Người Việt thuộc thiểu số và phải cạnh tranh để có được sự hữu hình với các cộng đồng lớn hơn như người Hoa và người Ấn. Cơ hội chia sẻ và giáo dục xã hội lớn hơn về văn hóa Việt Nam đã thôi thúc nhiều cá nhân.
“Tôi chưa bao giờ nhận ra sự trân trọng và niềm tự hào về gốc gác Việt trong mình cho tới khi tôi tới Canada (vào năm 17 tuổi). Có lẽ tôi chỉ mặc áo dài có đôi ba lần trong suốt 17 năm ở Việt Nam. Vậy mà kể từ khi sang Canada, tôi đã mặc áo dài tới 10 lần”. Đó là tâm sự của nhà hoạt động cộng đồng Vân Đặng tại Vancouver.
Trước đây các nhà hoạt động tập trung gây dựng cầu nối giữa cộng đồng người Việt với xã hội lớn hơn, nhưng khi cộng đồng ngày một phát triển, Vân và những người trẻ khác đã nhận thấy nhu cầu xây cầu ngay trong chính cộng đồng bởi đã có những khoảng cách truyền thống giữa người già và người trẻ. Đã có những khoảng cách đương đại giữa những sinh viên quốc tế “có xu hướng co cụm trong bong bóng của chính mình” và những người sinh ra ở Canada “luôn khát khao tìm hiểu về cội nguồn”.
Âm nhạc đã là một cây cầu gắn kết xã hội xuyên suốt trong sử Việt. Jessica Lý đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình khi nhà hàng của cha mẹ chị trở thành tụ điểm giải trí cho cộng đồng người Việt tại địa phương. “Khi Centre trở thành một trong số rất ít những cơ sở kinh doanh của người Việt tại Edmonton vào thời điểm đó, chúng tôi cũng trở thành Đại lý nhạc Việt nhập từ California”.
Với cộng đồng luôn da diết nhớ quê, các nhạc sĩ đã làm thay công việc của những nhân viên xã hội khi mang tới sự khuây khỏa và vỗ về giữa bộn bề khổ sở. Với gia đình của Jessica, liệu pháp âm nhạc và công việc xã hội truyền thống chẳng hề khác nhau.
Jessica tâm sự: “Khi còn nhỏ, tôi đã thấy cha mẹ giúp mọi người gây dựng cuộc sống mới mặc dù nhà tôi cũng chẳng khá giả gì hơn; chỉ là chúng tôi bắt đầu trước. Cha tôi và những thủ lĩnh người Việt khác khi đó đã thành lập Hội Người Việt Edmonton vào năm 1978. Qua việc này, họ muốn bảo tồn văn hóa và kỉ niệm các ngày lễ thường niên”.
Jessica lập công ty Viet Showbiz Entertainment để làm việc với âm nhạc, nhưng điều thôi thúc cô chính là gặp gỡ thế hệ trẻ đang muốn lưu giữ văn hóa Việt và tự hào nói rằng họ là người Việt. “Tôi cảm thấy điều quan trọng là cha mẹ và gia đình cần cho con cái mình tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa Việt”
Mai Nguyễn-Lim ở Toronto may mắn được nuôi dậy bởi hai nhà giáo có niềm đam mê với công việc cộng đồng. Cha mẹ cô đã đăng ký cho cô tham gia vào đội Hướng đạo sinh Việt khi còn nhỏ. Mai nói: “Suốt cuộc đời, tôi đã luôn tham gia các hoạt động tình nguyện hay ngoại khóa tại mẫu hiệu (alma mater) và trong cộng đồng người Việt tại Toronto vì tôi thích được gắn kết với gốc gác của mình, với văn hóa và bản sắc của mình trong khi tạo nên điều khác biệt”.
Lớn lên, Mai tham gia vào nhiều Ủy ban và làm việc với nhiều tổ chức thiện nguyện như Hội Phụ nữ Việt tại Toronto, Hội người Việt Toronto, NAAAP (Hiệp hội chuyên gia người Á tại Bắc Mỹ), và Hội đồng Đa văn hóa Canada.
Diễn viên Thái-Hoà Lê sinh ra tại Montreal. Anh bắt đầu tìm thấy sự kết nối của mình qua các bài hát và điệu múa truyền thống. Năm 2008, anh và một vài người bạn ở Vancouver đã đồng sáng lập Tổ chức Bản sắc Văn hóa Đông Nam Á (Southeast Asian Cultural Heritage Society), tổ chức cộng đồng với sứ mạng bảo tồn và chia sẻ truyền thống qua nghệ thuật biểu diễn
Khi được hỏi về hoạt động của mình, Thái Hòa nói: “Điều đã dẫn dắt tôi theo con đường này có lẽ chính là việc tôi là một nghệ sĩ gốc Việt, sinh ra ở nước ngoài nhưng vẫn bị thôi thúc bởi ý niệm rằng dù bạn sinh ra ở đâu, bạn vẫn là người Việt”.
Bước đi tiếp theo của Thái Hòa là sử dụng bằng luật của mình để làm việc vì cộng đồng. “Trong thời đại biến động chưa từng có tiền lệ như bây giờ, khi chúng ta đang phải trải qua đại dịch Covid, sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội, sự nóng lên của trái đất, đây là hành động cách mạng của cá nhân tôi”.
Sự thật về văn hóa chính là, nó luôn ở đó với chúng ta, và biến đổi không ngừng. Nhà hoạt động và nhà báo Paul Nguyễn tại Toronto biết rõ điều này. Hai mươi năm qua anh đã thể hiện văn hóa, sự đa dạng, tài năng và vẻ đẹp của cộng đồng mình – nơi có tới hơn 100 ngôn ngữ được sử dụng.
Vì thế, chẳng có gì lạ khi ở đó lại sản sinh ra những tài năng trẻ người Việt như rapper Chuckie Akenz và Andree Right Hand. “Tôi đã xây dựng website cá nhân để phản biện lại những hình mẫu tiêu cực. Tôi đã làm việc với các cư dân để viết bản tin địa phương, âm nhạc, video, hội họa, thơ và nhiều sáng kiến khác để thể hiện cộng đồng của tôi theo góc nhìn tích cực”.
Anh đã chỉ ra rằng một cộng đồng có thể vừa đa dạng lại vừa thống nhất. “Điều quan trọng, những người sinh sống ở các quốc gia khác nhau học được từ nhau qua chia sẻ kiến thức và trải nghiệm. Tôi hi vọng, mọi người sẽ được truyền cảm hứng từ bài báo này, để tình nguyện dành thời gian xử lý nhiều vấn đề tồn tại trong các cộng đồng địa phương và nước ngoài”.
Sự vươn lên của thế hệ trẻ là không thể bàn cãi, nhưng nó đã dễ dàng hơn nhờ chính những người đi trước, như một nhân viên xã hội đã nói với tôi, “thực ra, tôi phát chán những gương mặt già nua như tôi (trong các vị trí lãnh đạo cộng đồng) rồi”
“Chúng tôi cần lui lại, để những người trẻ với ý tưởng và sáng kiến, dòng máu và nguồn năng lượng tươi mới hơn tham gia. Họ sẽ mắc sai lầm nhưng hãy để họ được sai và nếu họ nhận ra bài học thì họ sẽ không lặp lại sai lầm đó”.
Chìa khóa cho sự trưởng thành trong cộng đồng là dành cho mọi người từ già tới trẻ, người di cư và những người sinh trưởng tại đây, với tâm trí cởi mở và thiện chí chia sẻ những gì tốt nhất mà họ có thể mang lại.
Tương lai
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã luôn gặp phải khó khăn khi cố gắng duy trì tính kết nối với quá khứ, nhưng thế hệ mới đã và đang tìm ra những cách thức sáng tạo để làm việc đó.
Alex Thái Võ cùng vợ đã đặt cho hai con họ những cái tên đầy tính gợi về bản sắc của chúng. “Tôi đồ rằng việc đặt tên cho con cái có lẽ là một trong những hành vi ích kỉ nhất của kẻ làm cha làm mẹ đối với các con, như cha mẹ ta với ta, như ông bà ta đã làm với cha mẹ ta. Đó giống như một sự phản ảnh những khát vọng, những cảm hứng mà ta mong mỏi nơi những đứa con”.
Thu Quách cố gắng tìm thấy sự an tĩnh khỏi nỗi ám ảnh lịch sử thông qua những đứa con. “Tôi vẫn kể cho các con tôi chút một, chút một, và khi học lớp Năm, cậu con trai cả đã vẽ ba bức tranh, một bức là tôi trên thuyền với gia đình, một bức là chúng tôi khi tới Thái Lan, và một bức nữa, là ở trong nhà… Có thể chia sẻ với các con, rằng các con là thế hệ tiếp nối của những người đã sống sót…ở cả hai phía…và…ngay trong việc nói chuyện thôi, để các con thấy tự hào về lịch sử đó, không xấu hổ về nó như một số cách tôi đã từng chứng kiến”.
Nhà hoạt động người Canada Thái-Hòa Lê đã giãi bày về hành trình mà biết bao người đã trải qua để khám phá ra mình là ai khi tính dân tộc Việt từng không chiếm đa số trong anh: “Cũng có lúc, tôi cảm giác như mình bị khiếm khuyết, có lẽ là “không đủ” Việt. Nhưng sau 12 năm tham gia vào cộng đồng, 5 chuyến đi về quê hương, thậm chí là quay phim tại Việt Nam, tôi đã không còn cảm giác đó nữa”.
Theo vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC