Theo cảnh sát thành phố Yangju, ông ShinYong Seok đã bị bắt vì cáo buộc giết người vợ Việt Nam Nguyễn Bình An.
Trước đó báo chí Hàn Quốc cho biết ông Shin đã đâm người vợ 29 tuổi của mình nhiều lần vào ngày 16/11 rồi đưa thi thể cô về quê tại hạt Wanju, tỉnh Bắc Jeolla để chôn giấu xác.
Theo cảnh sát, cặp vợ chồng này thường có rắc rối trong gia đình và sự cãi vã đã diễn ra trước khi ông Shin rút dao đâm vợ vì tức giận.
Bạo lực gia đình giữa những người đàn ông Hàn Quốc và vợ nhập cư đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở đây.
Hồi tháng 7, một đoạn clip cho thấy một người đàn ông Hàn Quốc hung hăng tấn công cô vợ người Việt đã lan truyền, khiến người dân Việt Nam và Hàn Quốc phẫn nộ.
Cuộc sống khó khăn của những người vợ nhập cư tại Hàn Quốc
Ban đầu, luật pháp thường yêu cầu các ông chồng phải là người bảo lãnh cho người vợ nước ngoài trong việc xin thị thực, nhập cư, xin gia hạn thị thực và thường trú. Tuy nhiên, luật này đã bị bãi bỏ vào tháng 12/2011 nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người của người nhập cư.
Tuy vậy, các nhóm dân sự cho biết những thủ tục pháp lý còn lại vẫn gây khó khăn cho những người vợ nước ngoài tìm cách thường trú hoặc có quốc tịch Hàn Quốc mà không có sự giúp đỡ của chồng.
Một người chồng Hàn Quốc bị bắt vì hành hung vợ Việt Nam.
"Những người nước ngoài cần trải qua một cuộc phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc và cho tới năm ngoái, cơ quan di trú không có cơ hội phỏng vấn các bà vợ nước ngoài nếu các ông chồng Hàn Quốc không đi cùng họ" – đại diện Kang Hye-sook tại Trung tâm Nhân quyền của phụ nữ nhập cư Hàn Quốc cho biết.
Điều này cùng với nhiều quy trình pháp lý phức tạp và mơ hồ khác đã khiến các bà vợ nhập cư không thể thực hiện công việc một mình, đặc biệt là khi họ chưa thành thạo ngôn ngữ và không có ai giúp đỡ họ. Như vậy, họ đã trao cho người đàn ông Hàn Quốc quyền quyết định việc ở lại của họ. Đây là lý do tại sao nhiều phụ nữ chịu đựng bạo lực và lạm dụng mà không báo cáo với các cơ quan thực thi pháp luật.
Những người vợ có thể có quyền hợp pháp sống ở Hàn Quốc mà không cần có sự giúp đỡ của chồng nếu anh ta chết hoặc bỏ họ. Tuy nhiên, khi những người vợ ngoại quốc ly hôn chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh ở tòa án để chứng minh rằng chia tay là do lỗi của đối phương.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cho biết 42,1% trong số 920 người được hỏi phải chịu đựng bạo lực gia đình. 38% bị lạm dụng về thể chất, trong khi đó 20% bị đe dọa bằng vũ khí. Tuy nhiên, 31,7% cho biết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ nào, 25% cho biết họ không muốn người khác biết về tình trạng bạo lực mình đang chịu đựng, 20,7% không biết đi tìm sự giúp đỡ ở đâu và 20,7% cho rằng họ nghĩ người khác không giải quyết được tình hình. Một nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) cho thấy 6,4% những người vợ nhập cư dẫn ra lý do bạo lực và đối xử tệ bạc là lý do khiến họ bỏ chồng. |
Hải YếnTheo Koreatimes
Nguồn: giaoducthoidai.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC