Ngoài việc phải lẩn trốn sự kiểm soát của nhà chức trách nước sở tại, những lao động "chui" này còn phải đối mặt với muôn vàn rủi ro khác, thậm chí nhiều người phải trả giá đắt bằng cả tính mạng.
Chị Nguyễn Thị Phượng làm cỏ, chăm sóc vườn keo.
Bên kia miền đất hứa
Dưới ánh điện lờ mờ vùng thôn quê, chị Nguyễn Thị Phượng ở khu 5, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa xoa hai cánh tay gân guốc nổi lên từng lớp da gà mỗi khi nhắc đến chuyện đi về "miền đất hứa" Trung Quốc.
Giọng trầm xuống, chị kể: Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi liều vay tiền của ngân hàng và người thân để xây hai gian nhà thay cho ngôi nhà cũ lợp lá cọ xiêu vẹo. Làm nhà xong, cũng là lúc gia đình phải sống trong đống nợ nần. Đúng lúc ấy (tháng 9/2017), qua người quen giới thiệu, tôi "xin" đi lao động ở Trung Quốc. Người này nói rằng, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần "nộp" cho người dẫn đường từ 3 - 5 triệu đồng sẽ có ngay một "việc làm tốt" tại Trung Quốc, "bèo" nhất mỗi tháng cũng kiếm được hơn mười triệu đồng.
Chả cần đắn đo, hai vợ chồng vay mượn được hơn 5 triệu đồng, anh vì sức khỏe yếu hơn nên ở nhà trông nom con cái. Cùng đi với chị lần này còn có 5 người cùng xã nhưng ở khu 1, khu 2. Theo chỉ dẫn của người môi giới, chị đến điểm hẹn tại Lạng Sơn để nộp tiền và chuẩn bị qua biên giới. Tại đây chị còn gặp nhiều người ở các xã: Lệnh Khanh, Phụ Khánh, Hà Lương, Đại Phạm đi cùng đợt với chị. Nộp tiền xong, chị và mọi người được NMG dẫn đi qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi lại bàn giao cho NMG khác.
"Để đến được nơi làm việc như thỏa thuận, tôi cùng nhiều người khác phải đi đường bộ khá vất vả, vượt đèo dốc, băng rừng, tính ra mất đến 4 ngày đêm mới nhìn thấy mặt đường lớn. Hết đi bộ, chúng tôi bị nhồi nhét như lợn trên một chiếc xe ô tô nhỏ, xe chạy khoảng 20 cây số mới đến nơi làm việc", chị Phượng kể.
Chẳng biết người môi giới đã đưa mình đến tỉnh nào của Trung Quốc, chỉ biết đó là một xưởng sản xuất đồ gỗ với rất nhiều công đoạn chế biến, có khoảng 30 - 40 lao động các nước. Nơi ở của người lao động là những lán trại được chủ xưởng gỗ dựng lên. Thời gian làm việc thường 12 tiếng/ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Bữa ăn đạm bạc vô cùng. Mọi người thường nói vui với nhau "như ăn cơm lợn", toàn rau, một tuần mới có một bữa được ăn thịt. Bữa sáng lại càng tồi tệ hơn, chỉ được ăn cháo trắng nấu bằng cơm nguội ăn thừa và bánh bao chay.
Nhớ lại những ngày kinh hoàng đó, chị Phượng ngậm ngùi: "Ngót nghét hơn một năm ở xứ người, ít nhất hai, ba lần bọn chị bị chủ quỵt tiền lương, cùng vài ba lần chạy trốn cảnh sát. Bình thường mỗi tháng chủ đều trả lương, nhưng có đợt 2 tháng rưỡi đến 3 tháng lương vẫn bị chậm. Tìm hiểu mới biết, vì không muốn trả lương nên chủ sử dụng lao động lần lữa, rồi bí mật báo cảnh sát đến kiểm tra giấy tờ tùy thân của lao động bất hợp pháp. Lần ấy, tôi và vài người Việt nữa may mắn chạy trốn được, nhưng sau đó cuộc sống chẳng khác gì địa ngục, cả tháng lang thang vất vưởng, trốn chui trốn lủi ngoài đường, ngủ cả ở gầm cầu, góc chợ, lại không biết tiếng nên để tìm được một công việc khác là vô cùng khó khăn".
Cũng theo chị Phượng, lương mỗi tháng chưa nổi 10 triệu đồng, nhưng việc gửi tiền về cho người nhà cũng rất khó khăn, buộc phải qua trung gian là người môi giới với khoản "lệ phí" không ít.
Cuối năm 2018, chị đành chia tay với "miền đất hứa" trở về Việt Nam.
Ngôi nhà của gia đình chị Phượng.
Chung hoàn cảnh như chị Phượng, giữa năm 2017, chị Nguyệt ở khu 10, xã Lệnh Khanh cũng theo "cò" vượt rừng sang Phúc Kiến, Trung Quốc làm ăn với hy vọng khi về sẽ trả hết số tiền vay để làm nhà.
Một năm rưỡi nếm trải những cơ cực nơi xứ người, nhất là những lần bị cảnh sát truy lùng, chị phải ở "biệt tích" trong rừng sâu cả tháng trời, cũng may số chị chưa bị rắn độc… ăn thịt.
Tháng 11/2018, sau nhiều lần vượt biên hụt, cuối cùng chị cũng trở về Việt Nam với vẻn vẹn số tiền 30 triệu đồng, bởi thời gian chạy trốn nhiều hơn thời gian làm việc.
Trường hợp của Ngọc Tuấn ở khu 1, xã Đại Phạm thật đáng thương. Học dở cấp 3 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuấn được môi giới đưa đi lao động "chui" sang Trung Quốc làm việc trong một xưởng giày da. Mức lương khiêm tốn 5 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian làm việc cũng không được bao nhiêu vì Tuấn liên tục phải di chuyển chỗ ở do bị cảnh sát hỏi giấy tờ tùy thân. "Trong 3 năm (2015 - 2017) ở Trung Quốc, em không còn nhớ rõ bao nhiêu lần chạy trốn cảnh sát nữa, nhưng một lần bị trận đòn "thập tử nhất sinh" khiến em nhớ mãi.
Đó là những ngày vất vưởng đói khát lang thang tìm việc nơi xứ người, em đã lấy cắp một ổ bánh mì ở một tiệm ăn của người Trung Quốc.
Rất may hôm đó em gặp được một người Việt Nam sinh sống lâu năm ở bên đó bảo lãnh.
Điều buồn hơn, đó là khi gửi tiền về nhà, em thường góp lại 3 tháng rồi gửi qua người môi giới, nhưng lại bị "bùng" mất đến 3, 4 lần. Sau 3 năm đi lao động "chui", em chỉ mang về được… 30 triệu đồng", Tuấn cười chua xót.
"Khi đi nó khỏe mạnh, đón về chỉ một nắm tro"
Đến nhà cụ Nguyễn Thị Hoan, 85 tuổi ở khu 1, xã Phụ Khánh, có đứa cháu trai xấu số đã mất cách đây 3 năm khi sang lao động "chui" ở Trung Quốc, nhưng bước vào căn nhà, mọi sự đau buồn như vừa mới xảy ra.
Tay run run sờ tấm ảnh cháu trai xấu số, cụ Hoan rưng rưng: "Cháu ơi, lá vàng vẫn ở lại mà lá xanh vội lìa xa. Giá như nhà không nghèo thì cháu tôi vẫn còn sống, giá như…".
Cháu trai của cụ là Đào Anh Dũng, 20 tuổi, từ nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Nhà nghèo phải nghỉ học dở chừng để đi làm thuê lấy tiền giúp đỡ bố mẹ. Chị Phạm Thị Hạnh (mẹ đẻ Dũng) tiếp nối câu chuyện trong tiếng nấc nghẹn: "Tháng 2/2016, Dũng xin phép bố mẹ theo nhóm bạn sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có cả anh trai con bá ruột đi cùng. Ở nông thôn thấy có nhiều người trong làng rủ nhau sang Trung Quốc lao động nên vợ chồng tôi cũng gật đầu cho con đi. Từ ngày Dũng đi hôm nào cũng chuyện trò với mẹ qua mạng Internet.
Dũng kể công việc làm thuê rất vất vả, do đi lao động chui nên nhóm người làm ở xưởng sản xuất giày dép cùng với Dũng phải trốn ở một chỗ, không được ra ngoài tự do.
Tuy công việc đóng đế giày của Dũng mức lương khá cao, khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng rất cực nhọc. Dũng phải làm việc từ 8 đến 12 tiếng/ngày, bàn tay của Dũng luôn trong tình trạng phồng rộp, đau nhức.
Đến cuối tháng 6/2016, tin dữ ập đến gia đình. Dũng và cháu trai của tôi đều bị đuối nước tử nạn cùng một ngày ở nơi xứ người".
Công an huyện Hạ Hòa đến thăm hỏi, động viên gia đình có người thân bị tử nạn ở Trung Quốc.
Trong căn nhà cấp bốn, bà Nguyễn Thị Hòa ở khu 9, xã Gia Điền khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của người con trai mới ngoài 20 tuổi.
Vì cuộc sống khó khăn, nên từ năm 13 tuổi, Dũng, con trai thứ hai của bà Hòa đã phải gác lại việc học để đi làm thuê, kiếm tiền giúp gia đình. Năm 2016, Dũng đã theo bạn bè xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để tìm việc, và vài tháng sau đó, gia đình nhận được tin Dũng tử vong tại Trung Quốc. Bà Hòa nghẹn ngào: "Thấy nhiều người đi thì con trai tôi cũng bảo đi để kiếm tiền. Lúc đi nó khỏe mạnh là thế, vậy mà lúc tôi đón về chỉ là một nắm tro".
Năm 2016, Nguyễn Hoàng Thanh ở xã Lệnh Khanh vừa tròn 20 tuổi, vì muốn thoát nghèo nên đã theo bạn bè xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Mới làm được 3 tháng, một tai nạn không may đã cướp đi sinh mạng của cậu thanh niên này, khép lại ước mơ đổi đời còn dang dở. Đôi mắt đỏ hoe, bà Phạm Thị Hồng (mẹ của Thanh) nức nở: "Cháu bảo Tết sang năm kiểu gì con cũng về ăn Tết với mẹ… Không ngờ cháu đi không về nữa. Cháu Thanh là trụ cột gia đình nên khi cháu mất gia đình rất khó khăn".
Theo báo cáo của UBND huyện Hạ Hòa, thời gian qua tình trạng công dân trên địa bàn huyện xuất cảnh ra nước ngoài lao động, kết hôn, sinh sống trái phép diễn ra phức tạp. Toàn huyện có khoảng hơn 100 công dân thường xuyên xuất cảnh lao động trái phép (chủ yếu sang Trung Quốc) và khoảng 70 trường hợp phụ nữ xuất cảnh trái phép chung sống, kết hôn với người Trung Quốc, khi trở về thăm thân nhân thường dẫn theo chồng, thân nhân gia đình chồng và con lai; nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt, không cho cư trú, trao trả về Việt Nam; đáng chú ý trên địa bàn huyện đã có 6 công dân địa phương bị chết trong thời gian lao động, cư trú ở Trung Quốc.
Chi phí cho hoạt động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê thấp, giá khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng, có thể trả ngay hoặc trừ vào tiền lương lao động tại Cty ở Trung Quốc. NLĐ chủ yếu làm các ngành nghề thủ công độc hại, nặng nhọc. Họ bị vắt kiệt sức lao động với thời gian làm việc cật lực từ 11 đến 12 tiếng/ngày. |
Tính riêng từ năm 2011 đến tháng 7/2016, có khoảng 1.114 công dân huyện Hạ Hòa xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc lao động. Một số đối tượng đã bị cơ quan công an điều tra, xác minh, khởi tố về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. |
Nguồn: CHÂU ANH - HOA HẠ/ baodansinh.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC