Tròn 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Xuân Hằng (48 tuổi, làm nghề nail) đang có một cuộc sống đáng mơ ước tại Mỹ thì một biến cố ập đến làm đảo lộn mọi thứ. Mẹ chị là bà Nguyễn Thị Xuân đang khỏe mạnh bỗng nhập viện cấp cứu và rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị tai biến mạch máu não. Chính lúc này, cả thế giới sụp đổ khi chị Hằng hay tin mình không phải con ruột của bà.
Thân phận hé lộ sau nỗi đau mất mẹ
“Tôi ngất xỉu khi bác sĩ thông báo qua kiểm tra, phát hiện cơ thể má Xuân trước đó không hề có dấu hiệu sinh nở. Lúc tỉnh dậy, tôi đã lao đi tìm má để hỏi bà rằng ba má ruột của tôi là ai, tôi từ đâu đến. Nhưng tất cả đã muộn, người mẹ chăm bẵm, chở che cho tôi từ thuở nhỏ đã vĩnh viễn không tỉnh lại nữa” - chị đau đớn nhớ lại.
Trong phút chốc, chị Hằng vừa phải trải qua nỗi đau mất mẹ, vừa trải qua cảm giác hoang mang, lạc lõng tột độ. Những ký ức tuổi thơ không mấy vui vẻ ùa về trong tâm trí. Chị bỗng hiểu vì sao trước đây những người hàng xóm vẫn kỳ thị gọi chị bằng cái tên “con lai”, còn đám bạn học thì nhìn chị giễu cợt: “Má tao bảo mày là con nuôi”.
Gác nỗi đau riêng, vài ngày sau chị đưa mẹ Xuân về Việt Nam an táng theo đúng nguyện vọng của bà trước khi mất. Gặp họ hàng bên ngoại, lòng chị Hằng như có lửa đốt, muốn nhào đến để hỏi về gốc gác của mình nhưng rồi kịp nhận ra mình thật tàn nhẫn nếu nói ra sự thật vào lúc này. Chị tự nhủ “hết ba năm tang mẹ, mình sẽ hỏi ông ngoại mọi chuyện”.
Ông Frederick Ashley và con gái ruột - chị Nguyễn Thị Xuân Hằng sau gần nửa thế kỷ bị thất lạc nhau. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tiếc là người tính không bằng trời tính, tang mẹ chưa qua thì ông ngoại, rồi một người bác lần lượt qua đời. Trong thâm tâm, chị Hằng luôn hy vọng ai đó sẽ chủ động nói cho chị biết sự thật nhưng những gì chị nhận được là sự im lặng. Năm 2015, trong một lần về Việt Nam, chị quyết định tìm đến một đài truyền hình đăng tin tìm mẹ. “Họ hỏi mẹ ruột của tôi tên gì, ở đâu, bao nhiêu tuổi, ngoại hình thế nào. Tôi ôm mặt khóc rưng rức vì nhận ra mình không có bất cứ thông tin nào về bà cả. Trở về nhà của dì út, trong lúc ăn cơm, tôi đã cầu xin dì nói cho tôi biết người đã sinh thành ra mình” - chị Hằng nghẹn ngào.
Theo lời kể của dì, mẹ ruột chị tên Hạnh, người miền Tây, nếu còn sống năm nay khoảng 67, 68 tuổi. Vào những năm 1970, bà Hạnh làm thêm tại một quán bar tên Mộng trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM) do bà Xuân làm chủ. Sau khi sinh con, do hoàn cảnh ngặt nghèo nên bà đã giao con cho bà Xuân chăm sóc. Không lâu sau đó, bà Hạnh nhiều lần đến xin lại đứa bé để cùng một người đàn ông ngoại quốc sang Mỹ định cư. Tuy nhiên, bà Xuân không đồng ý do đã làm lễ rửa tội cho đứa bé. Bà hứa sẽ chăm sóc, nuôi dạy đứa bé như chính con ruột của mình. Năm 1989, bà Xuân mang đứa bé sang Mỹ định cư theo diện con lai và đổi tên con thành Jenny Hằng Nguyễn.
“Ba ơi, mẹ con đâu rồi?”
Có thông tin chị Hằng bắt đầu hành trình tìm mẹ ruột bằng việc tìm lại người cha vì “biết đâu ba đang ở cùng má”. Tất cả những gì chị biết về ông chỉ vỏn vẹn sáu chữ “từng tham chiến ở Việt Nam”. Qua người quen, chị gửi mẫu xét nghiệm ADN đến ngân hàng ADN lính Mỹ rồi chờ đợi phép màu sẽ đến. Vào một ngày mưa tầm tã đầu năm 2019, tim chị như muốn nhảy khỏi lồng ngực khi nhận được thư thông báo kết quả ADN cho hay cha ruột của chị vẫn còn sống.
Vài ngày sau, chị Hằng đi làm về thì nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: “Chào Jenny, ta là Frederick Ashley. Ta nhận được thông báo rất có khả năng chúng ta là cha con. Ta rất hạnh phúc vì điều này. Con hãy gọi điện thoại hoặc gửi email cho ta ngay nhé!”. Là cha, nghĩ vậy, chị Hằng vội chạy đi tìm giấy bút gạch ra những điều muốn nói với ông rồi luống cuống bấm điện thoại. 48 năm, đó là lần đầu tiên chị được nghe giọng nói của cha ruột, bao điều muốn nói, bao điều muốn hỏi nhưng cổ họng chị cứng nghẹn trong giây phút ấy vì bối rối và xúc động. Ở đầu dây bên kia, ông Frederick đã khóc tự bao giờ. Ông liên tục nói xin lỗi vì không biết đến sự tồn tại của chị, khiến chị phải khổ sở kiếm tìm. “Cha muốn gặp con nhanh nhất có thể” - ông nhắn nhủ.
Cuối tháng 2-2019, chị Hằng và chồng lái xe suốt 12 tiếng đồng hồ đến TP Burlington (tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ) để gặp ông Frederick. “Vừa nhìn thấy tôi, ông đã chạy đến ôm chầm lấy tôi. Trời mưa tầm tã, hai cha con đều ướt nhẹp. Chúng tôi không nói được gì cả, chỉ ôm nhau khóc. Càng ngắm nghía khuôn mặt cha thật lâu, tôi càng sung sướng nhận ra mình giống ông như hai giọt nước” - chị Hằng kể.
Ông Frederick kể năm 1970, ông quen với một cô gái Việt khi đang làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông giới thiệu mình tên Buddy và gọi cô gái là Kim. Bấy giờ bà Kim vẫn còn đi học, chỉ làm việc ở quán bar như một sinh viên làm thêm. Thỉnh thoảng ông vẫn dạy Kim học tiếng Anh. Năm 1971, Frederick được điều động về nước và không còn bất cứ liên hệ nào với bà nữa. “Ta đau lòng và cảm thấy có lỗi với con khi ngay cả một tấm ảnh của Kim cũng không có. Mong con tha thứ cho thiếu sót này của ta. Ta thực sự không biết bà ấy đã mang thai. Nếu biết thì ta đã tìm cách đưa hai mẹ con sang Mỹ rồi” - nắm chặt tay con gái, người cựu binh Mỹ giãi bày.
Chị Hằng khoe tháng 8 này sẽ cùng cha về Việt Nam để thắp nhang cho mẹ Xuân và tiếp tục nghe ngóng thông tin về người mẹ ruột. “Ba luôn hiểu tôi đang nghĩ gì, ngay cả khi tôi im lặng. Có bữa ngồi ăn cơm với ba, tôi vô thức hỏi: “Không biết má đang làm gì, ba nhỉ? Liệu ba con mình có được ngồi ăn cơm chung với má không ba?”. “Có chứ, điều gì cũng có thể xảy ra” - ba cười. Ông hay bảo “ông trời đã để cha tìm thấy con thì biết đâu đấy, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm thấy mẹ. Trái đất tròn, chỉ cần cha con mình đủ chân thành và kiên trì thì kỳ tích sẽ đến”” - chị tin tưởng.
Hai cha con nói chuyện với nhau rất lâu. Chạm tay vào giấc mơ tìm thấy cha ruột nhưng sâu trong lòng, chị Hằng cảm thấy hụt hẫng và trống rỗng khi nghe ông bảo không có bất cứ liên hệ nào với mẹ ruột của chị.
TÂM AN, PLO
© 2024 | Thời báo ĐỨC