Vài năm trở lại đây, mỗi dịp gần Tết là rộ lên những ý kiến tranh luận rằng Việt Nam có nên đổi sang ăn Tết tây để hội nhập cùng thế giới hay không? Mỗi một luồng có lý lẽ, suy nghĩ và góc nhìn riêng, nếu chúng ta không cùng ý kiến thì cũng nên tôn trọng lẫn nhau.
Nếu một ngày Việt Nam không được nghỉ Tết ta thì sao?
Trường hợp này sẽ giống với những người Việt xa quê – những người không được nghỉ Tết Việt. Cho dù có khác nhau về vùng miền, tôn giáo, chính trị… thì người Việt vẫn rộn ràng chuẩn bị cho Tết riêng của mình, một cái Tết không mai đào rộn ràng khắp phố mà là Tết trong tâm hồn của mỗi người.
Những người Việt xa quê đã chứng minh được một điều rằng người Việt có thể hội nhập nhưng văn hóa Việt và Tết trong tâm hồn Việt không bị hòa tan. Cho dù được nghỉ trái mùa trái ngày để ăn Tết Tây, nhưng ngày Tết cổ truyền vẫn là một dịp đặc biệt để dân Việt ở khắp nơi háo hức đón mừng.
Mỗi khi nghe bạn bè vô tình hỏi “người Việt cũng ăn tết Trung Quốc?” (Chinese New Year) mà đau lòng nhưng không thể không công nhận người Trung Quốc đã làm rất tốt việc duy trì và quảng bá văn hóa của họ.
Người Trung Quốc tổ chức những buổi lễ hội đình đám múa lân múa rồng khắp nơi mà nhiều người phương Tây cũng chờ đợi để tham gia chung. Tuy nhiên, vẫn có vài người tìm đến Việt Nam để hòa vào cái không khí náo nức của Tết phố phường ở đất Việt và hiểu rằng người Việt đón Tết Việt – Tết Âm lịch – Tết trong tâm hồn dân Việt chứ không phải Tết Trung Quốc. Ngay cả các gia đình Ireland (Irish, Ireland) có con nuôi người Việt cũng cố gắng mang đến một cái Tết Việt trong tâm hồn cho các cô bé cậu bé xa quê nhớ về nguồn cội của mình.
Người xa quê không được đón Tết phố phường mà chỉ đón Tết trong tâm hồn. Tết trong tâm hồn không rộn ràng đình đám, không đèn hoa cờ trống múa lân tưng bừng.
Tết trong tâm hồn của người Việt xa quê trầm lắng hơn với những buổi họp mặt đầy cảm xúc và đủ để làm ấm những ngày Tết không màu. Người Việt xa nhà cũng bận rộn hơn khi Tết đến. Họ bận rộn sắp xếp việc của mình để dành chút thời gian quây quần với nhau, bận rộn để chuẩn bị trước cả tuần cho một bữa ăn họp mặt không bánh mứt - “dưa vàng” - câu đối đỏ, người Bắc không có thịt đông, không hoa đào, người Nam không có thịt kho hột vịt, không bánh tét, không hoa mai. Chỉ có vài món Việt đơn giản, chả lụa, giò thủ và cái bánh chưng chia năm sẻ bảy cũng đủ thấy Tết.
Có một người quen “khen” tôi mạnh mẽ vì Tết mà “chẳng chịu” về. Chắc họ chẳng biết lời “tán dương” đó tàn nhẫn đến mức nào. Chỉ mỗi việc đấu tranh với bản thân để có thể tập trung làm việc, học hành như bình thường đã là một thử thách.
Tết trong tâm hồn người xa xứ là một niềm ray rứt xen lẫn chút hy vọng ở một năm mới tốt đẹp hơn và một ngày nào đó sẽ được về nhà đón Tết phố phường. Tết trong tâm hồn không có những ngày nghỉ thảnh thơi để bận rộn họp mặt họ hàng, đi xuống phố với bạn bè, hay chỉ đơn thuần nằm cuộn ở nhà than chán... Tết trong tâm hồn chỉ là nhớ nhung những ngày Tết xưa cũ, chỉ là tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi lướt vội qua những tấm hình Tết tràn ngập phố phường, những phiên chợ Tết rộn ràng với mai vàng, đào hồng, bao lì xì đỏ, dưa hấu xanh, bánh mứt đủ màu…
Tết trong tâm hồn là những cuộc gọi video đường dài, nằm co ro trong mền bông xem ba đang đổ mồ hôi dọn nhà, rồi bận rộn chăm chút mấy cây mai đầy nụ, mẹ thích thú khoe cây khóm trồng mấy năm giờ ra trái đỏ hỏn, khoe áo mới mẹ mặc trong Tết này… Tết trong tâm hồn là một cuộc gọi về trong đêm giao thừa mà chẳng dám mở hình sợ mẹ thấy mắt đỏ hoe, là nghe ba ngồi im lặng kế bên, là nghe giọng mẹ bất ngờ nghẹn lại rồi tắt vội cuộc gọi để chuẩn bị cúng giao thừa…
Nếu một ngày Việt Nam chẳng còn đón Tết Âm lịch rộn ràng khắp phố phường, không được nghỉ học nghỉ làm để về nhà trong những ngày Tết truyền thống. Tết Việt chắc lặng lẽ hơn nhưng vẫn không thể cấm được Tết trong tâm hồn mỗi người, sẽ không thể cấm được hoa mai hoa đào nở bung khắp phố, sẽ không cấm được mùa xuân về khắp chốn, sẽ không cấm được người Việt háo hức đón chờ và hy vọng một năm Âm lịch may mắy hơn, không cấm được người Việt tiễn ông Táo, không cấm được người ta thức dậy nửa đêm để làm mâm cơm cúng giao thừa, không cấm được những buổi họp mặt năm mới... Lúc đó, người Việt sẽ vẫn đón Tết trong tâm hồn lặng lẽ hơn nhưng vẫn đầy ý nghĩa và ấm áp.
Có ai gửi chút nắng ấm, mai vàng, bánh tét với chút mùi thịt kho hột vịt cho Dublin không?
Nguồn: VnExpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC