‘Ở Chicago, trời càng xanh, càng nắng lại càng lạnh, gió buốt thấu xương. Nhiệt độ thường xuyên dưới -10 độ C’, chị Huyền Lê cho hay.
Dưới đây là chia sẻ của chị Huyền Lê, 32 tuổi, hiện là du học sinh trường Concordia University Chicago, thành phố Chicago, nước Mỹ về mùa đông khắc nghiệt nơi đây:
Hôm qua, bố mẹ tôi xem thời sự thấy có thông tin ở Mỹ lạnh kỷ lục, gọi điện ngay hỏi thăm con gái. Tôi nói mới có -20 độ C thôi, mà mẹ tôi đã xuýt xoa, hỏi han có đủ ấm không, dặn dò đủ thứ. Mẹ nói ở Việt Nam mười mấy độ đã lạnh lắm rồi.
Mọi người ở nhà cứ nghĩ nhiệt độ như vậy là kinh khủng lắm, nhưng ở Chicago, mùa đông năm nào cũng vậy, thường từ -12 tới -20 độ C. Thành phố nơi tôi ở, gần hồ Michigan, lại đúng hướng gió nên vừa lạnh vừa gió buốt thấu xương. Với tôi, nhiệt độ vào khoảng -7, -8 độ C như hôm Noel vừa qua là đẹp.
Sông hồ ở Chicago đóng băng trong mùa đông lạnh giá. Ảnh: NVCC.
Ở đây, tháng 9 đã không thể mặc quần áo cộc được, phải mặc áo len mỏng. Tháng 10 lạnh như mùa đông ở mình rồi, khoảng giữa tháng 11 là đã có tuyết rơi. Sau Lễ Tạ Ơn (cuối tháng 11) trời chuyển lạnh kinh khủng.
Ở Chicago trời lúc nào cũng xanh, trừ khi mưa hoặc tuyết rơi, nhưng lạnh lắm, càng nắng càng lạnh. Những hôm nào trời xám xịt hơn một chút lại ấm áp hơn. Bạn bè của tôi ở California, Miami qua Chicago chơi, thường bị sốc vì ở đây lạnh quá. Họ không thể tưởng tượng vừa lạnh vừa gió kinh khủng như thế khi nhìn những tấm hình tôi chụp qua Facebook.
Mùa đông ở đây kéo dài tới 5 – 6 tháng, đỉnh điểm lạnh nhất là vào khoảng tháng 2. Năm ngoái, có hôm trời lạnh tới -30 độ C, sông hồ đóng băng hết cả. Hầu như năm nào cũng có bão tuyết. Mỗi lần như vậy, nhiều chuyến bay đều bị hủy bỏ. Tôi từng “nếm cảnh này” vào dịp gần tết dương lịch năm ngoái.
Đêm Noel, ở Chicago nhiệt độ khoảng – 8 độ C, tuyết rơi khiến mọi người thích thú, vì có tuyết trời sẽ đỡ lạnh hơn. Ảnh: NVCC.
Nhiều người nghĩ bật hệ thống sưởi chắc tốn điện lắm, nhưng mỗi tháng tôi và cô bạn cùng phòng chỉ phải trả từ 20 tới 30 đôla tiền điện cho cả căn nhà thuê rộng khoảng 90 mét vuông. Trước đây, tôi ở nhà rộng 135 mét vuông, cũng chỉ tốn khoảng 28 đôla tiền điện. Tính ra còn rẻ hơn ở Việt Nam bật lò sưởi hay điều hòa.
Áo khoác mùa đông của tôi và mọi người bên này hầu như không thấm nước, thấm tuyết, nên không cần mặc quá nhiều mà vẫn ấm. Đồ bên trong chủ yếu là hoodie (áo nỉ có mũ), chứ không mặc đồ len vì len gió xuyên qua vẫn lạnh như thường. Ai cũng có giầy bốt đi mưa, bốt đi tuyết (snowboots, snowpants) vì nếu không sẽ không đủ ấm. Như chiếc bốt của tôi, chịu được nhiệt từ -22 đến -32 độ C. Ra ngoài lúc nào cũng phải nai nịt thật ấm, đầy đủ với mũ, găng tay vì hở ra một chút là lạnh buốt ngay.
Trời lạnh nên người dân ở đây rất nghiền món chocolate nóng hay Pumpkin Spice Latte. Lúc đầu, tôi không thích uống chocolate nóng tí nào nhưng qua đây mới thấy, đi ngoài trời lạnh buốt, nhâm nhi vài ngụm thấy tỉnh cả người. Giờ tôi đã hiểu, vì sao người Mỹ hân hoan đến thế khi thấy chocolate nóng.
Nơi đứng chờ tàu đều được trang bị hệ thống sưởi. Ảnh: NVCC.
Nhiệt độ thường xuyên ở mức âm, nhưng người lớn trẻ con vẫn ra ngoài chơi, hoạt động bình thường. Người ta không sợ các bé bị ốm, và không quá giữ con ở trong nhà. Ai cũng muốn con mình phải có thời gian hoạt động bên ngoài, vui chơi, thoải mái với các trò như trượt tuyết, trượt ván… để các con thích nghi với nhiệt độ, và năng động hơn.
Hôm nay, -19 độ, trời xanh nắng vàng, chân tay tôi tê cóng, nhưng vẫn đạp xe phăng phăng trên tuyết. Càng ở lâu trong cái khổ người ta sẽ dần thích nghi và biết sức chịu đựng của bản thân đến đâu.
Và tôi, vẫn cứ mê kem, và đánh chén ngon lành dù trời có -30 độ.
© 2024 | Thời báo ĐỨC