Song Wenqing (SN 2000) sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm cơ khí ở thành phố Thái An, Sơn Đông, Trung Quốc.
Khi Song Wenqing 6 tuổi, bố mẹ đưa cô bé đi đăng ký học tại trường tiểu học Thực nghiệm số 1 Thái An, Trung Quốc. Cô trả lời trôi chảy tất cả câu hỏi về toán học khiến thầy cô tuyển sinh đều ngạc nhiên.
Tài năng sớm bộc lộ
Sau khi đánh giá và kiểm tra, các giáo viên đều thống nhất, Song Wenqing gần như đã nắm vững kiến thức của lớp 1 và lớp 2 nên được vào thẳng lớp 3. Với khả năng tự học, cô bé chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình tiểu học.
8 tuổi, cô bé đỗ vào trường trung học cơ sở Bác Văn Thái Sơn - trường chuyên trọng điểm của thành phố Thái An, Trung Quốc. Gia đình lo lắng rằng, Wenqing sẽ bị bạn bè bắt nạt bởi vóc dáng nhỏ bé. Tuy nhiên, ai trong lớp cũng yêu quý và nể phục cô bé bởi tài năng xuất chúng.
Song Wenqing gây bất ngờ với sự thông minh và khả năng tự học của mình (Ảnh: Sohu).
3 năm sau, vào kỳ 2 năm lớp 10, Song Wenqing đăng ký thi tuyển sinh vào Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam nhưng không đỗ. Ở tuổi 13, cô bé một lần nữa đăng ký thi đại học và đạt được 609/730 điểm, đỗ vào Đại học Đông Nam, Trung Quốc.
Thông tin Song Wenqing đỗ đại học ở tuổi 13, trong khi bạn bè đồng trang lứa đang học lớp 7 nhanh chóng lan truyền, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, bước vào môi trường đại học sớm, nữ sinh chưa thể thích nghi và chỉ đạt kết quả trung bình ở năm học đầu tiên.
"Nếu không cố gắng làm quen, tôi sẽ tốt nghiệp đại học và ra trường giống sinh viên bình thường. Thiên tài nếu không học hỏi cũng không thể thành công", Song Wenqing nói.
Cố gắng làm quen với môi trường , cô tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và tìm ra cách học riêng. Năm cuối đại học, Wenqing thành công được đăng bài báo đầu tiên trên tạp chí khoa học nằm trong nhóm SCI (nhóm các tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng cao trên thế giới). Ở tuổi 16, cô nhận bằng đại học loại xuất sắc chuyên ngành Điện tử.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học lên thạc sĩ và bảo vệ luận văn thành công ở tuổi 18. 19 tuổi, nữ sinh được tuyển thẳng vào hệ tiến sĩ tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) với hướng nghiên cứu chính là chip trí tuệ nhân tạo.
Năm 19 tuổi, nữ sinh được tuyển thẳng vào hệ tiến sĩ tại Đại học Nam Kinh (Ảnh: Sohu).
Khát vọng cống hiến
Thấy thông báo tuyển thực tập sinh của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về truyền thông di động, Song Wenqing tìm cách liên hệ và gặp gỡ giáo sư Trương Xuyên - trưởng nhóm hướng dẫn.
Sau khi gặp Wenqing, giáo sư ngưỡng mộ tài năng của nữ sinh: "Tôi tin Song Wenqing có năng lực nghiên cứu và giúp đỡ được quốc gia trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo".
Cuộc gặp gỡ này đã giúp cô được tham gia nhóm nghiên cứu công nghệ không dây tại Đại học Nam Kinh.
"Phòng thí nghiệm tôi tham gia tập trung vào thiết kế chip và đang nghiên cứu cấu hình chip trí tuệ nhân tạo. Tôi là người trẻ nhất trong số 20 người. Tôi chịu trách nhiệm quản lý chung, phân công, điều phối nhiệm vụ cho cả nhóm", nữ sinh cho hay.
Nghiên cứu chip trí tuệ nhân tạo là niềm khao khát của Song Wenqing (Ảnh: ShutterStock).
Song Wenqing cho biết, áp lực trong phòng thí nghiệm lớn hơn học nghiên cứu sinh rất nhiều. "Để tạo ra con chip có thể sử dụng, tôi cẩn thận kiểm tra từng chút, không được phạm bất cứ sai sót nào. Khi viết code chip, dù 24 tiếng không được ngủ, tôi cũng phải cố gắng hoàn thành chính xác", cô chia sẻ.
Với cô, được làm công việc thiết kế chip trí tuệ nhân tạo là niềm khao khát.
"Hạnh phúc hiện tại của tôi là từng bước hình thành con chip. Mỗi lần giải quyết được vấn đề, đạt được một bước tiến mới, tôi vô cùng sung sướng. Tôi ấp ủ tham vọng góp phần giúp đất nước trở thành cường quốc tự chủ công nghệ", Song Wenqing nói.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC