Long, thứ hai từ phải sang, cùng các bạn ở sân bay Mutiara, Palu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Lúc đó là khoảng 18h, tôi đang tắm thì thấy mặt đất rung mạnh. Vội quấn khăn chạy ra phòng khách thì chiếc tủ đổ xuống, tôi may mắn thoát nạn vì chui ngay vào gầm bàn", Long kể lại với VnExpress về thời điểm động đất 7,5 độ tấn công thành phố Palu hôm 28/9. Long là sinh viên chuyên ngành sư phạm tiếng Indonesia tại Đại học Tadulako.
Mọi đồ đạc trong phòng của Long ở tầng 1 ký túc xá đổ tứ tung, tường nứt toác, nền nhà sụp xuống. Mọi người hoảng hốt la hét, có người sợ quá ngất xỉu. Long quơ vội bộ quần áo, cùng các bạn hô hoán nhau chạy ra ngoài khu đất trống để lánh nạn. Trường Tadulako cách bờ biển chỉ 2 km nhưng nằm ở đường đi lên núi nên may mắn không có sóng thần tràn đến.
Long cho hay trước đó, từ sáng đến 16h ngày 28/9, Palu có 7 trận động đất liên tiếp, mạnh nhất là 5,9 độ, theo thông báo của các nhà mạng Indonesia. Mọi người thấy "đất rung chuyển" nhưng không lo sợ vì đã quen với cảnh này. Đến 18h thì động đất mạnh dần lên nhưng không có cảnh báo sóng thần.
Sau khi thoát ra ngoài, cả đêm đó, toàn bộ 10 sinh viên Việt Nam gồm 7 nam và ba nữ phải nhịn đói và ngủ ở giữa đường nhưng vẫn cố gắng an ủi nhau. Toàn bộ trường có 27 sinh viên quốc tế, ngoài Việt Nam còn có sinh viên đến từ Thái Lan và Đông Timor.
Sáng hôm sau, xác định rằng cần phải lấy được hộ chiếu thì mới có thể về Việt Nam, Long và 6 bạn nam trong nhóm bàn nhau đánh liều trở lại ký túc xá để lấy. Khu ký túc xá hai tầng lúc đó sụp xuống thành hình chữ V nhưng vẫn còn lối lên cầu thang. Mọi người thống nhất chia làm ba nhóm, hỏi kỹ chỗ để hộ chiếu của từng người.
"Chúng tôi xác định chỉ có hai phút sinh tử để lấy được hộ chiếu của tất cả. Đó là thời khắc đánh cược với số phận nhưng là việc bắt buộc phải làm và may mắn tìm được hết", Long nói.
Do mạng điện thoại chập chờn không liên lạc được với ai, nhóm của Long phải ở lại trường học và bàn cách rời khỏi Palu. Họ nhận được bánh kẹo, mì tôm và nước của nhiều nhóm hỗ trợ từ trường, quân đội, cảnh sát và cả người dân. Đêm xuống ai cũng thấp thỏm không dám ngủ vì lo sợ lại có động đất.
Nhìn khung cảnh tan hoang xung quanh, Long cảm thấy hoảng loạn vì không ngờ bản thân lại trải qua thảm hoạ kép động đất, sóng thần lớn đến vậy, điều anh lâu nay chỉ thấy trên các phương tiện truyền thông.
Sang ngày thứ hai, cả nhóm quyết tâm ra sân bay Mutiara để tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta. Họ tìm được xe của người dân để đi nhờ. Long còn may mắn nhặt được một chiếc sim điện thoại và dùng nó trong suốt hành trình. Đến sân bay Long mới gọi về cho gia đình ở Quảng Ninh, trấn an bố mẹ và anh trai rằng mình an toàn và đang tìm cách về Việt Nam.
Khi Long gọi được cho các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, hai bên phải giữ liên lạc thường xuyên, gần như thức trắng đêm để lo thủ tục bay ra khỏi Palu. Ngày 1/10, cả nhóm được đưa lên máy bay vận tải quân sự Hercules cùng nhiều người dân đến thành phố Makassar, cách Palu gần 500 km. Từ đó họ được đưa về Jakarta. Hiện Long và các bạn đang ở khách sạn tại thủ đô Indonesia và chờ vé về Việt Nam.
Long chụp ảnh selfie tại Palu trước khi xảy ra động đất. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nói về kế hoạch sắp tới, Long cho hay mình và mọi người xác định về phải Việt Nam an toàn, chờ tình hình ở Palu ổn định thì mới quay lại. Chỉ còn hai tháng nữa là Long tốt nghiệp nhưng nam sinh này không thể sốt ruột. Trước đó, tại sân bay Mutiara, trưởng văn phòng quốc tế của trường đã gặp nhóm sinh viên Việt Nam để hỏi thăm tình hình. Ông cho biết ưu tiên của chính quyền địa phương là xây dựng lại sân bay, bệnh viện, trạm xăng, các nhà mạng, nhà máy điện rồi mới đến trường học.
"Tôi ước chừng sẽ phải chờ khoảng hai đến ba tháng nữa mới tính chuyện trở lại Chúng tôi có sẵn luận án trong laptop rồi nên không bị mất mát gì", Long nói.
Trận động đất hôm 28/9 gây ra sóng thần cao tới 6 mét tại một số khu vực tại Sulawesi, cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP) số người chết hiện là 1.234 người. Lực lượng cứu hộ tới nay vẫn chưa tiếp cận được một số khu vực bị ảnh hưởng, vì thế con số thương vong có thể còn tăng.
Tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Các nhân viên cứu hộ chật vật bởi thiếu trang thiết bị hạng nặng khi cố gắng đào bới tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát.
Nguồn: VnExpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC