Ở Mỹ, xe hơi không giống như Việt Nam, nó như một cái nhà di động mà có khi thời gian ở trên xe còn nhiều hơn ở trong nhà.
Một ngày tôi làm hai công việc, chỉ tranh thủ những lúc giải lao, ra xe ăn uống cho lại sức và nghỉ ngơi một chút rồi lại bắt tay vào công việc tiếp theo. Một tháng sinh hoạt là bao nhiêu thứ chi phí cần phải trả: hết tiền điện, tiền nước, tiền ga, rồi cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe. Vì thế, càng có cơ hội kiếm tiền, tôi lại càng ham làm việc.
Đồ ăn chuẩn bị chẳng có gì nhiều. Đôi khi là những món nấu từ hôm qua, hâm nóng lại ăn trong giờ nghỉ chút rồi lại qua làm.
Ca làm việc khá linh hoạt, được chia thành ca 8 tiếng và 12 tiếng. Ngày trước tôi thường nhận hai ca 8 tiếng để dễ dàng luân phiên và sắp xếp thời gian làm việc. Giữa hai công việc sẽ có từ 1-2 tiếng nghỉ ngơi, lúc này chỉ ra xe nằm nghỉ chút thôi, đồ ăn thức uống trên xe luôn sẵn có, thậm chí cả hộp quẹt, màn, gối,..
Qua Mỹ, sướng đâu không thấy chỉ thấy cày như trâu. Thế nên tôi mới hay nói đùa rằng, ở Việt Nam còn có mười hai con giáp, chứ ở Mỹ chỉ có mỗi trâu và ngựa mà thôi.
Nhưng sự thật là đâu có ai bắt được mình hao tốn sức lực nhiều như vậy, là do mình chọn như thế. Vì làm việc ở Mỹ kiếm được nhiều quá, kiếm được nhiều nên mới ham làm. Tính ra làm một giờ ở Mỹ được khoảng 10 đô, công việc cũng chẳng mấy nặng nhọc, một ngày làm mười hai tiếng là được 120 đô, quy ra tiền Việt làm một ngày đã được gần 3 triệu rồi, mình làm một ngày ở Mỹ bằng họ làm cả tháng ở Việt Nam, nghĩ thôi càng có động lực để “cày”.
Có tiền thì sướng cái thân, đó là tư tưởng của những người mới qua đây là như vậy.
Sang Mỹ rồi thì cũng muốn kiếm tiền, rồi mua nhà mua cửa, mua điện thoại, mua xe. Ai mà chẳng có những nhu cầu vật chất như thế.
Mà muốn mua được nhà, mua được xe thì phải chăm chỉ làm việc. Mua nhà mua xe ở đây cũng dễ lắm, vì họ cho mình trả góp với điều kiện có ít nhất hai năm khai thuế và thu nhập ổn định. Cộng thêm nữa là bên Mỹ họ cần tiền hợp pháp và chứng minh thu nhập rõ ràng.
Tôi tính trung bình một tháng, làm hai công việc đồng thời kiếm được khoảng 2000 USD, trừ phí sinh hoạt chi tiêu rồi dành ra một khoản tiết kiệm cỡ 1000 USD, hai năm được khoảng 24.000 USD, đó vừa là tiền hợp pháp, vừa đủ để trả góp tiền nhà kèm lãi phát sinh.
Nghĩ đến Mỹ cũng buồn lắm, không có gì ăn chơi, không có ai nhậu nhẹt, không được sung sướng như ở Việt Nam.
Ở Mỹ, ăn uống tụ họp ngoài đường là cảnh sát canh rồi bắt luôn.
Chuyện trai gái cũng không hề đơn giản. Nếu có chẳng may quan hệ để lại hậu quả nghiêm trọng mà bị tố thì sẽ phải lo toan tính khoản tiền chăm lo cho em bé (child support), chi phí trừ thẳng vào tài khoản của mình, nghĩ đi làm vất vả cũng tiếc chứ nên tốt nhất là không nên để bị dính dáng đến những chuyện như vậy.
Bên đây, người ta mê cờ bạc. Mà mê cờ bạc thì nguy hiểm, “cờ bạc là bác thằng bần” mà. Có nhiều người phải ngủ trong xe vì hoàn cảnh, vì công việc, nhưng cũng có nhiêu người cả đời phải ngủ trong xe. Cờ bạc quá nên nợ, nhà mất, vợ con li dị, chỉ còn có thể sống nhờ chiếc xe của mình thôi.
Có qua đây moi người mới thấy được cảnh đó, mới thấu hiểu được nỗi khổ này. Bên Mỹ đồ ăn rẻ lắm, hàng hóa khắp nơi, nên sang đây không lo đói mà chỉ sợ bị buồn rầu.
Tôi cũng khuyên chân thành, nếu ai chịu cực khổ được, qua định cư rồi tu chí làm ăn thì sẽ mau khá lắm.
Nhiều người qua Mỹ, mặc dù trang trải đủ cho bản thân, nhưng vì thương gia đình nơi quê nhà nên cố làm thêm giờ, làm thêm việc để gửi tiền về nuôi cha mẹ, anh em, họ hàng.
Đặc biệt là các chị, các mẹ, họ vô cùng chịu khó làm việc gửi tiền về giúp gia đình. Họ kiếm tiền giúp cha mẹ xây dựng lại nhà cửa để nở mày nở mặt với hàng xóm, thì đó cũng là một phần lý do dễ hiểu vì sao người Việt qua định cư lại làm việc hăng đến như vậy.
Là người con xa nhà, các bạn biết đấy, nhớ lắm, làm lúc nào cũng chỉ nghĩ về quê hương mình. Đôi khi chỉ dám bỏ chút tiền mua đồ ăn quê để cho đỡ nhớ, chứ đồ Việt bên này đắt lắm. Ai chẳng muốn sung sướng, nhưng mà dẫu gì thì việc cũng là do mình chọn, chỉ còn cách tự động viên bản thân cố gắng làm lụng, cố gắng hoàn thành mục tiêu mình đề ra mà thôi.
Nguồn: Youtube Dương Trung Hiếu
© 2024 | Thời báo ĐỨC