cứu 274 người Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, con số này giảm xuống 110 người năm 2022. Cũng trong năm đó, Rồng Xanh giải cứu 62 người ở Campuchia và 44 người ở Myanmar, nhưng trong năm 2018, tổ chức không ghi nhận bất cứ nạn nhân nào.
Chính biến ở Myanmar hồi năm 2021 đã làm tình hình thêm phức tạp, thúc đẩy hoạt động tội phạm xuyên quốc gia ở các vùng này, Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar từ Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định. Các nỗ lực chống buôn người từ đó cũng "suy giảm đáng kể".
Hanh, một nạn nhân khác ở Myanmar, cũng bị ép làm gái mại dâm, bị những kẻ buôn người đánh đập và bắt sử dụng ma túy. Cô bị lừa bán sang Campuchia năm 2021 do khó khăn tài chính và hồi hương vào tháng 9/2022 với sự trợ giúp của tổ chức Rồng Xanh.
Bên trong "địa ngục trần gian" ở Myanmar, Hanh thường xuyên bị đe dọa bạo lực và cho biết đã chứng kiến nhiều vụ nổ súng xung quanh mình.
Một ngày nọ, một phụ nữ tìm cách chạy trốn nhưng bất thành và bị bắt lại. Hanh cho biết những kẻ buôn người đã lột trần người này, bỏ đói và xiềng trước nhà để răn đe.
"Ngay cả khi trốn được, các nạn nhân ở khu vực phía bắc Myanmar sẽ phải trải qua hành trình xuyên rừng, vượt sông và núi. Tất cả đều có nguy cơ bị bắn hoặc bị bắt và bán lại. Những chuyện xảy ra ở khu vực này thật khủng khiếp", ông Brosowski nói.
Đinh Thị Minh Châu, nhà tâm lý của Rồng Xanh, cho hay các phụ nữ mà tổ chức giải cứu ở Myanmar "đều phải chịu đựng hơn bất kỳ người nào khác". "Họ không còn quan tâm đến rủi ro hay sống chết, mà chỉ muốn tìm được cách trốn thoát", bà nói.
Đức Trung (Theo Al Jazeera)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC