Trong 20 quận của Paris, người châu Á ở khắp nơi nhưng đặc biệt tập trung ở Quận 13, một trong những quận có diện tích lớn nhất và nhiều dân cư nhất Paris.
Điều nổi bật của quận này là những khu nhà cao hàng chục tầng (điều ít gặp trong nội thành Paris vì thành phố từ rất lâu đã hạn chế xây những khu nhà cao tầng trong nội thành nhằm không phá vỡ nét kiến trúc cổ đặc trưng), là những siêu thị thực phẩm rất rộng, nơi bạn có thể mua từ cái tăm tre đến bao gạo, từ đồ vàng mã đến những loại rau quả rất đặc trưng của Việt Nam hay châu Á.
Và thêm nữa là những dãy phố nối dài đầy ắp những nhà hàng tiệm ăn đủ loại, lớn có, nhỏ có, sang trọng có, bình dân có. Không có quán rong vỉa hè như ở Việt Nam, nhưng có rất nhiều quán cũng cho phép người ăn ngồi ngay trên vỉa hè, dĩ nhiên chỉ khác là không có rác vứt bừa bãi thôi.
Quận 13 ở Paris.
Quận 13 đặc biệt gần như không có thắng cảnh gì (khác biệt với tất cả những quận khác của Paris), chỉ có người và người, nhà (hàng) và nhà (hàng).
Quận 13 có thời gian giống như một quận đặc biệt "loạn" của Paris với những băng đảng kiểu Mafia, những nhóm đầu gấu không sợ pháp luật, những cuộc đấu súng ban đêm (hay cả ban ngày). Đến nỗi đã có cả một bộ phim viễn tưởng khá nổi tiếng ở Pháp được làm với viễn cảnh Quận 13 trở thành một quốc gia tự trị, độc lập, một vương quốc ngoài vòng pháp luật ở giữa Paris. Tuy nhiên, sau nhiều năm với sự nỗ lực của hệ thống pháp luật và của chính phủ, Quận 13 đã dần đi vào khuôn phép và trở nên an toàn, yên bình với người dân như bất cứ quận nào khác của Paris.
Rằng Quận 13 rất đông người Trung Quốc, và không ai biết được, thống kê được chính thức có bao nhiêu người Trung Quốc. Bởi nhiều người trong số họ không có giấy tờ, không có kê khai chính thức. Trẻ em sinh ra cũng không được thông báo, người chết đi cũng không có thông báo và nhiều khi người ta lấy giấy tờ của người chết để dùng cho một người còn sống nhưng chưa có giấy tờ. Sau cộng đồng người Hoa là đến cộng đồng người Việt, phần lớn là người miền Nam, đến Pháp theo hai làn sóng di cư lớn những năm 1954 và 1975.
Nghề phụ bếp cơ cực của du học sinh Việt
Một người bạn giới thiệu tôi vào làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt.
Ở đây, phụ bếp có nghĩa là làm tất cả. Là đến sớm đi chợ, còng lưng đẩy một xe hàng to. Là dọn dẹp lau chùi, là thái thịt rửa rau, là lau nhà cọ bếp, là quay cuồng giữa một đống bếp ga bốc lửa hừng hực, xào nấu những món đơn giản, trong khi mắt còn trông chừng nước sôi, chảo nem quá lửa và nhất là rửa bát, chao ôi là rửa bát.
Không phải vì tôi là gã công tử chưa biết mùi lao động hay không quen rửa bát. Tôi từng là kẻ quậy phá trong suốt một thời gian dài. Nhưng trong chính thời gian đó hay bất kỳ lúc nào khác, khi ở nhà, tôi là một "thiên thần" theo cách gọi "mỉa mai" của mấy cậu bạn tôi. Dù là con trai nhưng ở nhà tôi tự giác nấu cơm rửa bát, dọn dẹp nhà cửa không cần ai thúc giục. Bởi từ bé mẹ tôi đã bảo "con trai con gái đều phải ăn thì đều phải làm như nhau, công việc chia đều, cái gì cũng phải biết".
Bởi chị tôi thì bận học, rồi đi dạy thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình, ba mẹ đi làm về cũng đi làm thêm, tôi bỗng dưng thành người nấu cơm rửa bát thường xuyên trong nhà. Có thời gian nhà tôi ở tầng cao không có nước, ngày nào tôi cũng gánh cả chục gánh nước cho cả nhà sinh hoạt nên tôi quen với những việc này lắm, kể cả những việc nặng nhọc. Và tôi là người có sức khỏe, chơi thể thao thường xuyên ở mức độ gần như chuyên nghiệp.
Quận 13 ở Paris.
Ấy thế mà làm việc ở nhà hàng ấy chỉ một thời gian ngắn tôi đã thấy mình kiệt sức. Một ngày lao động 14 tiếng gần như không nghỉ. Thật ra trên hợp đồng thỏa thuận bằng miệng thì có hai tiếng nghỉ trưa. Nhưng không có trưa nào mà bà chủ không nghĩ ra việc cho tôi làm. Có hôm thì mang cả đống nồi ra đánh cho trắng bóng lên, có hôm thì bắc ghế lau trần nhà. Những việc ấy sau này tôi mới biết là cả chục năm rồi không có phụ bếp nào chịu làm, chỉ có tôi là bị bắt phải làm.
Bởi vì tôi đi làm theo kiểu làm chui, không có giấy tờ (ở Pháp, sinh viên nước ngoài được quyền đi làm, nhưng không quá 20 tiếng một tuần. Nếu muốn làm hơn thì chỉ có cách làm chui, không có hợp đồng gì cả, và nếu bị bắt thì rất phiền hà, có thể năm sau đó không được ở lại Pháp nữa) và vì tôi cần tiền quá, làm việc hết mình mà chỉ lo nhất bị chủ đuổi, nên bà bắt làm gì tôi cũng lao vào làm như thiêu thân.
Trong cái bếp bé chừng bảy mét vuông ấy, mùa đông cũng như mùa hè, lúc nào cũng nóng đến 40 độ, vì phòng bé, trần thấp, hai bếp chính, một bếp phụ và sáu cái bếp ga thi nhau tỏa nhiệt. Có một cái cửa sổ nhưng không dám mở vì sợ khói bay sang nhà hàng xóm. Nóng đến nỗi, cứ 15 phút tôi lại phải nhúng cả nửa người vào vòi nước, thế mà 15 phút sau người đã khô cong, quần áo khô đến mức cứng lại như giấy.
Cả buổi tối phục vụ xào nấu, bát đĩa khách ăn cho vào các thùng nhựa lớn. Thỉnh thoảng tôi mới có thời gian rửa một thùng để lấy bát đĩa quay vòng. Cuối buổi là cả chồng thùng chất cao, rồi nồi niêu xoong chảo. Kết thúc giờ làm vào 11, 12 giờ đêm, cũng là khi sức cùng lực kiệt, giới hạn chịu đựng của con người đã ngấp nghé (hoặc có thể đã bị vượt qua từ rất lâu). Mà còn phải làm nhanh, làm sạch và không quá ồn ào vì hàng xóm sẽ kiện nếu anh gây ra tiếng ồn ban đêm.
Mỗi thùng bát nặng chừng 30kg nhấc lên chậu rửa, ban đầu veo một cái là lên, càng về cuối càng không nhấc nổi. Có khi tôi phải khom người xuống, nhấc thùng bát đặt lên đùi để thở, để lấy sức, rồi ép vào tủ bếp, kéo dần lên đến ngang thành chậu, rồi mới dồn sức nhấc hẳn lên mặt bồn rửa. Rất nhiều khi tôi nghĩ mình đang rửa bát bằng ý chí, còn thân xác tôi đã kiệt sức từ lâu lắm rồi.
Có hôm tôi đang nâng thùng bát lên thì anh đầu bếp chạy qua vứt thêm vào một cái thìa, thế mà tôi buông rơi thùng bát cái rầm. Vì lúc ấy sức đã kiệt, trong đầu chỉ chuẩn bị cho ngần ấy thôi, thêm vào một cái thìa mà tinh thần không có sự chuẩn bị thì cũng không chịu nổi.
Có một lần sáng tôi đến sớm, trong bếp chưa có ai. Nhìn thấy một đống tấm lọc của hệ thống hút khói ngâm trong bồn rửa, tôi không hỏi han gì ai, xắn tay lên, xông vào rửa. Ban đầu cảm thấy đau nhức ở tay, tôi chỉ nghĩ là mình bị nẻ (hồi ấy mùa đông, khí hậu rất khô, một ngày ngâm nước ngâm xà phòng nhiều giờ nên tay tôi nứt nẻ ra, mà không dám dùng găng vì không quen nên làm rất chậm).
Mười phút sau anh đầu bếp mới đến. Anh hét lên, chạy vào giật tay tôi ra: cả hai bàn tay và cánh tay tôi đã đỏ lừ, da gần như bị lột ra. Hóa ra đêm hôm trước anh ngâm đống tấm lọc khói ấy bằng axit loại mạnh để tẩy hết dầu mỡ. May mà có cho thêm nước và sau một đêm axit đã bay đi phần nhiều, nếu không chắc lúc rút ra tay tôi chỉ còn xương.
Quận 13 ở Paris.
Thế mà hôm ấy, bà chủ chỉ bôi cho tôi chút mỡ trăn rồi lại bắt tôi đeo găng vào rửa bát tiếp như bình thường, còn quát tháo tôi rửa chậm không kịp tiến độ, rồi dọa đuổi việc, trừ lương. Cả đêm hôm ấy tôi nhức tay không ngủ được, ít ngày sau da bị bóc ra hết, da mới còn chưa kịp lên, đỏ lừ mà tôi vẫn rửa bát, đêm nào về cũng ngồi nhìn hai cánh tay sưng rộp lên, không ngủ được mà cũng không khóc được. Sau này tôi mới biết bình thường nếu xảy ra chuyện đó tôi phải được nghỉ nhiều ngày đến khi tay lành hẳn mà vẫn được hưởng lương, bà chủ còn phải bồi thường cho tôi và chịu mọi chi phí điều trị.
Nhưng khi ấy tôi chưa biết, tôi chỉ không hiểu tại sao cũng là con người, lại cùng là người Việt xa quê mà người ta có thể đối với nhau như thế. Không chút yêu thương đã đành mà dường như còn đầy thù hận.
Dần dần sau này, tôi mới hiểu. Tôi không viết rõ ra đây, chỉ biết rằng, trước, trong và sau cuộc "di cư", hầu hết trong số họ đã có nhiều mất mát, đau đớn, ám ảnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Và khi con người mất đi những gì quan trọng nhất, lại mất cả niềm tin thì tình người không phải là thứ dễ dàng ban phát. Tôi nhận ra rằng so với nỗi đau mà họ mang, những gì tôi đang phải chịu đựng không có gì ghê gớm, rằng cách họ đối xử với tôi vẫn còn "tử tế".
Và tôi chấp nhận được hết bởi có một điều tôi khác họ: trong lòng tôi có một niềm tin, một quyết tâm mạnh hơn nhiều sức mạnh của chính tôi: tôi biết rằng một ngày những chuyện ấy sẽ kết thúc, tôi sẽ tốt nghiệp, sẽ đi làm, sẽ sống đàng hoàng như ba mẹ tôi mong ước và như tôi tự hứa với chính mình.
Nguồn: Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC