Cô gái cựu du học sinh Úc trở thành nữ cơ trưởng người Việt Nam đầu tiên

Jetstar Pacific vẫn đang tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ học tập rèn luyện để phi công Việt Nam có thể đảm nhiệm vị trí cơ trưởng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt quốc tế.

132 1 Co Gai Cuu Du Hoc Sinh Uc Tro Thanh Nu Co Truong Nguoi Viet Nam Dau Tien

Lê Thị Bích Hồng, cô gái sinh năm 1985, đã chính thức trở thành nữ cơ trưởng người Việt Nam đầu tiên, cơ trưởng của Hãng hàng không Jetstar Pacific.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific vừa trao chứng nhận nâng bậc lên cơ trưởng cho nữ phi công Lê Thị Bích Hồng. Sau 4 năm gắn bó với vị trí cơ phó trong kíp lái Airbus A320, tích lũy 4.000 giờ bay an toàn tuyệt đối và trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của các chuyên gia theo quy chuẩn quốc tế, Lê Thị Bích Hồng đã trở thành nữ cơ trưởng người Việt Nam đầu tiên, cũng là một trong những cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Anh ở bậc THPT, Lê Thị Bích Hồng tiếp tục theo học khoa Ngữ văn Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM. Sau khi ra trường, cô gái sinh năm 1985 này tiếp tục qua Úc học thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế.

Về nước làm việc được một thời gian, Bích Hồng vô tình biết Jetstar Pacific có chương trình tuyển phi công để “nội địa hóa nguồn nhân lực”. Ước mơ được làm phi công từ bé và mong muốn được thử sức, Hồng đã quyết định đăng ký thi tuyển.

132 2 Co Gai Cuu Du Hoc Sinh Uc Tro Thanh Nu Co Truong Nguoi Viet Nam Dau Tien

 

 

Trải qua các vòng phỏng vấn, kiểm tra thể lực và kiến thức, kỹ năng, phản xạ, tư duy logic phức tạp... hết sức nghiêm ngặt, cuối cùng Bích Hồng được lựa chọn và đưa đi đào tạo phi công tại New Zealand. Sau quá trình đào tạo này, ngày 22/12/2013, Bích Hồng chính thức lái máy bay thương mại trên chuyến bay BL794 từ TP HCM đến thủ đô Hà Nội.

Jetstar Pacific hiện có 41 phi công người Việt Nam đang bay cùng đội ngũ phi công người nước ngoài. Trong đó có 12 phi công do hãng tuyển dụng và cử đi đào tạo và Bích Hồng là nữ cơ trưởng trẻ nhất ở tuổi 33 đã được hãng này cử đi học.

Theo quy định, mỗi học viên phi công sau khóa học chính thức sẽ phải trải qua 150 giờ bay kinh nghiệm với sự trợ giúp của chuyên gia ngồi bên cạnh trước khi trở thành cơ phó. Để trở thành cơ trưởng, phi công phải tiếp tục rèn luyện trong thực tế để tích lũy tối thiểu 4.000 giờ bay và trải qua giai đoạn kiểm tra, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quá trình làm việc chính thức, cả cơ trưởng và cơ phó vẫn phải trải qua kiểm tra định kỳ về sức khỏe, kỹ năng, kiến thức... để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày