Công dân nơi "thiên đường"

Không ít người Việt coi Anh là "miền đất hứa", "thiên đường", là nơi dung thân lý tưởng, chấp nhận đánh đổi mọi giá để đến theo kiểu nhập cư lậu - thực trạng phổ biến nhất. Dân đi lậu làm thế nào để thành công dân thiên đường?

132 1 Cong Dan Noi Thien Duong

Nhiều người là “nô lệ thời hiện đại” tại các tiệm làm móng - Reuters

132 2 Cong Dan Noi Thien Duong

Từ trái sang: Bà Minh Nguyệt và ông Thanh Phan, thế hệ người Việt định cư lâu năm tại Anh - Nguyễn Đình

Hơn 40 năm sống ở London, phục vụ trong ngành cảnh sát, ông Thanh Phan, nay đã qua tuổi 79, có thể nói là rất hiểu về đời sống người Việt. Hỏi về miền "thiên đường" nơi mình đang sống, ông cụ bảo: "Nước Anh tôi coi đó là thiên đường thật, bởi người Anh rất tốt, họ quý người, giúp người nhiều lắm. Nhưng đừng vì thế bằng mọi giá vào thiên đường ấy bằng cách chui lủi, sống ngoài vòng pháp lý, vướng rủi ro cao. 

Câu chuyện 39 cháu người Việt trong sự vụ vừa rồi, cùng là đồng hương với mình, suy nghĩ lắm chứ, đau lắm chứ. Đi vào Anh theo lối như thế, không phải như đi vào thiên đường đâu".

Nô lệ thời hiện đại ?

Thuật ngữ đao to búa lớn này được áp vào rất nhiều trường hợp lao động tại Anh bằng con đường nhập cư lậu, và sau đó bị cảnh sát phát hiện. Với những di dân lậu từ Việt Nam , các nghề phổ thông nhất, dễ kiếm tiền nhất bao gồm làm móng (nail), trồng cần sa và tạp vụ nhà hàng, kể cả làm bếp phụ - chính.

Mỗi khi cảnh sát điều tra, làm việc với các tiệm nail, nhà hàng, phát hiện dân nhập cư lậu, bao giờ cũng nhận được một bài khai na ná nhau, chủ yếu là than nghèo kể khổ, bị ép làm việc liên tục 12 - 14, thậm chí 16 tiếng/ngày, không được trả lương, điều kiện sống tồi tàn, và thế là được quy vào "nô lệ thời hiện đại". Mấu chốt cuối cùng của lao động chui, ấy là xin được tị nạn. Và con đường được tị nạn nhanh nhất, là phải đi làm chui, làm người "rơm", rồi sau đó nhờ luật sư làm thủ tục xin tị nạn.

Một đầu bếp với thâm niên hơn 15 năm lắc chảo, lang bạt khắp các nhà hàng Việt ở London, giờ đã trở thành danh chính ngôn thuận ở Anh bằng hình thức xin tị nạn.

Anh xin được giấu tên và kể lại chuyện một thời chui lủi:

"Thời tớ làm nhà hàng chui, có hôm cảnh sát đến kiểm tra, không còn cách nào khác phải chui lên hệ thống thông gió để trốn ra ngoài. Vì nếu bị bắt, mình ảnh hưởng thì không nói rồi, nhưng quan trọng hơn là chủ sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị rút giấy phép. Họ là người cưu mang mình, nên phải cố tìm cách trốn cho họ không bị liên lụy".

Hệ thống thông gió mà anh đầu bếp lẩn trốn, nối ra đường hầm tàu điện, đây là một giải pháp cực kỳ nguy hiểm bởi có thể mất mạng, nhưng may mắn lần đào thoát ấy trót lọt.

132 3 Cong Dan Noi Thien Duong

Nối mi, làm móng ở các tiệm nail vẫn là nghề kiếm sống của nhiều người Việt nhập cư ở Anh

Người nhập cư lậu, mang "thương hiệu" nô lệ thời hiện đại, sống ngoài pháp luật, không giấy tờ, kể cả tên tuổi cũng khai giả, tuổi 22 thì khai 15 - 16 tuổi nhờ lợi thế ngoại hình bé nhỏ của người Á Đông...

Những gian dối, ngụy tạo ấy đều nhằm mục đích gây khó khăn cho công tác điều tra khi bị bắt giữ. Nghe vẻ ngoài, tưởng cuộc đời dân di cư lậu toàn mùi khổ, hóa ra lại dễ sống (ít nhất là theo quan niệm của họ), bởi tiền công lao động được trả tiền mặt, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không phải đóng thuế, không phải tốn kém cho phúc lợi xã hội và quan trọng hơn là dễ được hội nhập vào xã hội Anh bằng con đường tị nạn.

Bị bắt rồi sẽ thả, thả rồi lại bắt, vòng luẩn quẩn ấy khiến những "nô lệ" đủ ung dung tồn tại, và Anh cho đến giờ vẫn là "miền đất hứa" của họ.

Công dân thiên đường

Thảm kịch 39 người Việt tử nạn ở Essex gây nên nhiều thắc mắc khi trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Anh biết không ít gia đình trong số nạn nhân có mức sống không thiếu thốn, bần cùng đến mức phải dứt bỏ quê hương, chấp nhận đi bằng con đường nhập cư lậu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao không vào Anh bằng con đường hợp pháp mà phải đi chui?

Chẳng hạn xin đi du lịch, đường hoàng đi rồi trốn, ít ra không phải ngồi trong container, không sợ bị rủi ro. Một trong những lý giải là có thể họ thiếu thông tin, bị dụ dỗ, mù quáng...; nhưng cũng có lý giải khác là do người thân của họ đang ở Anh cũng từng qua bằng đường dây này.

Và đi bằng container, cũng là một lý do kể khổ trong hồ sơ xin tị nạn.

132 4 Cong Dan Noi Thien Duong

Dễ sống, dễ được cộng đồng đón nhận khiến Anh trở thành miền đất hứa theo suy nghĩ của không ít người Việt

Trong hành trình trở thành công dân thiên đường ở Anh, nếu giữa đường đứt gánh (tiệm nail, nhà hàng, bãi trồng cần sa... bị cảnh sát phát hiện), phận dân nhập cư lậu khi bị bắt dễ tạo niềm thương cảm bằng hoàn cảnh (đi chui cực khổ, băng rừng, ẩn trong container, bị bóc lột lao động...).

Kỳ thực, đây là tình cảnh do chính dân nhập cư lậu tự lựa chọn. Đường dây vận chuyển người có thể kiếm lời từ việc vận chuyển họ vào Anh, nhưng cuộc sống ở Anh là do họ tự quyết định hoặc thỏa thuận với các đầu mối đã được sắp sẵn.

Chuyện làm ngày 14 - 16 tiếng đều là sự thỏa thuận, làm nhiều ăn nhiều.

Một trong số muôn vàn cách vào Anh, nếu theo con đường chính thống - theo phóng viên Thanh Niên tìm hiểu từ cộng đồng người Việt - mất ít là 10 năm, tính từ ngày đầu vào Anh trình diện.

Đây là con đường thường được du học sinh lựa chọn. Khi vào học đại học, hết 4 năm - tốt nghiệp, các bạn học tiếp lên thạc sĩ - 2 năm (hoặc 1 năm), đi làm 2 năm theo visa ưu tiên dành cho sinh viên sau tốt nghiệp, tiếp tục nộp đơn học tiếp tiến sĩ (2 năm), rồi xin việc làm...

Quãng thời gian trong hơn 10 năm ấy, đương sự không vướng một lỗi gì liên quan pháp luật, hồ sơ xin ở lại sẽ rất dễ dàng. Cũng có kiểu du học mãi không tốt nghiệp, bởi cứ 2 - 3 năm lại chuyển trường, đăng ký ngành khác, mục đích để kéo dài thời gian lưu trú tại Anh đủ 10 năm mà không vướng bất kỳ điều gì liên quan đến pháp luật.

Anh Huỳnh Thanh Phong, Phó chủ tịch Hội Người Việt tại Anh, cung cấp thêm thông tin:

"Hai năm trở lại đây, lượng người Việt vào Anh theo con đường nhập cư lậu khá nhiều. Do Bộ Nội vụ Anh gần đây cấp visa cho những người đến từ hơn 10 năm trước mà không giấy tờ, có thể đây chính là lý do để người Việt quyết tâm đi Anh, với hy vọng qua đây dễ sống, dù đi lậu rồi cũng sẽ có ngày được định cư".

Nhiều kiểu định cư khác như làm hôn thê chính thức, hoặc kết hôn giả...; mỗi con đường vào Anh đều mang kỳ vọng trở thành công dân thiên đường, nhưng sự đời chẳng bao giờ như mơ.

Nguồn: Lam Phong/ Thanh Niên online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày